Khát vọng hòa bình
Một quốc gia đứng lên từ chiến tranh, nghèo đói, Việt Nam trên bản đồ thế giới thời điểm những năm đầu thế kỷ 20 gắn liền với ngọn lửa khao khát hòa bình, độc lập. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đúng vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Cũng trong năm 1945, LHQ được thành lập với sứ mệnh được ghi rõ trong Hiến chương LHQ, đó là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người.
Việt Nam có nguyện vọng tham gia LHQ từ rất sớm, chỉ 4 ngày sau khi tổ chức này họp khóa đầu tiên, ngày 10-1-1946 tại thủ đô London (Anh). Ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng tại LHQ và Việt Nam khi đó chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.
    |
 |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai, từ phải sang) dự Lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 20-9-1977. Ảnh tư liệu |
Không từ bỏ khát vọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã gửi rất nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh... trong đó có một bức điện viết: Chúng tôi tha thiết kêu gọi các ngài hãy mang vấn đề của chúng tôi ra trước Hội đồng LHQ nghiên cứu kỹ càng... nói cho thế giới biết những ước nguyện sau này của quốc dân chúng tôi. Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ.
Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập LHQ nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của nhân dân ta đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn thế giới. Trong đó đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Việt Nam không những giành được độc lập, giải phóng một nửa đất nước mà còn góp phần làm tan rã chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh từng khẳng định: Chính cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã góp phần vào việc Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 1514 ngày 14-12-1960 về việc trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, dân tộc thuộc địa. Nghị quyết 1514 tạo ra làn sóng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, buộc các nước thực dân đô hộ phải trao trả độc lập cho các thuộc địa, kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng thành viên của LHQ trong những năm 60 của thế kỷ 20.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, khẳng định: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam được giải phóng, non sông Việt Nam nối liền một dải. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục nỗ lực khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thế giới.
Tự tin bước vào Liên hợp quốc
Tháng 7-1975, Việt Nam cử Đại sứ Nguyễn Văn Lưu và Đại sứ Đinh Bá Thi đại diện cho miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York (Mỹ) để vận động tham gia LHQ. Cùng đi có ông Phạm Ngạc (sau này là Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao) phiên dịch kiêm phụ trách báo chí cho hai đại sứ. Tại đây, Đại hội đồng LHQ đã đặc cách mời hai đoàn đại biểu Việt Nam ngồi vào hai bàn đầu của hội trường và thông qua dự thảo nghị quyết do Algeria, Chủ tịch Phong trào Không liên kết giới thiệu. Nghị quyết trên được 123 nước bỏ phiếu thuận, không phiếu chống, trong khi Hoa Kỳ và một số nước theo Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngạc, khi ra Hội đồng Bảo an, đại biểu Hoa Kỳ đã dùng quyền phủ quyết của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn cản Việt Nam gia nhập LHQ.
Dù chưa là thành viên chính thức của LHQ trong năm đó nhưng Việt Nam vẫn nhận được sự giúp đỡ tận tình của bạn bè quốc tế. LHQ và các tổ chức trực thuộc đã tích cực giúp đỡ Việt Nam giải quyết những vấn đề trước mắt đối với một quốc gia vừa trải qua chiến tranh.
Đến năm 1977, với sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của bạn bè quốc tế và khi Hoa Kỳ có tổng thống mới thì tình thế đã thay đổi. Nói về sự thay đổi này, Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức khác tại Geneva (Thụy Sĩ) chia sẻ: “Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lúc đó đã có những bước tiến triển, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin binh sĩ Mỹ bị mất tích từ chiến tranh tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Lúc đó, chính quyền Tổng thống Jimmy Carter đã gửi đặc phái viên sang làm việc với Việt Nam và Việt Nam cũng đáp ứng yêu cầu của họ. Qua những đáp ứng này, chính quyền Carter đã có quyết định mạnh mẽ, theo đó muốn quên quá khứ, hướng về tương lai. Hoa Kỳ đã ra tín hiệu sẽ không phủ quyết Việt Nam nữa”.
Sau nhiều nỗ lực từ phía Việt Nam, qua các cuộc đàm phán kéo dài, những biểu quyết, tranh luận gắt gao từ các quốc gia thành viên, ngày 20-9-1977, tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. 9 giờ ngày 20-9-1977, Lễ thượng cờ Việt Nam được tổ chức tại cửa chính của trụ sở LHQ trước sự chứng kiến của Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng thư ký LHQ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta Nguyễn Duy Trinh, cùng đại diện kiều bào và bạn bè Mỹ. “Việt Nam đã vào LHQ bằng cửa trước” là lời nhận định của dư luận quốc tế khi đó.
Khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam
Sự kiện Việt Nam gia nhập LHQ đã đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Kể từ đó cho đến nay, Việt Nam từ một nước nhận viện trợ để khôi phục phát triển đất nước sau chiến tranh đã trở thành một thành viên tích cực tham gia vào các cơ chế của LHQ và là một đối tác chủ động đóng góp xây dựng tổ chức này.
45 năm dưới “mái nhà chung” LHQ, Việt Nam đã để lại dấu ấn ngày càng đậm nét, khẳng định vai trò, uy tín trên trường quốc tế. Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của LHQ như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của LHQ, Ủy ban Luật pháp quốc tế... Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Sự tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào LHQ cũng chính là cách để Việt Nam có thêm tiếng nói, tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
    |
 |
Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: HÒA BÌNH |
Một mốc son quan trọng trong chặng đường 45 năm qua phải kể đến việc Việt Nam cử các sĩ quan tham gia các phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ. Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, từ tháng 6-2014 đến tháng 8-2022, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở LHQ. “Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của LHQ kể từ khi gia nhập năm 1977. Lực lượng quân đội của Việt Nam đã tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định.
Có thể nói, hợp tác Việt Nam-LHQ trong 45 năm qua đã đạt kết quả tốt, có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, uy tín và dấu ấn đóng góp của Việt Nam tại LHQ. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
YÊN BÌNH