Đầu năm 1958, Trần Đình Trọng cùng 4 cán bộ thủy sản được cử sang Liên Xô thực tập. Riêng ông về thực tập tại Phòng Thí nghiệm sinh lý mô phôi, Đại học Tổng hợp Leningrad, do Giáo sư N.L. Gerbinski hướng dẫn. Giáo sư Gerbinski là nhà sinh lý học về cá nổi tiếng, từng được giải thưởng nhà nước do phát minh phương pháp tiêm kích thích sinh sản bằng não thùy cá chép cho cá tầm đẻ nhân tạo, một phương pháp đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nền kinh tế quốc dân của Liên Xô ngày ấy. Chất kích dục khi tiêm vào cá sẽ kích thích sự phát triển tuyến sinh dục, chẳng những giúp chủ động về thời gian, địa điểm bố trí sinh sản mà còn làm cho cá đẻ đồng loạt, đẻ róc, sức sinh sản rất cao so với cá đẻ trong điều kiện bình thường.
Về nước, Trần Đình Trọng là cán bộ giảng dạy khóa đầu tiên của Khoa Thủy sản, Học viện Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ngày ấy, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nuôi cá nước ngọt hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, việc tiêm kích thích cá đẻ nhân tạo chưa từng được áp dụng. Thời kỳ cuối làm thực tập sinh trên đất bạn, Trần Đình Trọng đã chuẩn bị trước một số não thùy cá chép Nga bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật, gói bọc kỹ trong valy mang về nước. Sau này có những dịp não thùy cá chép Nga được anh đưa ra sử dụng.
Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, giảng viên trẻ Trần Đình Trọng cùng một số cán bộ trong Khoa đã đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào thực tiễn Việt Nam. Ban đầu, anh cùng đồng nghiệp thử nghiệm nhỏ lẻ từng đợt, có lần thành công nhưng cũng không ít lần thất bại, cá không đẻ, thậm chí quá tay, mũi kim đâm trúng tim khiến cá chết nổi lềnh phềnh. Những lần thử nghiệm như vậy đều có ý nghĩa tích cực, giúp nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm thực hiện đề tài quy mô hơn ở cấp bộ, cấp Nhà nước.
    |
 |
PGS, TS Trần Đình Trọng tại nhà riêng. Ảnh: QUANG PHẠM
|
Từ cuối năm 1962, tổ nghiên cứu của Khoa Thủy sản bắt đầu tiến hành thăm dò tiêm não thùy cá chép và prolan B cho cá mè trắng tại trại giống Pháp Vân, Hà Nội (prolan B cũng là một loại kích dục tố được chiết xuất từ nước tiểu phụ nữ mang thai, với sự cộng tác của Bệnh viện C-nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Kết quả có một số cá cái rụng trứng, song vẫn chưa thật chắc chắn, chưa đúc rút được thành một quy trình sản xuất hoàn chỉnh. Sau đó, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, gom được một đàn cá mè trắng và cá mè hoa về trại cá Cổ Bi của trường để nuôi vỗ, thực hiện lần thử nghiệm quy mô, bài bản hơn. Hồi còn thực tập ở Liên Xô, Trần Đình Trọng may mắn được thầy Gerbinski truyền cho nhiều bí quyết, thủ thuật trong việc lấy não thùy cá chép chế thuốc kích dục tố, tiêm cho cá tầm. Dù sao không thể bê nguyên cách làm của bạn, phải suy nghĩ và chung sức tìm ra một quy trình cải tiến mới, phù hợp với điều kiện của ta. Anh và các đồng nghiệp trẻ như Vũ Quang Nhung, Thái Bá Hồ, Phạm Thế... trực tiếp làm thực nghiệm trên cá mè hoa. Chiều 9-6-1963, tại trại nuôi cá Cổ Bi, các anh đã tiêm não thùy cá chép cho 3 con cá mè hoa cái, từ 7 đến 9kg và 4 con cá mè hoa đực, rồi thả chúng vào bể. Ông Chu Văn Biên, Giám đốc Học viện Nông Lâm cùng các cán bộ Khoa Thủy sản; trại nuôi cá Cổ Bi; sinh viên các khóa 1, 2, 3 ngành thủy sản đều có mặt chứng kiến. Chỉ ít phút sau tiêm, tất cả vui mừng chứng kiến cảnh cá “vật”. Những con đực, cái vờn nhau hàng giờ, lúc cao trào, chúng quẫy nước bắn tung tóe. Sau đấy, mặt nước bể dần trở lại tĩnh lặng, cuộc hôn phối của cá đã đến hồi kết. Sau đó, tất cả con cá mè hoa cái đều đẻ róc trứng. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Cuộc thử nghiệm thành công hơn mong đợi, đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong ngành nuôi cá nước ngọt Việt Nam.
Ba ngày sau buổi thực nghiệm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé thăm trại cá Cổ Bi. Thủ tướng biểu dương, chúc mừng thành công bước đầu của cán bộ kỹ thuật, công nhân viên Học viện, từ đây mở ra một triển vọng lớn cho việc chủ động ươm, nhân giống cá ở nước ta. Trước khi ra về, Thủ tướng còn căn dặn cần giữ bí quyết cho cá đẻ nhân tạo, vì nhiều nước xung quanh ta chưa giải quyết được vấn đề này. Điều Thủ tướng căn dặn lúc đó là phù hợp với thực tiễn, khi vấn đề bí mật công nghệ luôn được coi trọng. Sau này, khi công việc cá đẻ nhân tạo đã thành thường quy, trong các lần tập huấn, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông Lâm đã chia sẻ phương pháp tiêm kích thích cá đẻ sớm, nhân rộng khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Cũng cần phải nhắc đến sự quan tâm cùng vai trò chỉ đạo kịp thời, sâu sát ngày đó của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Trọng Tỉnh. Ông đã tạo mọi điều kiện cho nhóm triển khai thực nghiệm và khi đúc rút được một quy trình cá đẻ nhân tạo, ông sốt sắng chỉ đạo ứng dụng ngay vào thực tiễn ở trại cá giống các tỉnh, thành phố. Sau cuộc thực nghiệm ở Cổ Bi, khi những con cá mè hoa mới đẻ đã bơi lội tung tăng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trọng Tỉnh phấn khởi mang một ít cá giống lên báo cáo với Bác Hồ và xin phép Người được thả nuôi thử trong ao cá vườn Phủ Chủ tịch. Nhiều năm sau này, giống cá mè hoa tiếp tục được duy trì, phát triển.
    |
 |
PGS, TS Trần Đình Trọng (thứ hai, từ trái sang) cùng bạn bè, đồng nghiệp, tháng 3-2022. Ảnh: ĐINH HÙNG VIỆT
|
Mùa thu năm 1963, kết thúc đề tài, nhóm nghiên cứu đã rút ra được những kết luận quan trọng về kỹ thuật cá sinh sản nhân tạo, bao gồm: Thời vụ, kỹ thuật chọn cá bố mẹ, kích dục tố, kỹ thuật tiêm, môi trường nước, phương pháp ấp trứng... Tiếp đến, từ năm 1964 đã triển khai sản xuất cá giống đại trà xuống nhiều tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... Nghề vớt cá bột tự nhiên theo mùa lũ trên các sông Hồng, sông Thái Bình do hiệu suất thấp mà dần thu hẹp và biến mất. Đây là một chuyển biến có tính bước ngoặt trong nghề nuôi cá nước ngọt ở nước ta. Tại Hội nghị Ủy ban Tây Bộ Thái Bình Dương về nghề cá lần thứ 9 (năm 1964), đoàn Việt Nam thông báo kết quả nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo cho cá nước ngọt, được các nước bạn rất hoan nghênh. Vậy là ở thời điểm thành công, Việt Nam chỉ đi sau Liên Xô, Trung Quốc; cùng đến một năm với nước Mỹ; đi trước những nước lớn ở châu Á như: Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia... Đến hôm nay, dẫu trình độ khoa học, công nghệ đã có những bước tiến rất xa so với 60 năm về trước nhưng phương pháp cho cá sinh sản nhân tạo về cơ bản vẫn còn được áp dụng rộng rãi, từ lâu đã đi vào sách giáo khoa của nghề nuôi cá nước ngọt.
PGS, TS Trần Đình Trọng công tác ở Khoa Thủy sản, Học viện Nông Lâm đến khi tách ra thành Trường Đại học Thủy sản (khi nước nhà thống nhất, trường chuyển vào Nha Trang). Sau hơn 20 năm miệt mài giảng dạy, nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, ông chuyển về công tác tại Bộ môn Di truyền-Hóa sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm sau này, kể cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn say sưa với nghề. Bằng kiến thức và kinh nghiệm phong phú của mình, ông đã cộng tác, giúp đỡ nhiều cơ sở, trung tâm, viện nghiên cứu ươm nuôi cá giống, tích cực góp phần vào sự nghiệp phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, nước lợ ở nước ta.
PHẠM QUANG ĐẨU