“Lao vào lửa đạn để tìm hạnh phúc”
Tay run run, bà Lưu Liên cho chúng tôi xem những bức thư đã úa màu thời gian. Lật giở bức thư đề ngày 20-3-2006, chúng tôi cảm nhận được sự day dứt của người viết: “Tiến thân thương! Đêm qua em thao thức cho đến sáng. Ngày này của 38 năm về trước, giờ này của 38 năm về trước, Tiến đang chạy bộ về tạm biệt em để vào chiến trường. Lúc đó, tuy tuổi đời đã lớn nhưng em còn vụng dại và ngây thơ. Em đã để Tiến chờ đợi em 2 tiếng ở cổng nhà máy, em định “hành” Tiến đấy. Nhưng rồi, hành động ấy đã dằn vặt em suốt 38 năm, em ân hận vô cùng Tiến ạ...!”.
Ký ức như một cuốn phim quay chậm đưa bà trở về cái tuổi 16, 17. Liên và Tiến học chung một lớp ở Trường cấp 2 Hà Cầu (nay là Trường THCS Lê Hồng Phong, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Hai người thân thiết với nhau lắm. Minh Tiến người tầm thước, da ngăm đen, tính sôi nổi, hay hát, hay cười, lại đá bóng giỏi nên được nhiều bạn gái quý mến. Lưu Liên vẫn xưng hô mày-tao, lại còn định giới thiệu bạn gái cho anh. Mãi đến khi đi bộ đội, là chiến sĩ của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, anh mới ngỏ lời yêu cô. Tiếng là yêu mà đến 3 năm sau, hai người mới dám cầm tay. Đó là mối tình rất trong sáng, như Minh Tiến đã tả lại trong một lá thư viết cho người yêu: “Mối tình của anh đến với em quả là thơ dại. Nó chỉ có những lời lẽ, những chiếc hôn cháy bỏng... trong thư. Thực ra lúc sắp gặp em, anh cũng tự nhủ phải mạnh bạo lên. Nhưng cứ đứng trước em, anh hầu như quên hết. Kể từ khi biết yêu, mọi sự mạnh bạo của mình nó cũng đi đâu” (thư ngày 9-5-1965).
Tình cảm của hai người lại bị gia đình Lưu Liên ngăn cấm bởi không “môn đăng hộ đối”. Cô là con gái một nhà tư sản có tiếng, có hãng ô tô mang tên Hoàng Sơn ở thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội). Còn Minh Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo, cha đau ốm liên miên, mẹ phải mở hàng nước và gánh cơm bình dân để sống qua ngày. Vượt lên trên tất cả, họ yêu nhau say đắm. Bà Lưu Liên kể rằng, thi thoảng bà vẫn đạp xe lên đơn vị thăm anh, có lần từ Hà Đông đến Tam Đảo, Vĩnh Phúc rồi về đến nhà đã quá nửa đêm. Không quản ngại khó khăn, không thể gặp nhau thì những lá thư là sợi dây nối kết và “chắp cánh” cho tình yêu của họ. Nhưng như bao mối tình khác, họ cũng trải qua những hiểu lầm, giận dỗi. Bà Lưu Liên nhớ lại: “Tháng 1-1968, tôi đến thăm anh và chúng tôi đã lên kế hoạch cho việc tổ chức đám cưới. Theo ý định của anh, tôi về chuẩn bị chăn màn, thêu đôi gối cưới cùng hai chiếc khăn tay kỷ niệm. Nhưng rồi anh bặt tin, không về chuẩn bị cưới như đã định, cũng không gửi thư cho tôi. Tôi đã rất giận anh. Ngày hôm đó (20-3-1968), trên đường đi B, đơn vị anh tập kết tại Sơn Tây, biết cơ quan tôi sơ tán tại Sơn Đồng, Hoài Đức, anh đã đi bộ gần 20km để về tìm tôi”.
|
|
Trang thư của đồng chí Trần Minh Tiến. Ảnh chụp lại |
Hai tiếng sau, Lưu Liên mới chịu ra gặp người yêu. Lúc này, mọi hiểu lầm mới được hóa giải. Minh Tiến giải thích, vì anh sắp phải vào chiến trường, cũng không biết ngày trở về nên không muốn trao gánh nặng gia đình lên vai người yêu. Sau này, nhận được những lá thư của Minh Tiến gửi từ chiến trường ra, Lưu Liên mới cảm nhận hết suy nghĩ rất mực chín chắn của anh: “Chính vì yêu em, anh mới mong sớm lao vào lửa đạn để tìm hạnh phúc. Chính vì thương em mà anh phải sẵn sàng đổi mạng mình để tìm lấy cuộc sống mãi gần nhau. Nếu anh còn thì sẽ được tất mà mất thì cũng chỉ mất mình anh...”.
Một tấm lòng vẹn tròn yêu thương
Trước khi từ biệt người yêu, Minh Tiến đã trao cho Lưu Liên chiếc áo bộ đội cùng cuốn nhật ký và chiếc nhẫn do chính tay anh làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Còn Lưu Liên tặng anh chiếc khăn tay trắng thêu hai bông hoa màu tím. Trước khi chia tay, anh dặn cô rằng, nếu cô nhận được chiếc khăn từ tay người khác thì tức là anh sẽ không trở về và cô phải đi lấy chồng. Và điều không mong muốn ấy đã xảy ra. Sau này, chiếc khăn tay đã trở về bên Lưu Liên qua một đồng đội của anh...
Gần 5 năm yêu nhau, đến khi Trần Minh Tiến ngã xuống vào rạng sáng 1-6-1968 (báo tử năm 1969) tại cao điểm 202, đồi Bằng (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), số lần gặp nhau của hai người không nhiều. Lẽ thường của chuyện đôi lứa, cũng có lúc Lưu Liên tỏ ra dửng dưng hoặc vì giận dỗi mà im lặng một thời gian dài không liên lạc với người yêu. Bà Lưu Liên thừa nhận, phải đến khi anh hy sinh, bà mới thực sự cảm nhận tình yêu mình dành cho anh nhiều đến thế nào. Lòng bà nguội lạnh và chẳng còn nghĩ đến chuyện tình cảm. Chỉ đến khi gặp ông Nguyễn Doãn Hùng, cũng là một người lính, bà mới thấy được một phần đồng cảm. Nhưng ngay cả đến lúc cưới, bà cũng nói với chồng rằng: “Cuộc đời em chỉ yêu một người là anh Minh Tiến, còn đối với anh, em sẽ sống trọn đạo vợ chồng”.
Ông Nguyễn Doãn Hùng chia sẻ và trân trọng tình cảm của vợ. Bà Lưu Liên kể: “Năm 1969, khi biết tin Minh Tiến hy sinh, đau khổ tột cùng, tôi đã định đem đốt hết những bức thư cùng nhật ký của anh. Thật may là tôi đã dập tắt ngay ý định đó. Nhưng tất cả những kỷ vật của Minh Tiến có lẽ đã không còn nếu không có sự trợ giúp của chồng tôi. Tháng 8-1971, Hà Nội lụt lớn. Lúc ấy, gia đình đã sơ tán về Quốc Oai. Dù có nhiều đồ đạc quý nhưng chồng tôi bỏ lại mà quyết giữ bằng được chiếc va li đựng những kỷ vật của anh Tiến vì thứ khác có thể mua lại được nhưng kỷ vật thì chỉ có duy nhất thôi. Tôi thật sự cảm kích vì việc làm đó của chồng!”.
Hơn 50 năm qua, những kỷ vật gắn với liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn được gia đình bà Lưu Liên trân trọng lưu giữ. Năm 2006, nhật ký của anh đã được xuất bản với tên gọi “Trở về trong giấc mơ”. Vào quý II-2021, cuốn sách “Những lá thư tình đi qua chiến tranh” tập hợp hàng trăm lá thư của đồng chí Trần Minh Tiến viết cho người yêu trước và sau khi vào chiến trường đã được phát hành. Bà cho biết: “Tôi đã rất băn khoăn khi cho xuất bản những tư liệu về anh. Nhưng rồi tôi nhận ra, đó là những tài sản vô giá, rất có ích cho đời sau nên cần phải được lưu giữ và lan tỏa”.
Qua lời kể của bà Lưu Liên, chúng tôi được biết, chồng bà luôn đồng hành trong suốt 8 năm bà đi tìm mộ người yêu. “Năm 2008, qua sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội của Minh Tiến, chúng tôi đã tìm thấy hài cốt của anh và đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Giờ đây, chúng tôi vẫn hương khói cho anh tại nhà riêng. Bằng sự mách bảo của tâm linh, tôi như thấy anh vẫn “đồng hành” cùng gia đình chúng tôi”, bà Lưu Liên xúc động chia sẻ.
THU THỦY