Giữa rừng thiêng Trần Hưng Đạo
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hào hứng đọc cho chúng tôi nghe 10 lời thề danh dự của Quân đội ta trên chuyến xe từ Hà Nội đến Cao Bằng tham dự Chương trình “Về nơi khởi nguồn” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức mới đây. Bị thương trong trận đánh vào căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai) ngày 28-4-1975 khiến ông bị hỏng hai mắt. Thị lực gần như đã mất hẳn nhưng bù lại, ông có sức khỏe tốt, đặc biệt là giọng nói rất truyền cảm. Ông bảo, ngay từ khi chưa vào bộ đội đã thuộc 10 lời thề danh dự “gốc” của Quân đội ta. Nó ngấm vào máu thịt, để rồi việc đọc 10 lời thề trở thành “bài tập thể dục” mỗi sớm bình minh của người lính già đã gần 80 tuổi.
Cũng chính từ cảm xúc của ông giúp chúng tôi nhớ tới những điều đã được học, tìm hiểu về lịch sử của Quân đội ta. Chỉ một ngày sau khi nhận được chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã tổ chức lễ thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngày nay). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Bác Hồ ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo, chỉ huy. Với 34 chiến sĩ, Đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.
Nhớ về sự kiện đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: 5 giờ chiều, lễ thành lập đội cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc, giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt, trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lần đầu tập hợp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Đại diện Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập Đội và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Đứng dưới cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự...
80 năm sau, cùng đoàn đại biểu anh hùng, tướng lĩnh, sĩ quan QĐND Việt Nam trở lại khu rừng Trần Hưng Đạo tham dự Chương trình “Về nơi khởi nguồn”, chúng tôi được sống lại thời khắc hào hùng của lớp cha anh năm xưa. Như người con đi xa lâu ngày trở về đất mẹ, chúng tôi được hòa mình trong ánh mắt, nụ cười đôn hậu và những cái bắt tay thật chặt của bà con nơi đây khiến ai cũng xúc động. Không cần hướng dẫn viên của Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, chính bà con đưa chúng tôi tham quan và giới thiệu tỉ mỉ về từng địa điểm mà họ dường như đã thuộc lòng: Đây là khu lán nghỉ-mô phỏng lán trại cũ của Đội gồm hai dãy làm theo kiểu nhà của người miền xuôi. Phía đối diện là bếp ăn của Đội. Từ khu lán nghỉ-bếp ăn, theo con đường nhỏ xuống khoảng 50m, có một mỏ nước chảy liên tục. Nơi đây vẫn còn những cây sấu cổ thụ làm dấu, mỏ nước được Đội lấy nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày khi mới thành lập. Tiếp đến, vượt khoảng 300 bậc thang là lên tới đỉnh Slam Cao-đỉnh cao nhất của núi Dền Sinh, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội đặt trạm quan sát. Từ đây có thể quan sát các hướng: Phía Tây Bắc là đồn Phai Khắt, làng Phai Khắt và núi Thẳm Khẩu; phía Đông Bắc là đồn Nà Ngần và xa hơn là trục Đường 3B, nơi có một số đồn địch án ngữ. Đặc biệt là địa điểm diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, hiện đã được đầu tư phục dựng trên khu đất rộng, bằng phẳng, có lát gạch và láng xi măng, với một nhà bia trung tâm 2 tầng 8 mái. Trên các mặt bia có khắc toàn văn Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh; danh sách 34 chiến sĩ và 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ.
Là một người con của quê hương Trùng Khánh, Cao Bằng, hiện sinh sống cách khu di tích 27km, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Văn Thượng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng không bỏ qua một điểm di tích nào. Ông tự hào nói: “Tôi sinh năm 1948, khi Đội đã ra đời 4 năm với nhiều trận đánh gây tiếng vang khắp vùng. Nghe các cụ truyền tai nhau về Bộ đội Cụ Hồ, tôi háo hức muốn đi theo và từng nhiều lần trốn nhà tìm đến rừng Trần Hưng Đạo. Dù biết lúc đó Đội đã lớn mạnh và đi chiến đấu ở chỗ khác nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng. Sau này trưởng thành, tôi chính thức nhập ngũ, là bộ đội đặc công tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rồi làm nhiệm vụ của người lính xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho đến khi nghỉ hưu năm 2007. Trở về cuộc sống đời thường gần 20 năm nay nhưng những lời thề của người quân nhân cách mạng, tôi chưa bao giờ quên”.
Tiếp lời đồng đội, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: “Lời thề bao hàm nhiều mặt trong phẩm chất của người chiến sĩ, nhưng hồn cốt của nó là lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc của một đội quân cách mạng mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam giáo dục, rèn luyện. 80 năm qua, tuy có thay đổi một số điểm về ngôn từ cho phù hợp nhưng cốt lõi của 10 lời thề hầu như không thay đổi. Nó nhắc nhở mỗi người lính trong mọi hành động đều phải nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời phải thường xuyên nuôi dưỡng phẩm chất cách mạng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành lẽ sống cao cả của Bộ đội Cụ Hồ”.
Tiến bước dưới Quân kỳ Quyết thắng
Từ một đội quân với vỏn vẹn 34 chiến sĩ, được nhân dân nuôi dưỡng, Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, Quân đội ta đã lớn mạnh nhanh chóng, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam mới-một nhà nước dân chủ mang bản chất công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. 10 năm sau khi thành lập, Quân đội ta phát triển, trở thành một đội quân chính quy, chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh, cùng toàn dân ta làm nên Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” năm 1954. Tiếp đến là 21 năm đầy cam go “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975...
Trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, 10 lời thề danh dự của QĐND Việt Nam luôn là hành trang giúp mỗi quân nhân vững ý chí, mạnh niềm tin, quyết tâm rèn luyện, phấn đấu. Minh chứng cho điều đó là rất nhiều câu chuyện chúng tôi được nghe trực tiếp từ các anh hùng, tướng lĩnh.
Ở tuổi 83, bước chân vẫn thoăn thoắt trên từng bậc thang đá, Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3, Đại đội 2, Đoàn Đặc công nước 126, Bộ tư lệnh Hải quân không giấu được sự xúc động khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất cách mạng Nguyên Bình. Ông kể: “Tôi sinh năm 1941, ở thôn Trại Xanh, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; hơn 10 tuổi đã theo các cô chú trong Đội du kích Đường 5 quê tôi phục kích đánh thực dân Pháp đi càn. Năm tôi nhập ngũ, do thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, hai con nhỏ, mẹ già lại bị bệnh tâm thần, các thủ trưởng tạo điều kiện cho xuất ngũ nhưng tôi nhất định không chịu. Trên chiến trường Cửa Việt-Quảng Trị, tôi đã cùng đồng đội đánh chìm hàng chục tàu địch. Cá nhân tôi đánh chìm 3 chiếc. Đồng đội yêu quý đặt cho tôi biệt danh “Mũi nhọn thọc sâu, đánh đâu thắng đó”. Ngày 19-5-1972, tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
Cũng là đại biểu khách mời của chương trình, không lên ngồi ở vị trí do Ban tổ chức sắp xếp ngay mà Anh hùng Phan Thanh Quyết, trong bộ quân phục mới, lại gần gũi ngồi giữa các cháu học sinh và sẵn sàng trả lời câu hỏi của các em. Gần 5 năm chiến đấu trong đội hình Đại đội 9, Tiểu đoàn 35, Sư đoàn 305 tại Mặt trận Bình Trị Thiên, không quản gian khổ, hy sinh, ông luôn nêu cao tinh thần vượt gian khổ, nguy hiểm. Trong mỗi chuyến trinh sát nắm tình hình địch, dù có thể sẽ hy sinh nhưng ông đều sẵn sàng nhận và hoàn thành, tạo điều kiện cho đơn vị hạ quyết tâm chiến đấu. “Nhớ trận đánh căn cứ địch tại Đồng Lâm hồi cuối năm 1971, qua 6 đêm, 7 lần ra vào từng nơi đồn trú của chúng, tôi mới hoàn thành việc vẽ sơ đồ căn cứ địch. Theo phương án được thông qua, tôi dẫn tổ xung kích vượt 6 lớp hàng rào kẽm gai và nhiều vọng gác của địch, phá hủy hoàn toàn 11 kho xăng, đạn trong căn cứ”, ông kể.
Từ miền Trung nắng gió vượt hàng nghìn cây số đến với Cao Bằng, Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung lại chia sẻ câu chuyện của cậu bé 8 tuổi đã làm liên lạc, 11 tuổi tham gia du kích bí mật, 12 tuổi đã tìm cách lấy được súng của địch cho du kích. Chính ông đã đề nghị với đồng chí Nguyễn Chí Thanh (sau là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) xin được đổi tấm Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Liên khu 5 để lấy súng ngắn và kíp nổ điện về tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương...
Câu chuyện của gần 20 tướng lĩnh, anh hùng kể trước và trong Chương trình “Về nơi khởi nguồn” đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Nguyên Bình. Dư âm của sự kiện lịch sử diễn ra 80 năm trước như vẫn còn đây trong khu rừng thiêng. Dưới những tầng cây lá nguyên sinh, hình ảnh 34 chiến sĩ đứng thành đội ngũ, giơ cao nắm tay thề như hiện về mồn một trong tâm trí mọi người. Thế hệ hôm nay tụ về đây, nhắc nhớ chuyện xưa để dặn nhau tiếp bước xứng đáng với những gì cha anh đã gây dựng. Như lời của em Triệu Bàn Kim Ngọc, học sinh lớp 5, thôn Đông Bao, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình bày tỏ: “Trực tiếp nghe các bác bộ đội kể chuyện, cháu vô cùng khâm phục. Các bác thật gan dạ, dũng cảm chiến đấu với kẻ thù để chúng cháu được hạnh phúc tới trường. Cháu thấy mình phải cố gắng học tập thật tốt, mang những kiến thức có được để xây dựng quê hương!”.
SONG THANH