10 lời thề tôi vốn đã thuộc, lại có giọng đọc dễ nghe, thường đọc báo phục vụ đơn vị nhưng khi nhận lệnh này, tôi vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng. Hiểu tâm trạng chiến sĩ, sau giờ lau súng chiều 14-12-1960, Chính trị viên Đại đội Võ Ngọc Quế đã trao đổi với Đại đội trưởng Nguyễn Sừ thống nhất dành cho tôi một tuần lễ không phải ra thao trường, chỉ ở doanh trại tập trung thục luyện.

Ban ngày, đơn vị ra thao trường còn tôi làm bạn với cuốn sổ tay công tác đoàn ghi nắn nót 10 lời thề danh dự. Hết ở trong nhà lại ra sân bóng chuyền, đến bên những bộ xà đơn, xà kép, tôi mải miết đọc sao cho thật trôi chảy, tự tin. Đêm đến, khi còi lệnh ngủ vang lên, tôi lại rón rén lóe trộm ánh đèn pin nhẩm đọc không thành tiếng, quyết không để vấp váp. Phấp phỏng đợi chờ và thời khắc của cái ngày đáng nhớ ấy đã đến.

Sáng sớm 22-12, tôi mặc bộ quân phục mới nhất, nai nịt gọn gàng, ngôi sao lung linh trên mũ cùng bộ quân hàm binh nhất đỏ tươi trong đội hình 500 chiến sĩ của Tiểu đoàn 907 tiến về sân vận động dự lễ mít tinh. Cùng với các đơn vị bạn và đồng bào, đơn vị chúng tôi xếp thành hàng thẳng tắp hướng lên kỳ đài. Sau lệnh chào cờ, nhận lệnh của đồng chí chỉ huy buổi lễ, tôi tiến đến vị trí quy định, đặt tay lên vành mũ chào Quốc kỳ khổ lớn đang tung bay trước gió rồi dõng dạc đọc: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc!”: “Một... Xin thề!”, “Hai... Xin thề!”... Mỗi khi tôi đọc dứt một lời thề, dưới sân vận động, hàng nghìn cánh tay lại giơ cao cùng âm điệu điệp khúc: “Xin thề, xin thề, xin thề!” vang vọng núi rừng. Đọc xong lời thề thứ 10, tôi trở về vị trí ban đầu của mình, nghe Thiếu tá Kim Sơn, Chính ủy Phân khu đọc diễn văn kỷ niệm 16 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel

Tác giả, cựu chiến binh Đinh Quang Huy. Ảnh: QUANG NINH 

Giữ trọn lời thề danh dự, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 907 chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu những năm 1960-1961. Mùa xuân năm 1962, chúng tôi được bổ sung về Sư đoàn 316, hành quân sang giúp bạn Lào, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả chống đế quốc Mỹ, chi viện miền Nam, bảo vệ miền Bắc.

Chiến trường chúng tôi hướng tới là giải phóng Luang Namtha, Lào. Lời thề danh dự đã giục giã cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lần lượt vượt qua mọi gian lao bước vào cuộc chiến đấu. Chúng tôi hành quân bộ xuyên rừng (có ngày phải vượt qua 81 con suối) tiến về mặt trận và ròng rã sau 9 ngày đêm lặn lội mới tới dãy đồi cao ở bản Bang, lập trận địa hướng xuống cứ điểm địch ở Luang Namtha. Qua những kẽ lá rừng già, từ trên cao nhìn xuống, Luang Namtha tựa như lòng chảo Điện Biên Phủ.

Suốt thời gian chuẩn bị trận địa là những ngày tháng cực kỳ gian khổ. Vào hè, những trận mưa rừng đổ xuống, giao thông hào bùn đất nhão nhoét, bám dính khiến áo quần bê bết, nhưng ít khi được thay giặt bởi nơi này là một vùng đồi cao rất hiếm nước. Có chiến sĩ đã hy sinh trong lúc đi gom từng ống tre nước ngoài tiền duyên đem về phục vụ thương binh. Tất cả gian khổ như vậy chúng tôi đều vượt qua, căng mắt đợi ngày nổ súng giải phóng Luang Namtha. Và cái thời khắc quan trọng ấy cũng đã tới, đúng 4 giờ ngày 7-5-1962, tất cả các mũi tiến công gồm Sư đoàn 316 chúng tôi và Sư đoàn 330 từ Thanh Hóa vừa sang, phối hợp với bộ đội Pathet Lào đồng loạt nổ súng tập kích cứ điểm địch. Chỉ trong thời gian ngắn chiến đấu, địch buộc phải đầu hàng, ta làm chủ trận địa.

Chiến dịch Luang Namtha toàn thắng, một chiến dịch mang ý nghĩa lớn bởi chủ trương của ta quyết định chọn ngày 7-5-1962, ngày mà 8 năm trước diễn ra Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) để động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội ta. Chúng tôi đã sát cánh cùng quân dân Lào chiến đấu giải phóng Luang Namtha, giúp cách mạng Lào từng bước giành thắng lợi.

ĐINH QUANG HUY