Ngày 6-5-1972, trời Quảng Trị trong xanh không một gợn mây, nắng chói chang rọi xuống trận địa. Là Đại đội phó, tôi chỉ huy đơn vị từ 9 giờ đến 11 giờ. Có nhiều máy bay địch hoạt động xa. Tôi bàn giao phiên trực cho anh Thắng, Trung đội trưởng quê Hương Khê, Hà Tĩnh rồi vào hầm nghỉ. Bỗng nghe tiếng động cơ cứ lúc một gần, không yên tâm, tôi quay lại cửa hầm cầm cờ và hô các khẩu đội bám sát mục tiêu. Ba khẩu đội vì nắng chói không bắt được mục tiêu. Chỉ có Khẩu đội 3 của Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Học, quê Thái Bình, bắn được điểm xạ ngắn. Máy bay F-4 ném bom trúng trận địa. Một quả nổ cách cửa hầm tôi 3m và một quả phía sau cách 7m. Trong hầm có Trung úy, Chính trị viên Nguyễn Văn Chiến và đồng chí liên lạc Nguyễn Văn Khôi (hai anh em cùng quê Thái Bình). Trong lòng đất, tôi nghe anh Khôi kêu cứu. Tôi bình tĩnh nói với hai người: “Hãy cố gắng tìm cách... Chúng ta sẽ sống!”.
Nói vậy thôi, chứ đất giữ chặt cơ thể, tôi cũng không thể cử động được. Trong lòng đất, chúng tôi vẫn nghe bom nổ và đất rung chuyển. Người tôi bắt đầu toát mồ hôi rồi lịm dần. Chẳng rõ bao lâu sau, nhờ cả đại đội tập trung đào bới mà chúng tôi được cứu ra. Thấy tôi còn thở, y tá đại đội tiêm mũi trợ tim rồi đưa tôi lên ô tô, nổ máy chạy ngay ra phía Bắc sông Bến Hải. Anh Chiến và đồng chí liên lạc vẫn bình thường nên được ở lại đơn vị. Quảng Trị vẫn ầm ầm tiếng súng. Tôi được đưa tới Vĩnh Chấp, nơi trạm xá của Sư đoàn 367 đóng quân. Tôi không bị thương, chỉ bị sức ép toàn thân. Điều trị chừng 10 ngày, tôi xin trạm xá về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
    |
 |
Thương binh 1/4 Đặng Sỹ Ngọc. Ảnh:PHƯƠNG HUYỀN |
Một kỷ niệm khác là vào 4 giờ sáng 20-7-1972. Cả đại đội đang khẩn trương làm công sự triển khai đội hình chiến đấu ở sân bay Ái Tử, sát với Thành cổ Quảng Trị. Bom B-52 lại trút xuống đúng đội hình. Một quả nổ cách hầm tôi chừng 5m. Tôi bị thương nặng. Chẳng rõ bao lâu sau, khi đồng đội lay gọi mãi tôi mới tỉnh. Tôi nói yếu ớt với anh em: “Hãy kiểm tra hai đồng chí bên phải tôi đi, vì họ gần bom hơn!”.
Thấy tôi bị thương nặng, các y, bác sĩ lập tức mổ ổ bụng cấp cứu. Hai ngày sau, tôi tỉnh lại. Còn vết thương gãy đùi phải, họ bó bột và tìm cách chuyển tôi ra ngoài. Nhưng bom đạn địch khống chế tất cả đường vào, ra mặt trận. Mọi người đều nóng lòng. Những thương binh còn đi được thì tự rời trạm phẫu.
Một buổi tối, có ô tô đến bãi. Hai cô dân quân Quảng Trị khiêng tôi rời khỏi trạm. Nhưng đồng chí y sĩ chuyển thương thấy tôi bị nặng quá, sợ không sống nổi dọc đường nên không nhận. Đúng lúc đó, bom B-52 lại trút xuống. Hai cô dân quân vội đưa tôi vào hầm gần đó rồi đi đâu không rõ. Bom nổ ầm ầm, trời đất chao đảo, chớp giật liên tục. Không có quả nào vào hầm tôi cả. Sự rung động liên tục làm nắp hầm tôi bật tung. Trời lại đổ mưa, tôi ướt hết, bột bó quyện dày bùn đất.
Bom ngớt, tôi mong mãi, chẳng thấy ai đến cứu. Kiến, mối, ruồi, muỗi... bắt đầu tấn công tôi dữ dội. Sau trận bom là sự yên tĩnh đến ghê sợ. Tôi lại thiếp đi, chỉ tỉnh lại khi nghe tiếng bom pháo nổ gần. Qua đêm rồi sang ngày. Tôi chờ đợi trong bất lực, nhớ đến mẹ, đến người yêu và bạn bè ở quê hương. Tôi hô to: “Mẹ ơi! Con muốn sống!”. Mắt mũi cay sè, tôi nấc lên như một đứa trẻ. Qua đêm nữa, cho đến chừng 10 giờ ngày hôm sau, đói và khát làm tôi bừng tỉnh. Tôi khát nước ghê gớm, chụm tay vốc nước tiểu của mình mà không có.
Bỗng có một tốp Quân giải phóng đi kiểm tra hầm phát hiện tôi còn thở, vội vã khiêng tôi trở lại Trạm phẫu thuật 204. Các y, bác sĩ thay bột, lau rửa, giúp tôi sạch sẽ trở lại. Hỏi ra mới biết hai cô dân quân Quảng Trị đã anh dũng hy sinh ngay từ đợt bom đầu.
Hai ngày sau, tôi được chuyển ra Đội điều trị 112 đóng tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thời kỳ này, sự kiểm soát giao thông của địch rất căng. Sông Nhật Lệ bị chúng thả thủy lôi liên tục. Thương binh, bệnh binh các tuyến chuyển về dồn lại ở Đội điều trị 112 đông lắm. Tôi ở đây 3 tháng, được nhân dân địa phương chăm sóc tận tình. Các chi đoàn thanh niên địa phương kết nghĩa với đội điều trị luôn đến hát hò động viên và nhận thương binh nặng về gia đình chăm sóc. Tôi được gia đình đoàn viên Nguyễn Thị Dự đón về chăm sóc đúng lịch thứ ba, thứ sáu hằng tuần, như người ruột thịt. Tình cảm quân dân ấy suốt đời tôi không thể nào quên. Tới giữa tháng 11-1972, tôi mới được chuyển ra Bắc trên một chặng đường vô cùng vất vả vì tôi chỉ có thể nằm trên võng. Nhưng trong tôi luôn ẩn chứa quyết tâm và sức mạnh vô hình để sống như Pavel của tôi!
ĐẶNG SỸ NGỌC