Năm 1949, chàng trai quê Thanh Hóa Trịnh Kỳ Di đang học lấy bằng thành chung thì gác bút nghiên xung phong vào bộ đội. Rồi ông được cử đi học Trường Lục quân. Ra trường, ông giữ chức trung đội trưởng. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 do ông Lê Quảng Ba làm Đại đoàn trưởng, tham gia đánh đồi A1.
- Kết thúc trận đánh đêm 31-3-1954, đại đội do tôi chỉ huy có 132 tay súng, sáng ra chỉ còn lại 12 người. Chính trị viên, đại đội phó đều hy sinh. Sau này đơn vị được thưởng huân chương cậu ạ!-ông trầm ngâm.
Sau năm 1954, ông chuyển sang Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô, rồi cùng 200 cán bộ, chiến sĩ khác chuyển sang Bộ Công an. Ông được đào tạo để làm công tác phản gián. Cơ quan ông đóng ở phố Yết Kiêu (Hà Nội). Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, ông và nhiều cán bộ được điều động bổ sung cho Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
“Đó là thời kỳ ngặt nghèo, vô cùng gian khổ của lực lượng an ninh miền Nam. Đối phương, ngoài CIA sừng sỏ, nhiều kinh nghiệm “chống Cộng”, còn dày đặc mật vụ của chính quyền ngụy Sài Gòn được Mỹ đào tạo bài bản. Chúng lại có nhiều phương tiện hiện đại. Còn an ninh ta chỉ có khối óc và hai bàn tay trắng. Nhưng chúng ta có nhân dân!”-ông trải lòng-“Quan điểm xây dựng an ninh miền Nam là “căn cứ lòng dân”. Cán bộ, chiến sĩ an ninh thực hiện ba cùng với nhân dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng bàn việc cách mạng. Nhân dân không chỉ đùm bọc, che chở mà còn là tai mắt và lực lượng giúp cán bộ, chiến sĩ an ninh triển khai công tác phòng, chống bọn phản cách mạng”.
|
|
Đại tá Trịnh Kỳ Di. Ảnh: HÀ MAY
|
Chính vì thế mà ở vùng sau lưng địch và vùng giáp ranh, trải qua hàng trăm trận càn quét, đánh phá ác liệt với mật độ hoạt động dày đặc của biệt kích, thám báo, gián điệp, chỉ điểm... nhưng chính quyền cách mạng vẫn không ngừng phát triển. Ở vùng địch kiểm soát, lực lượng an ninh nhân dân cùng nhiều lực lượng khác vận động đồng bào phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp. Dựa vào dân, nắm chắc tình hình nên ta đã tổ chức thắng lợi nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, thu nhiều tin tức quan trọng, khám phá hàng trăm vụ án gián điệp, nội gián, cung cấp cho LLVT nhiều tin tức tình báo về các chiến dịch càn quét, bình định của địch.
Nhưng mất mát, hy sinh cũng nhiều. Đầu năm 1967, Mỹ mở trận càn lớn mang tên Junction City vào căn cứ của ta ở Tây Ninh. Ban An ninh Trung ương Cục, Trung đoàn An ninh 180 và LLVT giải phóng đã chiến đấu nhiều ngày đêm, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh. Hoặc như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, riêng Khu 9 đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ an ninh hy sinh...
Sau năm 1975, nước nhà thống nhất, ông ở lại TP Hồ Chí Minh công tác một thời gian dài rồi mới trở về Hà Nội, nơi vợ con ông sinh sống. Vợ ông là con gái chủ hiệu bánh cốm đậu xanh nổi tiếng đất Hà thành, gặp chàng trai bộ đội xứ Thanh to cao, đẹp trai, lại có học vấn theo đoàn quân về tiếp quản và bảo vệ Thủ đô, thế là nên vợ nên chồng.
Là cán bộ an ninh lâu năm, ông kể cho tôi nhiều chuyện về nghiệp vụ, nhưng ông không nói về thành tích của riêng mình. Ông bảo: “Thành tích của tôi là thành tích chung của đồng đội, hòa vào chiến công chung của nhân dân. Tôi nghĩ, mình sống sao cho xứng đáng với bao đồng đội đã hy sinh, bao đồng bào đã đùm bọc, nuôi dưỡng mình trong những ngày khó khăn, gian khổ để khỏi hổ thẹn với mọi người!”.
HỒNG SƠN