Bà Nguyễn Thị Phương Diệp, nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người trực tiếp đưa tiễn các đoàn viên, thanh niên của nhà trường lên đường nhập ngũ giải thích với chúng tôi: “Đây là lá cờ do Đoàn Thanh niên nhà trường làm vào năm 1970 thể theo nguyện vọng của các đoàn viên muốn lưu danh và ký tên làm kỷ niệm trước khi lên đường nhập ngũ. Tôi nhớ năm ấy, các sinh viên được về thăm nhà khoảng một tuần. Đến ngày phải quay về trường đúng lúc miền Bắc bị lụt lội chia cắt, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhưng tất cả mọi người dù ở tỉnh gần hay ở tỉnh xa, đều có mặt tại trường đúng thời gian quy định”.
|
|
Cựu chiến binh Trương Văn Lương (bên phải) xem lại những dòng tên lưu niệm trên lá cờ. Ảnh: VIỆT THÙY. |
Lá cờ được làm từ khuôn vải đỏ khổ lớn. Ý tưởng và hình thức trang trí do Ban chấp hành Đoàn trường sáng tạo và được Ban giám hiệu nhà trường thông qua. Ngay trên đầu là dòng chữ thể hiện quyết tâm của những người lính sinh viên “Tiền tuyến gọi, chúng tôi sẵn sàng”, bên dưới có thêu cụm hình biểu tượng thể hiện cho tinh thần “ba sẵn sàng” của thanh niên cùng hình bánh răng, bông lúa, trang vở trắng, cây bút và cây súng, tượng trưng cho công nghiệp, nông nghiệp, hình ảnh sinh viên và người lính; phía dưới lần lượt thêu tên Liên chi đoàn 6 khoa của nhà trường và khoảng trống để sinh viên lưu tên và chữ ký của mình. CCB Trương Văn Lương, nguyên đoàn viên Liên chi đoàn Cơ khí, xúc động cho biết:
- Tháng 8-1970, tôi là một trong khoảng 50 đoàn viên thuộc Liên chi đoàn Cơ khí cùng ký tên vào lá cờ. Khi đến lượt cầm bút, ai trong lòng cũng rạo rực khí thế thanh niên “ba sẵn sàng” (sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần), và trong tim thầm hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Dòng lưu bút trên lá cờ ngày đó của hơn 300 sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 cũng chính là lời thề sắt son và bầu nhiệt huyết xếp bút nghiên hiến dâng xương máu, tuổi xuân để góp phần làm nên mùa xuân độc lập, hòa bình, thống nhất của Tổ quốc như: Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Đĩnh, người chỉ huy dũng cảm, mưu trí đã chỉ huy Đại đội pháo DKB và cối 120mm Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 áp đảo và tiêu diệt địch từ những loạt đạn đầu tiên. Sau đó, Lê Xuân Đĩnh dũng cảm hy sinh khi ở lại chặn hậu, thu hút địch để đồng đội rút lui an toàn. Hay CCB Trương Văn Lương, nguyên Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, là một trong những cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng có mặt đầu tiên tại Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975 lịch sử…
Có mặt trong buổi hội ngộ của các CCB-lính sinh viên năm xưa, bạn Đỗ Kim Hương, Bí thư đoàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Lá cờ là bảo vật được Đoàn trường gìn giữ cẩn thận trong nhà truyền thống để giới thiệu cho thế hệ trẻ hôm nay biết rằng đã có một thời cha anh tràn đầy nhiệt huyết, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Qua đó nuôi dưỡng khát vọng, lý tưởng sống, thái độ tích cực học tập, rèn luyện và cống hiến cho Tổ quốc của các sinh viên.
VIỆT HÀ