QĐND - Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đại đội dân quân Phòng không xã Lam Hạ đã được thành lập vào ngày 5-8-1965. Hơn 230 trận chiến đấu trực tiếp và phối hợp chiến đấu đầy cam go, khốc liệt trên địa bàn, 10 nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh. Điều làm chúng ta nhói lòng hơn khi trong số 10 liệt nữ đó, có hai chị em ruột ở thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi...
|
Bà Vũ Hồng Nhu (đứng giữa) cùng đồng đội, nhớ lại sự hy sinh của hai nữ liệt sĩ. |
“Hai chị em” trong ký ức người thân và đồng đội
Trong ký ức của mình về hai chị em đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời rất trẻ, bà Nguyễn Thị Vượng, 75 tuổi, là chị ruột của hai liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi không khỏi xót xa. Bà Vượng kể, trong 6 chị em gái, Thi là con gái gần út, nhưng lại là người khỏe mạnh và xinh nhất (Nguyễn Thị Thi sinh năm 1950). Thi luôn được mọi người trong gia đình và làng xóm quý mến vì chịu thương chịu khó, nhanh nhẹn hoạt bát và hồn nhiên. Tuy còn nhỏ nhưng vì nhà đông con nên hằng ngày Thi vẫn phải theo các anh, các chị làm việc đồng áng như người lớn để giúp đỡ bố mẹ.
Chúng tôi đã gặp được bà Vũ Hồng Nhu, hiện sống tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý, là người cùng xóm và cũng là đồng niên với liệt sĩ Nguyễn Thị Thi. Bà Nhu còn là người gia nhập dân quân cùng ngày, cùng tham gia chiến đấu với Nguyễn Thị Thi và chứng kiến những giây phút bạn mình bị thương nặng ngay trên mâm pháo. Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, hai cô gái Thi và Nhu chơi rất thân với nhau, cùng sinh hoạt đội thiếu niên, thế nên ngày “xuất đội” là ngày họ tham gia lực lượng dân quân của xã, ngày 5-8-1965. Đó cũng chính là ngày thành lập Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ.
Bà Nguyễn Thị Tình, nguyên là Trung đội trưởng pháo cao xạ dân quân Lam Hạ kể lại, ngày tình nguyện gia nhập dân quân năm ấy, mấy anh bộ đội huấn luyện ái ngại cho Thi, bởi không những chị còn quá trẻ mà gia đình chị, một lúc có hai chị em gái cùng tham gia trong một đơn vị. Đó là chị Nguyễn Thị Thu, hơn Thi 2 tuổi. Mọi người khuyên hai chị em không nên tham gia chiến đấu trong cùng một khẩu đội. Nhưng với tinh thần dũng cảm, họ đều vui vẻ trả lời: “Đã là chiến sĩ phải chiến đấu đến cùng... Đất nước này còn biết bao gia đình khác có nhiều người ra trận hơn cả chúng tôi”. Cả hai chị được biên chế vào Trung đội pháo cao xạ do đồng chí Nguyễn Thị Tình làm trung đội trưởng. Vừa tham gia sản xuất, các chị vừa được bộ đội phòng không trực tiếp huấn luyện thành thạo trên các loại pháo 57mm, 37mm và súng 14,5mm... để sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, kể cả bổ sung ngay vị trí khi đồng đội hy sinh.
Bà Bạch Thị Thân, là chị dâu của hai liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi, năm nay đã bước sang tuổi 86 nhưng còn khá minh mẫn. Nhớ về hai người em chồng, bà xúc động kể lại: Thời chiến, trai tráng trong làng ra trận hết, cùng với chị em phụ nữ ở lại hậu phương, Nguyễn Thị Thu cùng chị em chu toàn mọi công việc, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, rồi cấy, cày, thủy lợi, lợp nhà, rau bèo cám bã... chẳng nề hà việc gì. Có đêm tranh thủ đi kéo rạ trên đồng tới hơn 10 giờ khuya chưa về, mẹ đi gọi còn thấy các chị, các cô khúc khích, nhí nhảnh trêu đùa. Trên thao trường huấn luyện, sức vóc mảnh mai của các chị, các cô như được tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng bên cây súng trường, súng máy 14,5mm, bên những khẩu pháo cao xạ 57mm, 37mm trong giờ trực chiến.
“Tiếng là chị em dâu nhưng chị em chúng tôi sống rất tình cảm, không có điều tiếng gì. Trước ngày trận đánh diễn ra, Thu, Thi và tôi vẫn đi làm đồng, hai cô ấy còn dặn dò rất kỹ rằng, theo thông tin từ trên, ngày mai có thể địch sẽ tấn công các vị trí trọng yếu và trận địa của ta ở Đình Tràng, nhà mình gần trận địa, anh chị phải nhanh chóng đưa các cháu đi sơ tán để tránh thương vong... Có ngờ đâu, ngày đó cũng là buổi cuối cùng chúng tôi cùng làm đồng và trò chuyện với nhau...” - Bà Bạch Thị Thân kể lại trong tiếng nấc nghẹn.
Người chị dâu của hai liệt sĩ cũng kể rằng, trước khi chị Nguyễn Thị Thu, anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương, đã để lại mối tình đẹp dở dang với người con trai cùng xóm mà hai gia đình đã làm lễ dạm ngõ. Ngày chị hy sinh, mẹ chồng tương lai khóc chị không khác gì xót thương con đẻ, rồi từ đó lặng lẽ đèn hương tưởng nhớ người con gái anh hùng đẹp người, đẹp nết mà nếu không có chiến tranh đã là dâu con trong nhà. Người yêu chị, anh Ngô Văn Cư, là giáo viên cấp 1, sau đó tình nguyện đi bộ đội, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Đất nước thanh bình, anh về lại quê hương tiếp tục dạy học. Từ đó đến giờ, hai gia đình vẫn gắn bó, qua lại, tình cảm khăng khít, keo sơn, trước sau như một.
“Nếu chúng con hy sinh...”
Trong những ngày cuối tháng 9-1966, không quân Mỹ tập trung đánh phá Ninh Bình và chúng quay ra oanh tạc Phủ Lý. Bà Nguyễn Thị Tình, nguyên là Trung đội trưởng, Trung đội pháo cao xạ 37mm cho biết, trước ngày 1-10-1966, đại đội dân quân và nhân dân được phổ biến tình hình trong những ngày tới sẽ diễn ra ác liệt. Vì giặc Mỹ sẽ tập trung ném bom nhằm cắt đứt mạch máu giao thông cả đường bộ và đường sắt tại Phủ Lý. Bộ đội và dân quân tăng cường trực chiến, còn nhân dân khẩn trương sơ tán xa mục tiêu và trận địa phòng không. Các trận địa phòng không được bố trí liên hoàn quanh thị xã Phủ Lý, riêng xã Lam Hạ có tới 8 trận địa.
Người dân Lam Hạ sẽ mãi mãi không thể quên, ngày 1-10-1966, khi tiếng còi báo động lan truyền trong không gian cũng là lúc chị Thu và chị Thi băng mình từ nhà ra ngõ, rồi xuống thuyền bơi sang trận địa. Bà Phạm Thị Quỳ (mẹ đẻ của Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi) chạy theo dặn với hai con: “Các con chiến đấu xong, nhớ về ngay cho ba, mẹ khỏi trông”. Người mẹ có ngờ đâu câu nói: “Nếu chúng con hy sinh, đừng buồn nhé mẹ ơi” của hai cô con gái là câu vĩnh biệt, đau nhói, đằng đẵng theo bà trong suốt quãng đời còn lại.
Vừa bước chân khỏi thuyền, cả hai chị em đã vào ngay vị trí chiến đấu của Khẩu đội 2, pháo 37mm, bố trí trên trục đường xã Lam Hạ, ngay gần nhà. Theo bà Vũ Hồng Nhu kể lại, lúc đó khoảng 6 giờ, máy bay Mỹ ồ ạt xuất hiện, gầm rít như muốn xé nát bầu trời. Lợi dụng đám mây, ngược sáng mặt trời, máy bay Mỹ đã lao vào trận địa và các mục tiêu quan trọng từ nhiều hướng. Chúng trút bom như mưa, sau đó là những cột lửa bùng lên cuồn cuộn. Cũng như những dân quân khác trong Khẩu đội 2, hai chị em cùng đồng đội nhanh nhẹn thao tác cùng khẩu đội nhả đạn liên tiếp về phía quân thù. Dường như giặc Mỹ càng điên cuồng trút bom bao nhiêu thì các pháo thủ càng kiên cường chắc tay súng bấy nhiêu. Đạn của pháo phòng không như lưới lửa làm cho máy bay Mỹ sau 3 lần oanh tạc không đánh trúng được mục tiêu.
Đợt không kích thứ 3 tạm ngưng, mọi người vừa nghỉ ngơi được một lát thì máy bay Mỹ lại bất ngờ gầm rít đinh tai, nhức óc trên bầu trời. Bộ đội và dân quân tại các trận địa pháo cao xạ lập tức vào vị trí chiến đấu. Hai chị em cùng các pháo thủ lại lên mâm pháo, ai vào việc ấy để nhả đạn lên bầu trời, quyết không cho địch phá hoại mục tiêu và trận địa. Tiếng đạn pháo, tiếng bom quyện vào nhau làm cho mọi người ù đặc tai. Vì không đánh được các mục tiêu quan trọng, giặc Mỹ tập trung không kích các trận địa phòng không, trong đó có hỏa lực cao xạ Đình Tràng. Các khẩu đội của nữ dân quân Lam Hạ và bộ đội vẫn quyết tâm bắn trả. Đang lúc chiến đấu quyết liệt, Khẩu đội 1 và Khẩu đội 2 bị bom địch trùm lên trận địa. Những trái bom khắc nghiệt đã cướp đi nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 5 nữ dân quân Lam Hạ là các chị: Nguyễn Thị Thu; Đinh Thị Tâm; Trần Thị Tuyết; Phạm Thị Lan và Vũ Thị Phương. Riêng Nguyễn Thị Thi lúc này bị thương rất nặng. Mảnh bom phạt ngang bụng và làm đứt gần lìa chân trái. Tuy vậy, khi được chuyển về bệnh viện, thấy anh trai của mình là Nguyễn Văn Thái đến thăm, chị đã nói ngay rằng: “Thôi anh cứ để em nằm đây mà trở về vị trí chiến đấu trả thù cho các em và đồng đội”. Khi biết mình không thể qua khỏi, chị Thi đã nghẹn ngào nói với các bác sĩ: “Em biết mình không thể sống được nữa đâu, các anh, các chị hãy dành thuốc mê cho đồng chí khác. Các anh cứ cưa chân em đi, không cần gây mê đâu, em chịu được mà”. Mặc dù được các y sĩ, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, ngay trong đêm hôm đó, chị Thi đã hy sinh khi chưa tròn 16 tuổi.
Trải qua 5 trận chiến đấu trong một ngày, Đại đội dân quân Phòng không xã Lam Hạ đã kiên cường dũng cảm góp phần cùng bộ đội chủ lực bắn rơi 2 máy bay A4 của Mỹ, bắt sống 2 giặc lái, bảo đảm an toàn mục tiêu được giao. Hai chị em ruột Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Tấm gương chiến đấu và anh dũng hy sinh của các chị đã đi vào lịch sử quê hương đất nước. Nhiều chị hy sinh khi chưa kịp có một tấm hình, nhưng hình ảnh của các chị đã tạc vào dáng hình Tổ quốc, vun đắp thêm truyền thống của quê hương Hà Nam và của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Bài và ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG