Năm giải phóng Buôn Ma Thuột là năm Ất Mão, nay sắp đến năm Quý Mão, trước anh linh các đồng đội, được sự động viên của thủ trưởng và bạn bè, tôi mạnh dạn kể đôi điều về trận đánh mở màn, có tính chất quyết định ấy.

Cuối năm 1974, Sư đoàn 316 được lệnh rời chiến trường Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiengkhouang (Lào) về Tân Kỳ, Nghệ An để củng cố và huấn luyện đánh công sự vững chắc. Được ít ngày, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam triệu tập gấp cán bộ từ cấp trung đoàn. Bấy giờ tôi là Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, mới hơn 20 tuổi mà được gặp một vị tướng tài ba, mưu lược của Quân đội ta thì thật may mắn, vinh dự. Sau khi phân tích tình hình tại chiến trường miền Nam trên sa bàn và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 316, Đại tướng Văn Tiến Dũng chúc: “Đi sâu, đi lâu, đi giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

Chúng tôi rời Sở chỉ huy Sư đoàn về đơn vị mà trong lòng vui biết chừng nào, ngay lập tức chuẩn bị kế hoạch hành quân. Để bảo đảm bí mật và nghi binh lừa địch, chúng tôi mang mật danh Sư đoàn 968, nhanh chóng hành quân bộ vào Mặt trận Tây Nguyên (B3). Tại đây, Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận (sau là Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) và Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Mặt trận (sau là Thượng tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) bổ sung nhiệm vụ cho Sư đoàn. Theo đó, Trung đoàn 148 chúng tôi có nhiệm vụ trinh sát, đánh hướng chủ yếu vào Tây Bắc Buôn Ma Thuột, vào căn cứ trung đoàn thiết giáp-pháo binh địch, rồi phát triển tiến công Sư đoàn 23 ngụy, phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng Buôn Ma Thuột. Như vậy, nhiệm vụ rất cụ thể và rõ ràng.

leftcenterrightdel

Quân Giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 

Chúng tôi cùng Trung đoàn trưởng Doãn Mão luồn qua 7 hàng rào dây thép gai để trinh sát. Đây là căn cứ địch bố phòng rất cẩn mật, nào là hàng rào bùng nhùng, rào thấp, rào cao, kết hợp cả mìn nổ, mìn sáng... Sau 3 đêm tiềm nhập, chúng tôi khẳng định phải có kế hoạch chu đáo mở cửa bằng mìn, bộc phá. Trên đường về Sở chỉ huy Trung đoàn, pháo địch bắn vu vơ, chẳng may anh Doãn Mão bị thương, không chỉ huy được nữa. Thế là tôi phụ trách xây dựng kế hoạch tác chiến để báo cáo Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy (sau là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1) và Tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Sau khi thảo luận, các thủ trưởng quyết định phương án đánh. Cấp trên điều anh Đỗ Văn Trì (khi đó đã là Anh hùng LLVT nhân dân), Trưởng ban Tác chiến của Sư đoàn xuống đảm nhiệm cương vị Trung đoàn trưởng.

Theo phân công ban đầu, anh Nguyên, Phó trung đoàn trưởng chỉ huy Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 đánh căn cứ thiết giáp-pháo binh địch. Giờ nổ súng là 3 giờ sáng 10-3-1975. Từ đài quan sát, cách trận địa khoảng 1-2km, đến quá 8 giờ mà đơn vị vẫn chưa hoàn thành đánh cửa mở bởi địch dùng hỏa lực và xe tăng chống trả quyết liệt. Trước tình hình đó, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo và Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy lệnh cho Trung đoàn cử tôi xuống trực tiếp chỉ huy trận đánh, bằng mọi cách, mọi giá phải giải phóng được thị xã Buôn Ma Thuột.

leftcenterrightdel

Trung tướng Phạm Thanh Lân (ở giữa) gặp lại đồng đội từng chiến đấu tại trận Buôn Ma Thuột. Ảnh do tác giả cung cấp 

Thời điểm này thực sự rất cam go. Tôi vội vàng gọi tổ trinh sát đi cùng xuống khu vực trước cửa mở. Đến nơi, tôi tìm mãi không thấy Phó trung đoàn trưởng Nguyên, Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn 4. Anh em thương vong nhiều, trong đó có cả anh Dương, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4. Ngay lập tức, tôi liên lạc với Tiểu đoàn 5, đồng thời ra lệnh nhanh chóng xốc lại đội hình Tiểu đoàn 4. Lúc vào trận có vài trăm đồng chí, bây giờ còn gần 100 người. Không thể chờ đợi cấp trên chi viện, ta phải nhanh chóng tiến công địch. Quan sát trận địa, tôi thấy đường tuần tra của địch ở bên phải cửa mở có thể thọc sâu được. Giao nhiệm vụ cho một số anh em hai bên cửa mở bắn vào xe tăng và hỏa lực địch để thu hút, tôi cùng lực lượng còn lại tập trung vượt cổng, đánh thẳng đường tuần tra của địch vào căn cứ. Tôi hô lớn: “Các đồng chí đảng viên theo tôi!”. Cả đơn vị ào lên, địch bị bất ngờ. Chúng tôi tiêu diệt được một số xe tăng, hỏa lực địch, chiếm được căn cứ thành công.

Đang hành tiến và phát triển vào trung tâm thì lực lượng tăng cường đã tới, gồm anh Việt, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 cùng Đại đội 9 bộ binh và Đại đội xe tăng của anh Đoàn Sinh Hưởng (sau là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4). Nhìn thấy tôi, anh Việt hét to bảo tôi lên xe. Vừa đi vừa chiến đấu, địch chống cự quyết liệt, tôi bị thương nhẹ ở cánh tay phải. Nhờ anh em lấy dao găm cắt áo lót băng bó qua, tôi tiếp tục chiến đấu.

Hỏa lực xe tăng và lực lượng mới bổ sung gồm: Anh em Tiểu đoàn 4 còn lại, Tiểu đoàn 5 và Đại đội 9, Tiểu đoàn 6. Tôi rất vui vì đơn vị diệt thêm được xe tăng địch, bởi lúc này Trung đoàn 148 thiếu 2 đại đội bộ binh. Ngoài ra, được sự chi viện của pháo binh Mặt trận và Sư đoàn, chúng tôi tấn công như vũ bão vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Trên đầu, trực thăng của tên Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng Chiến thuật 1 hò hét, dưới thì tên Đại tá Vũ Thế Quang, Phó tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy và tên Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đắk Lắk ra sức hô hào lực lượng địch chống cự nhằm ngăn cản bước tiến của quân ta. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng đè bẹp, làm chủ chiến trường, sau đó còn bắt sống tên Đại tá Quang và Đại tá Luật.

leftcenterrightdel

Trung tướng Phạm Thanh Lân kể lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: KHÁNH NGÂN 

Chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy đồng nghĩa với việc ta chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột. Các đơn vị của ta nhanh chóng tiêu diệt lực lượng địch còn lại xung quanh Buôn Ma Thuột và đánh tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột của các lực lượng khác thuộc Sư đoàn 23 ngụy, buộc chúng phải rút chạy khỏi Tây Nguyên. Từ đó, tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong tháng sau.

Tháng 9-1975, tôi được cử ra học ở Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Trong thời gian nghỉ phép, tôi cùng một số anh em thăm lại chiến trường xưa. Đến nơi, chúng tôi thấy toàn bộ khu vực nghĩa trang của người dân địa phương, nơi đồng đội hy sinh vẫn còn nguyên vết dấu. Có điều, đơn vị đánh phát triển nhanh nên số anh em bị thương và hy sinh đều được các đơn vị phía sau làm công tác thương binh, tử sĩ. Vì vậy, phần lớn mộ chí không có tên. Năm 2020, có dịp quay trở lại, tôi bất ngờ khi mọi thứ đã thay đổi. Khu vực nghĩa trang xưa giờ đây đã là các khu đô thị mới. Tôi bỗng thấy tâm trạng mình bồi hồi khó tả. Vừa vui vì kinh tế địa phương đổi mới, phát triển đi lên, nhưng cũng bùi ngùi vì không thấy đồng đội đâu nữa, chỉ thấy bóng họ qua các tượng đài. Được biết, tất cả mộ liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk. Thắp nén tâm hương tưởng nhớ, tôi thầm biết ơn các đồng đội, các anh hùng liệt sĩ-những người con ưu tú của dân tộc-đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trung tướng PHẠM THANH LÂN (nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng)