Khoảng tháng 9-1975, ông Đoàn Duy Thành, khi đó là cán bộ của TP Hải Phòng-gặp đồng chí Võ Văn Kiệt lần đầu tiên trong một buổi làm việc do Thành ủy Sài Gòn tổ chức. Cuộc gặp mang tính xã giao vì lúc đó công việc tiếp quản thành phố sau giải phóng rất bề bộn. Thời gian trò chuyện hôm đó tuy ngắn nhưng đã để lại cho ông Thành nhiều cảm tình với đồng chí Võ Văn Kiệt bởi sự thẳng thắn và gần gũi. Sau này, cùng công tác ở Trung ương, hai người có nhiều điều kiện gặp nhau hơn, nhất là từ khi đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh còn ông Thành là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ông Đoàn Duy Thành kể: “Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh Sáu Dân là một con người khiêm tốn. Dù hơn tôi 6 tuổi và sớm đã ở vị trí lãnh đạo cấp cao nhưng anh sẵn sàng lắng nghe, tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay về quản lý đô thị, về làm kinh tế. Anh luôn ủng hộ cái mới, nhất là những khám phá, cách làm sáng tạo, hiệu quả, được nhân dân ủng hộ như: Khoán trong nông nghiệp ở Hải Phòng, việc mua tàu chở hàng xuất khẩu của địa phương... Anh khích lệ tôi cứ làm ở Hải Phòng còn anh sẽ triển khai ở TP Hồ Chí Minh.
Đúng như anh trao đổi, mấy tháng sau, anh cử đồng chí Mười Phi, Giám đốc Sở Ngoại thương TP Hồ Chí Minh (sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương), trực tiếp ra Hải Phòng làm việc với tôi về tổ chức mua tàu chở hàng đi xuất khẩu riêng của thành phố. Anh cũng kể việc cho phép chị Ba Thi mua gạo với giá thị trường ở Đồng bằng sông Cửu Long về giải quyết lương thực cho nhân dân phi nông nghiệp của thành phố. Anh còn kể cho tôi về những buổi anh làm việc với đội ngũ trí thức, nhà kinh tế của chế độ cũ ở miền Nam bàn về cách giải quyết những khó khăn của TP Hồ Chí Minh. Họ nêu nhiều ý kiến, có lý, có tình, không vi phạm lập trường giai cấp vô sản mà chỉ có lợi, anh tỏ ra rất tôn trọng ý kiến của họ. Đối với các trí thức, các nhà kinh tế ở miền Bắc vào, anh mời đến nói chuyện, gặp riêng và chăm chú lắng nghe. Anh nói với tôi: “Mình 30 năm ở chiến trường, ở bưng biền, tuy có được học một số lớp ngắn ngày nhưng về lĩnh vực kinh tế thì chưa hiểu biết mấy, nên phải nghe cả hai bên để chọn lọc Thành ạ”.
|
|
Đồng chí Võ Văn Kiệt (áo xanh, đội mũ) trong một chuyến thị sát vùng Đồng Tháp Mười năm 1995. Ảnh tư liệu |
Trong gần nửa thế kỷ quen biết, làm việc với anh Sáu Dân, giữa chúng tôi cũng xảy ra một “sự cố” vào cuối năm 1989. Trong cuộc họp Bộ Chính trị, anh Sáu Dân có nhận xét chưa đúng lắm về một hội nghị tổng kết của Bộ Ngoại thương mà tôi làm Bộ trưởng. Sau đó, tôi có thư gửi Bộ Chính trị và anh Sáu Dân. Cũng từ đó, tôi chỉ giữ quan hệ làm việc giữa Bộ trưởng với Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ. Tôi thấy anh tỏ ra buồn. Anh luôn tìm cách gần gũi và lại nhà thăm tôi, không bao giờ anh tỏ ra cấp trên, cấp dưới.
Khi Bộ Thương mại có quyết định thành lập thì tôi về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Anh Sáu Dân thường hay hỏi thăm và chủ động gặp tôi trao đổi công việc. Khi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương do tôi làm Viện trưởng sáp nhập vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư, anh có ý mời tôi về làm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Anh nghĩ có thể tôi sẽ không nhận lời nên cử anh Sáu Hậu (Lê Phước Thọ) phụ trách tổ chức trao đổi, làm công tác tư tưởng với tôi trước. Tôi báo cáo lại với anh rằng việc gì tổ chức phân công tôi cũng làm, anh rất vui và khích lệ tôi trong nhiệm vụ mới. Từ ngày tôi về làm Chủ tịch VCCI, quan hệ giữa chúng tôi thân thiết hơn với tình đồng chí, bạn hữu.
Cá nhân tôi cho rằng, trong hành động, anh Sáu Dân là người quả cảm. Trong công việc anh là người quyết đoán, nếu không đủ thẩm quyền thì đưa ra cơ quan có thẩm quyền. Ví như vấn đề cấm đốt pháo. Mặc dù lúc đó còn một bộ phận người dân vẫn nuối tiếc nhưng anh chỉ đạo làm triệt để. Anh cũng rất chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân. Điển hình như việc xây Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở đường Bắc Sơn, Hà Nội đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trong một cuộc gặp, anh khi đó là Thủ tướng Chính phủ, tôi với danh nghĩa anh em tù chính trị Côn Đảo đề nghị với Thủ tướng sớm xây đài tưởng niệm để nhân dân mỗi khi vào Lăng viếng Bác cũng sang viếng đài liệt sĩ cho trọn vẹn. Anh đồng ý ngay rồi đưa ra Chính phủ cùng cơ quan chức năng bàn và thực hiện rất khẩn trương, được nhân dân cả nước hoan nghênh. Tôi nhớ, khi thông qua phương án thiết kế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu được đến tận trụ sở UBND TP Hà Nội để trực tiếp nghe báo cáo cụ thể.
Khi đã về nghỉ hưu nhưng anh Sáu Dân không lúc nào không nghĩ đến cuộc sống của nhân dân. Thật cảm động khi mỗi trận thiên tai xảy ra gây thiệt hại cho đồng bào, chúng ta thấy nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt xuất hiện với bộ quần áo mưa ướt sũng, lội trong vùng bão lũ cùng với bà con và lực lượng cứu hộ, thăm hỏi, động viên nhân dân. Với lòng nhiệt tình cách mạng, anh đã viết nhiều bài báo, trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí và đưa ra những kiến nghị của mình với những nội dung sâu sắc, đầy tình người đối với dân, với nước...
|
|
Đồng chí Đoàn Duy Thành. Ảnh: Thanh Tuấn |
Anh Sáu Dân-Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một hình tượng anh Hai Nam Bộ lúc nào cũng chan hòa vào nhịp sống của nhân dân. Anh đã cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Anh từng kể cho tôi câu chuyện anh ra Bắc báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họp hội nghị, đi học. Khi về Nam, anh đi đường biển theo Đoàn tàu không số từ Hải Phòng. Chuyến đi này có cả chị Bảy Vân, phu nhân của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cả tháng trời lênh đênh trên biển, chịu đựng sóng gió, đói khát mới vào được cửa Mỹ Thạnh-khu căn cứ giải phóng của ta. Biết bao gian khổ trong hơn 30 năm lặn lội trên chiến trường được anh kể với sự lạc quan, tin tưởng đến kỳ lạ. Rồi sau đó là những năm tháng đất nước thống nhất, anh trăn trở vật lộn với suy nghĩ làm sao cho dân, cho nước thoát khỏi đói nghèo. Trong cảm nhận của tôi, anh Sáu Dân là người suy nghĩ và hành động không mệt mỏi. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của anh, tôi viết lại một vài kỷ niệm sâu sắc giữa anh và tôi để tưởng nhớ một người bạn lớn không bao giờ quên”.
SONG THANH (Ghi theo lời đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Phó thủ tướng Chính phủ)