Năm ấy, theo Hiệp định Geneva, để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử thống nhất hai miền vào năm 1956, quân đội của Chính phủ Liên hiệp Pháp từ miền Bắc phải tập kết vào Nam. Và ngược lại, Quân đội của Chính phủ kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tập kết ra miền Bắc. Nghe tiếng gà gáy điểm từng canh, những người lính Cụ Hồ trước khi xuống tàu ra Bắc vô cùng lo lắng. Họ biết, sau khi bộ đội rời đi, lính Pháp và quân đội tay sai “chống cộng” sẽ cướp chính quyền, tiến hành khủng bố, tàn sát các gia đình quân nhân và những người dân yêu nước. Những người lính không muốn nghe tiếng gà, không mong trời sáng, bước chân xuống tàu quá nặng nề, chậm chạp!

leftcenterrightdel

Tổ quốc gọi của tác giả Nguyễn Long Trảo. Ảnh: MẠC YÊN 

Trong đoàn quân tập kết từ giã quê hương đêm ấy có chàng lính trẻ Nguyễn Long Trảo (Tám Trảo). Tám Trảo tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Dù đã là Trung đội trưởng nhưng ra đất Bắc anh lại giấu kín chức vụ, im lặng nhận quân hàm Binh nhất để tự thử thách mình, buộc mình phải phấn đấu lại, quyết tâm xem mình sẽ “tiến bộ” đến đâu. Sau hai năm, Hiệp định Geneva bị phá, Tám Trảo không thể trở về Nam, buộc phải tính chuyện “xây dựng gia đình”. Thấy con gái đưa người yêu về trình diện và xin cưới, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nguyên là Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, liếc qua dung mạo chàng trai có tên là Tám Trảo một lát, có ý băn khoăn. “Tám” có nghĩa là chàng ở gia đình đông con, ít nhất cũng phải 9 người. Ngắm khuôn mặt đẹp trai và dáng người thư sinh của anh giây lát, rồi Giáo sư cũng gật đầu cho cưới. Phiền một nỗi, mấy tháng sau, đến thăm con gái, thấy cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ quá thiếu thốn, ông gọi chàng rể ra thẩm tra lý lịch. Tám Trảo kể hết sự tình. Nghe xong, ông cười độ lượng: “Thôi, tôi “phải đấm” rồi. Thế mà hôm đầu tiên trông thấy anh, tôi cứ nghĩ anh là con nhà giàu”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Long Trảo giới thiệu cuốn hồi ký “Khi Tổ quốc gọi”. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ít lâu sau, Tám Trảo được ưu tiên cho đi đào tạo tình báo. Anh suy nghĩ suốt một đêm dài rồi xin phép được cầm súng ra trận. Nhưng nguyện vọng ra trận, trở về chiến đấu giải phóng quê hương của Tám Trảo lại bị từ chối. Anh nhận nhiệm vụ sang Trung Quốc đào tạo về kỹ thuật binh khí. Sau hai năm học tập, anh không chỉ tốt nghiệp xuất sắc mà còn ra trường với tấm bằng thứ hai: Phiên dịch quân sự và văn hóa Hoa ngữ. Rong ruổi nhiều năm trên các chiến trường miền Bắc, đến mùa xuân năm 1975, với cương vị là quản đốc một nhà máy quân khí, anh mới xin được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trở về giải phóng quê hương.

Non sông thống nhất, với suy nghĩ đất nước đã sạch bóng thù, cần phải về xây dựng quê hương, Tám Trảo quyết định xin ra quân để bước vào mặt trận mới-làm kinh tế. Từ biệt Thủ đô Hà Nội, Tám Trảo đưa vợ con về quê hương công tác. Kiến thức kỹ thuật quốc phòng và kinh nghiệm chỉ huy đã giúp ông gặt hái nhiều thành công trên mặt trận kinh tế. Người dân Sài Gòn đã bắt đầu biết đến tên tuổi Tám Trảo qua các chương trình xuất nhập khẩu của IMEXCO và việc thành lập các khu chế xuất. Công việc đang phát triển thuận lợi thì đồng chí Võ Văn Kiệt, khi ấy là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) phát hiện ra ông-người lính trẻ tập kết năm xưa-liền điều động ông về làm Phó chánh văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Làm công tác Đảng, ông dừng lại con đường kinh doanh.

Chúng tôi gặp người đảng viên lão thành, cựu chiến binh Nguyễn Long Trảo từ 10 năm trước, khi ông đã qua tuổi 80 và mang trọng bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tin vào bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong ông nên sau đợt đại phẫu đã nói thật với ông rằng: Phác đồ điều trị sắp tới chỉ nhằm “kéo dài”, ông không sống được bao lâu nữa. Đối mặt với sự thật, ông quyết định “sống gấp”. Ông ráo riết hoàn thành các bản thảo để xuất bản Nhật ký Lê Anh Xuân, rồi Lê Anh Xuân tuyển tập, góp công hoàn thiện hồ sơ để Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Ca Lê Hiến-nhà thơ Lê Anh Xuân-là em vợ của mình. Vừa xong công việc đó, ông lại bắt tay vào sưu tầm, tổ chức bản thảo xuất bản cuốn Hào khí Đồng Nai, Ca Văn Thỉnh tổng tập như để đền ơn nhạc phụ của mình.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Nguyễn Long Trảo. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mấy năm trước, người vợ yêu quý của ông-Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng-nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh-vẫn ngày ngày đi làm. Nằm dưỡng bệnh ở nhà một mình, ông nhớ chuyện xưa. Ông chờ con gái đi làm về để dốc bầu tâm sự đời mình, với mục đích giáo dục cho con tình yêu đất nước. Những câu chuyện về đời hoạt động cách mạng của ông và hai cuộc kháng chiến ở cả hai miền mà ông kể chỉ được hai buổi đã bị “thính giả” duy nhất của ông lơ đễnh. Con gái ông buộc phải lên tiếng phản ứng, nhưng là phản ứng tích cực. Cô khuyên bố: “Con đi làm cả ngày về mệt, ba kể dài con ngồi nghe sao được. Chi bằng ba mổ cò máy tính, in ra hoặc viết ra giấy, dày dày rồi con đọc một thể”.

Nghe lời con gái, ông ngồi bên máy tính suốt ngày. Những trang viết đầu tiên của ông được con gái chuyển ngay đến Báo Tuổi trẻ, sau đó được 3 tờ báo khác đăng tải nhiều kỳ. Dòng ký ức lịch sử trong bộ não người cựu chiến binh như tìm được chỗ “thông mạch”. Ông bắt đầu viết quên ăn, quên ngủ, quên hết bệnh tật trong mình. Rồi đến lượt nó-bệnh tật-cũng quên ông. Năm 2017, cuốn hồi ký Khi Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Long Trảo ra đời như một sự kiện đối với bạn đọc TP Hồ Chí Minh và trở thành cuốn sách “hot” trong đời sống văn hóa-tư tưởng của tuổi trẻ các tỉnh Nam Bộ. Các tập sách khác ra đời: Tổ quốc gọi, 21 năm nối lại đôi bờ. Những cuốn sách thuộc loại hình nghệ thuật tự sự lịch sử của ông không chỉ có chiều sâu chính trị tư tưởng, tái hiện nửa thế kỷ chiến tranh và cách mạng Việt Nam, biểu hiện sự trưởng thành, “lớn lên” của đất nước thông qua sự “lớn lên” của một con người mà ở đó còn có giá trị như một bộ sưu tập sinh động về đời sống bưng biền và văn hóa miền Tây Nam Bộ. Sách ông viết được nhiều cơ quan tài trợ, được tái bản nhiều lần, được truyền tải qua đài phát thanh, trở thành quà tặng tại nhiều hội nghị và tài liệu tập huấn cho cán bộ đoàn ở các tỉnh miền Tây. Cho đến nay, sách của ông đã được in hơn chục nghìn bản.

leftcenterrightdel
Cuốn hồi ký "Khi Tổ quốc gọi tên mình" của tác giả Nguyễn Long Trảo. Ảnh: MẠC YÊN 

Nhiều người lính trong đơn vị của ông trước đây nghe tin thủ trưởng Tám Trảo mang trọng bệnh từ 10 năm trước, khi đọc sách đều giật mình, bán tín bán nghi, gọi điện hỏi xác minh sự thật. Ông áp máy vào tai nghe, cười khà khà: “Đúng là anh đó. Anh vẫn sống. Chính anh viết mấy cuốn sách đó. Anh chữa bệnh bằng bàn phím, bằng hồi ký. Anh nghe “Tổ quốc gọi tên mình” liên tục nên chưa chầu giời được đâu”. Đồng đội nghe tiếng ông cười vang trong máy đều sung sướng, mừng cho thủ trưởng của mình. Bấm đốt ngón tay, họ tính: Tết 2023 này, thủ trưởng mình mới chỉ 91 tuổi xuân!

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG