Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) hiệu là Mai Sơn, người Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng, có cha là Nguyễn Thượng Phiên, Đệ nhị giáp chế khoa năm Ất Sửu 1865. Vốn có tư chất thông minh từ nhỏ, lại được gia đình trui rèn và cho học hành tử tế nên năm 16 tuổi (1884), Nguyễn Thượng Hiền đã thi đỗ cử nhân và chỉ một năm sau (1885) đỗ đầu trong kỳ thi Hội. Dẫu vậy, kết quả kỳ thi này chưa được công nhận bởi sự kiện kinh thành Huế thất thủ. Trong những ngày ở Huế, được tận mắt chứng kiến cuộc tiến công tàn phá kinh thành và đàn áp người dân của quân Pháp xâm lược, Nguyễn Thượng Hiền rất đau lòng và căm phẫn. Ông tự nhủ với lòng thề có dịp rửa thẹn cho nước. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ chưa cho phép Nguyễn Thượng Hiền làm điều đó, ông đành khăn gói về quê mang theo nỗi căm thù giặc khôn nguôi.

Năm 1892, Nguyễn Thượng Hiền trở lại Huế tham dự kỳ thi Đình và tại kỳ thi này, ông đỗ Hoàng giáp. Lần trở lại này, Nguyễn Thượng Hiền đã bén duyên với Tôn Nữ Thị Ẩn-“con gái rượu” của Tôn Thất Thuyết, một trong những nhân vật tích cực nhất của “phe chủ chiến” trong triều đình Huế lúc bấy giờ. Mặc dù đỗ Hoàng giáp và được triều đình trưng dụng, nhưng Nguyễn Thượng Hiền lấy cớ sức khỏe yếu và tâm thần bất an để dâng biểu xin triều đình cho về ở ẩn tại núi Nưa (Thanh Hóa) đọc sách “tĩnh dưỡng”, rồi không lâu sau đó chuyển về sống ở quê nhà. Thực chất là Nguyễn Thượng Hiền không muốn phục vụ cho triều đình do bất bình trước thái độ ươn hèn của vua Đồng Khánh. Biết ông là người có tài, nhà vua đã không ít lần cho người về quê thuyết phục và thúc ép, cuối cùng Nguyễn Thượng Hiền mới chịu quay trở lại chốn quan trường hy vọng có cơ hội để thực hiện lời thề “rửa thẹn cho nước”. Ông được nhà vua trao chức Toản tu Quốc sử quán, rồi được thăng Đốc học ở Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định...

leftcenterrightdel
Chân dung danh nhân Nguyễn Thượng Hiền. Ảnh tư liệu

Trở lại chốn quan trường, Nguyễn Thượng Hiền được tiếp cận với những tư tưởng cấp tiến trong tầng lớp sĩ phu, được kết giao với một số chí sĩ yêu nước tiến bộ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ... Sau cái chết của thân phụ năm 1907, cùng với đó là việc vua Thành Thái bị nhà cầm quyền Pháp phế truất, Nguyễn Thượng Hiền quyết định bỏ chốn quan trường, xuất dương sang Nhật theo tiếng gọi “Đông du” của Phan Bội Châu. Từ đây, Nguyễn Thượng Hiền chính thức dấn thân vào con đường cứu nước, theo chủ trương bạo động của Phan Bội Châu. Ông trở thành một thành viên tích cực của Hội Công hiến (Việt Nam Công hiến hội). Cùng với cụ Phan và các yếu nhân của hội, Nguyễn Thượng Hiền đã đem hết khả năng và sức lực tập trung giúp đỡ, lo toan cho các du học sinh Việt Nam; đồng thời củng cố và mở rộng mối liên kết giữa các sĩ phu yêu nước ở hải ngoại với trong nước. Sau khi Phong trào Đông Du bị chính quyền sở tại ra lệnh giải tán, Nguyễn Thượng Hiền được hội phân công về móc nối với các cơ sở cách mạng ở Trung Quốc. Tại đây, ông đã nhanh chóng thâm nhập được một số cơ sở ở các địa bàn quan trọng như: Hàng Châu, Bắc Kinh, Quảng Châu, Sơn Tây... tranh thủ giao thiệp với nhiều nhân vật có uy tín và ảnh hưởng lớn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ dành cho hội.

Năm 1912, tại Quảng Đông (Trung Quốc), Việt Nam Quang Phục hội với tôn chỉ “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam”, chính thức được thành lập. Là một thành viên đầy nhiệt huyết và quan trọng của Việt Nam Quang Phục hội, Nguyễn Thượng Hiền được bầu làm Ủy viên Bộ Bình nghị, đại biểu cho Bắc Kỳ. Cuối năm 1913, Phan Bội Châu bị chính quyền quân phiệt Lưỡng Quảng bắt giam, Nguyễn Thượng Hiền được hội giao gánh vác thêm phần công việc của cụ Phan. Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Nhận thấy thời cơ phục quốc đã tới, từ nước ngoài, Nguyễn Thượng Hiền kêu gọi mọi người trong nước: “Từ nay, mọi người phải lên tiếng gọi lấy hồn nước. Nào người dũng tướng hãy vung tay thét lớn, đứng lên trước mọi người. Nào bạn nghĩa binh hãy trở giáo quay lại, giết hết đầu trùm của giặc. Nào quốc dân chớ tiếc tiền tài, giúp vào việc nghĩa... Nào binh sĩ chớ ngại vất vả, hãy góp sức lập công... Nêu cao quốc kỳ Việt Nam trên thế giới, chỉ trông ở thời cơ này” (Trần Văn Giàu, “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám”, tập 2, tr.105).

Với tố chất năng động, uyên thâm, lại có kinh nghiệm bang giao và khả năng giao thiệp tốt nên Nguyễn Thượng Hiền được hội ủy quyền sang Băng Cốc làm việc với lãnh sự Đức ở Xiêm để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có được khoản trợ giúp 1 vạn đồng từ phía lãnh sự Đức, trở về Trung Quốc, Nguyễn Thượng Hiền cùng bộ tham mưu Việt Nam Quang Phục hội quyết định tổ chức lực lượng vượt biên giới tiến công các đồn lẻ dọc vùng biên Lạng Sơn, Hà Khẩu, Móng Cái. Nguyễn Thượng Hiền đích thân chỉ huy một cánh quân từ Long Châu tiến vào Lạng Sơn. Mặc dù kế hoạch có phần mạo hiểm đó của Việt Nam Quang Phục hội không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng dẫu sao nó cũng đã gây được tiếng vang lớn đối với phong trào đấu tranh ở trong nước.

leftcenterrightdel
 Ngôi trường mang tên danh nhân Nguyễn Thượng Hiền ở TP Hồ Chí Minh.

Kể từ khi Việt Nam Quang Phục hội bị chính quyền thực dân tại Trung Quốc đàn áp dã man, để tránh khỏi bọn mật thám, chỉ điểm, Nguyễn Thượng Hiền cùng với các yếu nhân khác của hội phải bôn tẩu khắp nơi, khi thì ở Bắc Kinh, lúc lui về Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Tây, Quảng Đông... Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Pháp là một trong những nước thắng trận. Nỗi thất vọng và uất ức tuôn trào vì lời thề “rửa thẹn cho nước” chưa thực hiện được, Nguyễn Thượng Hiền quyết định vào nương nhờ chốn cửa Phật ở chùa Thường Tịch Quang Lan Nhược trên núi Vân Sơn Cự (Hàng Châu, Trung Quốc). Ngày 27-12-1925, ông trút hơi thở cuối cùng tại đây khi mà ước mơ, hoài bão và công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân Pháp còn dang dở. 

Nguyễn Thượng Hiền không chỉ là một vị Đốc học nhiệt thành yêu nước, luôn nung nấu một khát khao giải phóng đất nước cháy bỏng; một vị quan thanh liêm và thẳng thắn... mà còn là một nhà Nho uyên thâm, một nhà khoa bảng có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và văn hóa nước nhà. Ông đã để lại nhiều áng thơ, văn có giá trị, trong đó đáng chú ý như: Phú cải lương, Hợp quần doanh sinh thuyết, Nam chi tập... Trong các trước tác của Nguyễn Thượng Hiền phản ánh những chuyển biến tư tưởng tâm hồn của các sĩ phu yêu nước đương thời, cho thấy rất rõ tâm niệm, phương châm hành động của ông và những sĩ phu cùng chí hướng trong phái cách mạng bạo động. Chưa dừng lại ở đó, thơ văn của ông còn là bản cáo trạng vạch trần những hành động bạo tàn của quân Pháp đối với nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, không nhiều người biết rằng quan Đốc học Nguyễn Thượng Hiền từng thông qua những tác phẩm văn chương của mình gợi mở, đề xuất những vấn đề cải cách kinh tế theo hướng duy tân-điều mà không dễ tìm thấy ở những sĩ phu yêu nước khác cùng thời với ông.

 TRẦN VĨNH THÀNH