Lỡ hẹn
Sau 4 tháng tập huấn tại Cộng hòa Dân chủ Đức, tháng 11-1975, đội bóng đá Thể Công trở về nước, dự kiến có chuyến hành quân vào Nam để thi đấu với đội Cảng Sài Gòn. Lúc này, lực lượng Thể Công rất mạnh. Lớp cầu thủ nhập ngũ năm 1965 như: Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn)... đang ở thời kỳ đỉnh cao, phong độ ổn định với tuổi trung bình 27, 28 làm nòng cốt, lại được bổ sung thêm các cầu thủ nhập ngũ năm 1971 như: Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Trần Triệu Tuấn, Trần Văn Thành... mới ngoài 20 tuổi, nhiều tài năng và khát khao cống hiến.
Chuyến tập huấn thành công tốt đẹp khi trận thi đấu báo cáo với Bộ Quốc phòng và nhân dân tại sân Hàng Đẫy, Thể Công thắng Công an Hà Nội rất đậm trong thế trận một chiều. Thể Công khi ấy có uy tín lớn. Người hâm mộ, nhất là bà con phía Nam coi việc Thể Công vào thi đấu như một sự kiện đặc biệt, qua đó có sự so sánh về tài năng bóng đá hai miền. Mặc dù trong năm 1975 và 1976, một số đội bóng mạnh ở miền Bắc như: Công an Hà Nội, Đường sắt Việt Nam, Phòng không-Không quân, Quân khu 3... đã vào Nam thi đấu nhưng người ta vẫn chưa vừa lòng. Đối với họ, Thể Công mới là tiêu biểu cho bóng đá phía Bắc. Họ trông chờ cuộc đọ sức giữa Thể Công với Cảng Sài Gòn và coi đây mới là cuộc đối đầu chính thức của bóng đá hai miền.
Cuộc đọ sức này sẽ làm thỏa mãn tình yêu bóng đá của giới chuyên môn, người hâm mộ chân chính. Nhưng nếu Thể Công thua trận, có thể sẽ là đề tài để các thế lực thù địch xuyên tạc. Vì thế, trận đấu giữa hai đội bóng Thể Công và Cảng Sài Gòn được chờ đợi như một sự kiện lịch sử. Nhận thức rõ ý nghĩa của trận đấu, Ban lãnh đạo, các huấn luyện viên, cầu thủ Thể Công xác định: Đây là trận đấu không được phép thua. Tất cả được quán triệt tinh thần “thi đấu với nỗ lực cao nhất, thể hiện đầy đủ phẩm chất Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, quyết tâm giành chiến thắng”. Chuẩn bị tốt về mọi mặt, đội hình đang trong phong độ đỉnh cao nhưng đáng tiếc là năm 1975, Thể Công chưa thể vào Nam thi đấu. Tất cả sẵn sàng chờ lệnh.
Tự hào Thể Công
Đến tháng 5-1979, đội bóng đá Thể Công mới được vào Nam thi đấu chính thức chào khán giả TP Hồ Chí Minh. Lớp cầu thủ nòng cốt của Thể Công 4 năm trước đã qua tuổi 30, nhưng sức nóng và tính chất của trận đấu không giảm. Thể Công vào TP Hồ Chí Minh, toàn đội cấm trại hai tuần trong sân bay Tân Sơn Nhất. Những ngày đóng quân ở đây, Thể Công nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân miền Nam. Hầu như ngày nào cũng có khách đến chơi và tặng quà.
Toàn thể anh em trong đội rất cảm động trước tình cảm quý báu đó và tự bảo nhau xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bộ phận hậu cần bảo đảm chất lượng các bữa ăn, sự an toàn trong thực phẩm... Không chỉ huấn luyện viên, cầu thủ mà tất cả thành viên Thể Công đều nghiêm túc chấp hành kỷ luật. Nhiều anh em trong đội có người thân ở TP Hồ Chí Minh bao nhiêu năm chưa gặp đều tự nguyện gác lại sau trận đấu. Mọi thông tin về tình hình đội bóng không được phép lọt ra ngoài. Những lần ra khỏi “đại bản doanh”, đội Thể Công luôn có xe Quân đội hộ tống.
Chiều 20-5-1979, một chiếc xe Jeep hú còi dẹp đường, dẫn xe của đội bóng đá Thể Công rời “đại bản doanh” tiến về sân Thống Nhất. Hai bên đường, người dân ùa ra rất đông nên các cầu thủ có phần hơi căng thẳng.
Khi tới sân, một không khí bóng đá đặc biệt chào đón: Khán giả chen chúc trên các khán đài và cả bên ngoài sân. Những tiếng hoan hô của hàng vạn người tạo nên sự náo nhiệt. Trong muôn vàn sắc màu rực rỡ, thấp thoáng màu áo xanh của Bộ đội Cụ Hồ. Lực lượng bảo vệ trận đấu phải vất vả làm nhiệm vụ vì sân quá tải, nhiều người xuống sát đường piste. Trong phòng thay đồ, sự hồi hộp pha chút lo lắng hiện lên trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của các cầu thủ. Trước khi khởi động, thủ quân Nguyễn Trọng Giáp dẫn toàn đội trong trang phục áo đỏ, quần đỏ, tất đỏ chạy ra sân xếp hàng ngang chào người hâm mộ. Thật cảm động! Chúng tôi đứng vẫy chào 4 phía khán đài và nhận lại tình cảm của hàng vạn khán giả TP Hồ Chí Minh qua những tràng pháo tay và tiếng hô đồng thanh: Thể Công! Thể Công!
    |
 |
Đội bóng đá Thể công năm 1979. Ảnh tư liệu
|
Trong khi đó, đội bóng đá Cảng Sài Gòn ra sân với trang phục màu trắng. Do tính chất quan trọng, hai đội nhập cuộc thận trọng, thi đấu an toàn trên sân nhà và chưa dám mạo hiểm trong tấn công. Thế trận cân bằng cho đến lúc Thể Công bắt đầu tăng tốc, khi phát hiện trong đội hình bạn có nhiều cầu thủ đã lớn tuổi. Rất nhiều đường bóng dài được thực hiện để tận dụng tốc độ và sự linh hoạt của Thế Anh, Cao Cường; trong khi đó, Cảng Sài Gòn đá nhỏ, nhuyễn.
Được hơn 10 phút, trong một đợt tấn công bằng bóng dài ở cánh phải, Thể Công được hưởng quả phạt góc. Cầu thủ trẻ Đỗ Văn Phúc xin thực hiện quả đá phạt này và anh đã làm nên lịch sử khi dùng mu ngoài chân phải sút mạnh để bóng bay cong theo hình trái chuối, vượt qua tầm kiểm soát của một rừng đầu cầu thủ hai đội cùng đôi tay của thủ môn Lưu Kim Hoàng, bay vào góc chữ A khung thành bên phải. Vào! Vào rồi!... Cả cầu trường ào lên như sóng dậy, tất cả vỗ tay tán thưởng cú sút điệu nghệ, hiếm có. Thể Công dẫn trước 1-0. Đỗ Văn Phúc sung sướng, chạy như bay về phía ban huấn luyện và đồng đội, mọi người ôm lấy nhau trong niềm vui khôn tả, có những giọt nước mắt ứa ra.
Nhưng Cảng Sài Gòn đâu phải non nớt. Đa số trong đội hình là các danh thủ đầy tiếng tăm nên họ bình tĩnh, tiếp tục kiên trì lối đá nhỏ. Gần cuối hiệp 1, cũng từ biên phải tạt vào, hậu vệ Thể Công đánh đầu phá bóng ra, tiền vệ Văn Mười của đội bạn xuất hiện đúng lúc, lập tức sút chéo góc, san bằng tỷ số 1-1. Khán đài lại như sắp vỡ bởi hiệu ứng từ bàn thắng. Người ta ào lên hô vang: Cảng Sài Gòn! Cảng Sài Gòn!
Nghỉ giải lao 15 phút, Phó tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh xuống tận đường piste bắt tay các cầu thủ Thể Công. Thủ trưởng không nói về thắng-bại mà chỉ nhẹ nhàng động viên: “Ta đã đi nửa chặng đường vẻ vang, các đồng chí cố gắng, còn 45 phút nữa”. Vào hiệp 2, trận đấu tiếp tục với sự căng thẳng của cả hai bên. Thể Công chơi nhanh, an toàn ở phần sân nhà và dùng bóng dài vượt tuyến, không phối hợp nhỏ như mọi khi; còn Cảng Sài Gòn vẫn cố gắng trung thành với lối đá nhỏ sở trường. Phút 75, trong một đợt tấn công từ biên trái, Ba Đẻn nhanh như cắt vượt qua hậu vệ Cảng Sài Gòn, lật bóng vào trung lộ; Cao Cường lao vào nhưng bị cản phá không chạm được bóng. Bỗng từ phía sau, Trần Viết Cường lao vào đánh đầu, trong cự ly quá gần, lại diễn ra rất nhanh khiến thủ môn Lưu Kim Hoàng của Cảng Sài Gòn bất lực nhìn bóng lăn vào lưới.
Cả cầu trường lặng đi trong giây lát rồi vỡ òa lên: 2-1 cho Thể Công! Thắng rồi! Thể Công thắng rồi! Viết Cường vui sướng quá, cởi phắt áo ra phất cao trên đầu, chạy quanh sân. Đồng đội chạy theo sau như một đoàn tàu. Trên khán đài, người ta nhảy lên, ào lên... Lính tráng dự khán thì khỏi nói, nhảy cẫng lên, tung mũ cối chào mừng. Và sau bàn thắng ấy, thế trận đã hoàn toàn nghiêng về Thể Công. Sự xuống sức của các cầu thủ trụ cột khiến Cảng Sài Gòn không thể cải thiện được tình thế. Những lo lắng, căng thẳng, nôn nóng của các cầu thủ Thể Công đã biến mất, chỉ còn niềm vui trên gương mặt các cầu thủ, cho dù đã hốc hác vì mệt mỏi.
Hết 90 phút, thủ trưởng Cao Văn Khánh xuống sân bắt tay, ôm từng cầu thủ. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt vị tướng từng xông pha trận mạc ngày nào, bởi chứng kiến những người lính trẻ vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông biểu dương: “Các đồng chí đã mang chiến thắng vẻ vang về cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đồng chí Thể Công trẻ xứng đáng kế tục lớp Thể Công kỳ cựu”.
Chúng tôi may mắn có mặt trong trận cầu lịch sử ấy. Có mấy ai hạnh phúc như những người lính đá bóng như chúng tôi: Những cầu thủ Thể Công!
VŨ MẠNH HẢI (Cựu cầu thủ đội bóng đá Thể Công)