Khi lớn lên, nhận thức của tôi được mở mang hơn nhiều và qua thực tế tôi nhận thấy: Không ít người cũng dũng cảm chiến đấu và hy sinh không khác gì những đảng viên ưu tú của Đảng vì sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.

Lý giải về tinh thần dũng cảm, chiến đấu hy sinh của những con người ấy, chỉ có một điều giản dị: Họ nhìn vào những tấm gương của đảng viên, họ cảm phục và muốn noi theo những tấm gương hy sinh quên mình ấy. Và khi con người có lòng tin và ý thức được sâu sắc về lòng tin, họ sẽ có những phẩm chất hơn người. Phẩm chất ấy không tự nhiên có mà do rèn luyện. Rèn luyện trong ý thức, đời sống, trở thành niềm tin, bản lĩnh của con người. Nó không phải là bản năng, nó cao hơn nhiều vì mọi hành vi chứng tỏ bản lĩnh hơn người đều được dẫn dắt bởi lý trí và tình cảm...

Người đầu tiên tôi muốn nói tới là Giáo sư (GS) Hoàng Như Mai. Cuộc đời của thầy như một cuốn tiểu thuyết. Xuất thân từ tầng lớp quyền quý, thầy vào học ngành y của Đại học Đông Dương, nhưng được một thời gian, thầy thôi học  ngành y, chuyển sang ngành luật, vì như thầy nói, xã hội khi đó còn nhiều bất công quá, thầy muốn học cái gì để đem lại công bằng nhiều hơn...

Là học trò rồi sau này được là đồng nghiệp của thầy, sinh hoạt cùng một bộ môn, tôi dần hiểu thêm ra tại sao lúc nào thầy cũng ung dung, tự tại, nói gì cũng chừng mực, nhưng khi cần bộc lộ chính kiến thì quyết liệt. Điều khiến tôi kính trọng là thầy bao giờ cũng ngay thẳng, chính trực. Có lần, thầy nói với chúng tôi: “Các anh cần phải xem xét sự việc theo lẽ phải, theo tinh thần cộng sản mới phải. Tôi không phải đảng viên, nhưng tôi phục những người cộng sản ở chỗ ấy”...  

leftcenterrightdel
 Giáo sư Nguyễn Kim Đính (thứ hai, từ phải sang) cùng các học trò. Ảnh: PHẠM THÀNH HƯNG

Những người “cộng sản ngoài Đảng” mà tôi muốn nói đến nữa là GS Nguyễn Kim Đính và thầy Nguyễn Văn Khỏa-hai đồng môn, đồng nghiệp, hai người bạn thân thiết của nhau ở Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), hai người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên. Thầy Đính cũng xuất thân từ một gia đình có truyền thống giáo dục. Thân phụ thầy là giáo viên nên anh em thầy được thừa hưởng nhiều ưu thế của gia đình. Trong kháng chiến, thầy là Hiệu trưởng một trường phổ thông. Tốt nghiệp đại học, thầy được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữ lại làm cán bộ giảng dạy cùng bạn học Nguyễn Văn Khỏa. Thầy Khỏa vào bộ đội từ năm 15 tuổi. Thầy Khỏa nói với tôi: “Quân đội định giữ mình lại đào tạo, nhưng mình nghĩ đất nước hòa bình rồi nên mình muốn đi học. Mình ra khỏi quân ngũ và đi học thì đã lớn tuổi rồi. Học xong mới thấy kiến thức ít quá, lại phải lao vào học để xóa bớt khoảng cách tri thức với thế hệ các thầy...”.

Hai thầy được lựa chọn phần mình sẽ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn của trường. Thầy Đính giỏi tiếng Pháp hơn nên “nhường” phần văn học Pháp cho thầy Khỏa, còn mình chọn văn học Nga vì thầy cho rằng có thể đọc tài liệu về văn học Nga qua tiếng Pháp và bắt tay vào tự học tiếng Nga. Nhưng tuần nào thầy cũng đến “kèm” tiếng Pháp cho đồng nghiệp. Hai thầy cứ thế vừa làm, vừa học. Một thầy dốc sức cho việc học tiếng Pháp, rồi khi đã dùng được thì lại quay sang học tiếng Nga, còn một thầy đọc qua tiếng Pháp để chuẩn bị bài giảng, rồi cũng tự học tiếng Nga để ít năm sau đọc các tài liệu tiếng Nga từ nguyên bản. Thầy Khỏa sau một thời gian thì viết giáo trình văn học Pháp qua việc đọc trực tiếp từ tiếng Pháp, còn công trình về văn học Hy Lạp chủ yếu thầy đọc qua tiếng Nga.

Các thế hệ sinh viên chúng tôi lúc nào cũng háo hức nghe hai thầy giảng bởi lượng tri thức phong phú và cách truyền đạt lôi cuốn. Nhưng điều làm chúng tôi hứng thú hơn là cách tiếp cận vấn đề của hai thầy. Sau này, khi đã thành người giúp việc gần gũi của GS Nguyễn Kim Đính, tôi càng hiểu thêm về những người thầy của mình. Thầy bảo: “Mình với Khỏa thống nhất với nhau không thể làm khoa học theo kiểu mì ăn liền, càng không thể đơn giản, giáo điều đối với môn học. Đọc qua người khác cũng cần nhưng cái chính là phải đọc văn bản gốc. Cái gì biết thật kỹ mới viết, còn không thì thôi, quyết không vội vàng, gượng ép. Đấy cũng là một yêu cầu của người cộng sản trong khoa học”.

Thầy Đính lúc nào cũng nhẹ nhàng, kiên trì quan điểm, nhưng không quyết liệt như thầy Khỏa. Thầy Khỏa có lần nói trong cuộc họp của khoa: “Tôi nghĩ mấy đồng chí đảng viên khoa ta cần bộc lộ tinh thần cộng sản rõ rệt hơn. Phải bộc lộ rõ quan điểm, thái độ, đừng dĩ hòa vi quý, xấu-tốt phải phân minh”. Lúc ấy, tôi chưa hiểu lắm điều thầy nói, nhưng sau này, càng sống, càng trải nghiệm lại càng thấy thầy hoàn toàn đúng. Sống như các thầy là cần, nhưng trong những điều kiện thời ấy, các thầy lại không phải là đảng viên mà trong công việc, đời sống, lúc nào cũng nghiêm cẩn, tu thân như thế là không dễ.

Ngày thầy Đính là Chủ nhiệm khoa, gần như suốt ngày thầy ở cơ quan. Hết việc theo chức trách, thầy ngồi làm việc của mình hoặc trao đổi tâm tình với cán bộ trẻ. Thầy bảo tôi: “Em phụ trách đào tạo và tổ chức, nhiều việc. Toàn việc liên quan đến con người. Phải thận trọng. Sai một ly là đi một dặm”.

Lãnh đạo nhà trường giao cho tôi vận động thầy vào Đảng. Thầy nghe tôi nói rất nghiêm túc, rồi cũng trả lời rất nghiêm chỉnh: “Anh cảm ơn tổ chức, cảm ơn em! Nhưng anh ở ngoài Đảng có lợi cho Đảng hơn. Đảng cần những người ngoài Đảng như anh phấn đấu theo lý tưởng của Đảng hơn. Ở ngoài Đảng nhưng anh nguyện suốt đời làm một người cộng sản”. Tôi lặng người vì xúc động. Thầy lúc nào cũng thế. Nghiêm ngắn trong đời sống, công việc và không màng đến những danh lợi. Khi Nhà nước có chủ trương chỉ phong giáo sư cho những người bảo vệ tương đương phó tiến sĩ ở nước ngoài về (bây giờ gọi là tiến sĩ), thầy và nhiều thầy cô của khoa không làm. Chúng tôi phải thuyết phục là các thầy làm cho tập thể, để cán bộ trẻ phấn đấu. Mãi các thầy mới chịu...

Thầy Nguyễn Văn Khỏa đã mất hơn 30 năm rồi. Năm nay, thầy Nguyễn Kim Đính đã ngoài 90 tuổi. Nhưng có việc gì của học trò, của khoa và trường cần là thầy lại có mặt. Thầy đến, vẫn khiêm nhường, lặng lẽ như xưa, nhưng bên thầy lúc nào cũng đủ các thế hệ học trò. Thầy hỏi chuyện nghề, chuyện đời và luôn động viên học trò. Nhiều chuyện về thầy cứ như những giai thoại. Nhìn thầy, tôi lại nhớ về một thế hệ trí thức đi theo Đảng, tận hiến cho xã hội những gì tinh túy nhất của mình, vì khi hướng đời đã chọn thì dù làm gì, ở đâu họ cũng như thế. Cả 3 thầy đều sống giản dị, khiêm nhường, thân ái, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, học trò trong chuyên môn. Tuy không phải là đảng viên nhưng họ là những người cộng sản đích thực. Phẩm chất cộng sản ở họ tỏa ra từ những gì rất bình thường hằng ngày như là những đòi hỏi tự nhiên cần phải thế.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG