Những ngày cuối năm, bầu trời Côn Đảo xanh ngắt, mặt biển lấp lánh ánh nắng. Tôi theo bước Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, cùng anh em Hải đội 33 đến thăm và tặng quà ông Nguyễn Văn Ước, 82 tuổi, ở khu dân cư số 1 trên con đường rợp bóng cây. Căn nhà mái tôn ẩn mình dưới tán lá cây dừa, xoài, líu lo tiếng chim hót. Hôm nay chỉ có ông Ước và người con trai thứ ba ở nhà. Vừa thấy bóng đoàn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, ông Nguyễn Văn Ước đã gọi vọng ra: “Vô đi mấy con ơi!”.
Trước khi đến nhà ông Ước, tôi đã được chị Nguyễn Thụy Nga, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo giới thiệu: “Bác Ước là một trong số rất ít cựu tù chính trị còn sinh sống trên đảo. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng bác còn minh mẫn và vẫn tràn đầy tinh thần cách mạng”. Quả đúng như vậy. Người cựu tù Côn Đảo năm xưa giờ đây mắt đã mờ, chân bước đã chậm, giọng nói không còn hào sảng nhưng ông luôn quan tâm, hỏi thăm việc bộ đội giữ biển có được khỏe không? Anh em ăn uống, sinh hoạt thế nào? Gia đình, vợ con trong bờ ra sao? Ông Ước dặn chúng tôi phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì đó là điều thiêng liêng mà các thế hệ cha ông đã phải đổ biết bao xương máu mới giữ được.
Ông Nguyễn Văn Ước sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Quê hương ông ngày đó đầy bóng giặc. Ông chứng kiến bao cảnh kẻ thù đàn áp cán bộ và nhân dân miền Tây Nam Bộ. Được giác ngộ cách mạng, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ước tham gia du kích, Đoàn Thanh niên và làm Bí thư Chi đoàn ở Vĩnh Hòa Hưng. Làm liên lạc cho tổ chức, đưa công văn giấy tờ, che giấu cán bộ và chiến đấu trên mảnh đất quê hương, ông bị địch bắt đưa lên khám Chí Hòa năm 1959 (19 tuổi), sau đó chuyển ra nhà tù Côn Đảo. Trong nhà tù đế quốc, dù bị địch tra tấn, hành hạ dã man nhưng ông luôn nêu cao khí tiết cách mạng, cùng anh em gây dựng phong trào đấu tranh. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông và các bạn tù được cách mạng đón về đất liền tháng 5-1975. Nhưng vì nhớ đảo, nhớ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh nên ông quay trở lại Côn Đảo từ năm 1979 và ở lại cho đến nay. Ông Nguyễn Văn Ước có 5 người con (3 trai, 2 gái) đều đã trưởng thành. Ông nói rằng: “Được sống ở Côn Đảo là được gần đồng chí, đồng đội. Khi nào nhớ họ, tôi lại nói con cháu đưa ra các nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo, Đất Dốc... để thắp hương, tâm sự với các bạn tù đã hy sinh. Tôi cũng sắp đi gặp các bạn tù năm xưa rồi, chỉ mong con cháu, mong mọi người gắng sức cùng nhau xây dựng Côn Đảo ngày càng giàu đẹp hơn”.
Căn nhà của má Nguyễn Thị Ni, 83 tuổi, ở số 12, đường Võ Thị Sáu, thuộc khu dân cư số 8 ngập tràn hoa. Để cải thiện cuộc sống, má Ni cho thuê mặt tiền làm cửa hàng bán hoa và đồ cúng, còn mình ở trong căn nhà nhỏ phía sau.
Mới gặp má Ni, ít ai biết được cuộc đời cách mạng đầy bi hùng của người nữ biệt động Sài Gòn một thời. Nguyễn Thị Ni trước đây là một thiếu nữ dịu dàng, xinh đẹp ở vùng đất Tân Trung, Gò Công, Tiền Giang. Cô đã hiến dâng những năm tháng thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Tham gia lực lượng du kích của địa phương, rồi chuyển lên hoạt động ở địa bàn Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn, người con gái Tân Trung đã được huấn luyện trở thành chiến sĩ biệt động. Bao năm tháng cùng đồng đội gây dựng phong trào đấu tranh và tổ chức các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” giữa thành đô, Nguyễn Thị Ni bị địch bắt tháng 6-1971 khi về Gò Công. Chúng đưa cô ra nhà tù Côn Đảo ngay sau đó và dùng mọi hình thức tra tấn hòng tìm ra tổ chức cách mạng của ta. Với sự gan dạ, mưu trí, kiên cường, cô một mực không khai và kêu oan. Giam giữ, tra khảo gần 3 năm trời ở “địa ngục trần gian” mà không khai thác được gì, tháng 3-1974, địch buộc phải thả Nguyễn Thị Ni. 10 năm sau, vì nhớ đảo, nhớ đồng đội đã hy sinh, má Ni quyết định trở lại Côn Đảo sinh sống và được đồng đội là những cựu tù Côn Đảo xây tặng một căn nhà tình nghĩa ở đường Võ Thị Sáu.
Người dân khu dân cư số 8 kể, khi còn khỏe, má Ni thường đi bộ đến các trại tù: Phú Hải, Phú Sơn, Phú Thọ, Phú Tường, Phú Phong, Phú An, Phú Hưng và các khu biệt lập Chuồng Cọp, Chuồng Bò... Đến những nơi này, má ngồi hàng giờ rồi đi thắp nhang tưởng nhớ những người đã khuất. Nước mắt của má dành hết cho những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Hết đi thăm các khu trại giam xưa và nghĩa trang ở đảo, má lại thả bộ trên đường phố, hay ra khu chợ nói chuyện với mọi người. Hầu như các gia đình trên đảo đều coi má Ni như người nhà. Gặp bữa là họ mời má dùng cơm, gặp mưa họ mời má vào nhà trú. Khi má ốm đau, bệnh tật, họ cử người đến chăm nom. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó chủ tịch HĐND huyện Côn Đảo nói rằng: “Những người như bác Ước, má Ni luôn được người dân trên đảo yêu mến, kính trọng. Vì thế, ai cũng mong các bác sống khỏe, sống lâu để chứng kiến những đổi thay không ngừng ở nơi đây”.
Gặp chúng tôi, má Ni cứ hỏi đi hỏi lại: “Các con có đủ gạo, thực phẩm không mà tặng quà má nhiều thế?”. Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó nắm tay má giải thích: “Bộ đội chúng con giờ được Đảng, Nhà nước bảo đảm, nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng tốt lắm ạ. Anh em đều được ăn no, ăn ngon để huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”. Tôi lặng người nhìn má, người cựu tù cộng sản tuổi đã cao, đi lại phải chống gậy, không có con ruột, cũng không chịu để ai giúp việc mà vẫn luôn lo cho bộ đội, mong muốn Côn Đảo ngày càng phát triển.
Trước khi về, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Xuân Viên, một trong 3 cựu tù chính trị còn sống ở Côn Đảo, nhưng rất tiếc là ông đi thăm người thân trong đất liền. Anh em đành nhờ chính quyền chuyển quà đến gia đình. Ông Viên là người con của quê hương xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam tham gia du kích địa phương từ những năm 1960, chiến đấu bị thương tháng 1-1968. Năm 1970, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Khi Côn Đảo được giải phóng, ông không về quê mà tình nguyện ở lại nơi đây.
Mừng Xuân Quý Mão, Côn Đảo rực rỡ cờ, hoa. Trên con đường ra cảng Bến Đầm hay ra sân bay Cỏ Ống, hàng cây anh đào đã bung xòe những chùm hoa hồng thắm. Ở trung tâm huyện, một khu đường hoa cũng vừa hoàn thành để người dân và du khách chiêm ngưỡng. Tôi được biết những ngày Tết Quý Mão, ngoài duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, anh em Hải đội 33 và các đơn vị Quân đội trên đảo sẽ đến thăm, chúc Tết những cựu tù chính trị Côn Đảo và gia đình chính sách, người có công. Ai cũng mong các bác luôn sống vui, sống khỏe để chứng kiến những đổi thay và sự phát triển nhanh chóng của Côn Đảo linh thiêng.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG