Không phải bây giờ ông mới nổi danh mà từ hồi chiến trường, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh kinh điển; sau giải phóng, ông là tư lệnh quân đoàn, tư lệnh quân khu, là Ủy viên Trung ương Đảng, là đại biểu Quốc hội ba khóa liền, đứng đầu trong danh xưng “tứ nghị”: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”…

Chiều đầu thu, tôi đến nhà riêng diện kiến ông. Trời Hà Nội không nắng lắm nhưng rất oi nồng, khó chịu. Vậy mà ông vẫn sang sảng kể chuyện dường như không biết mệt. Trong ăm ắp những câu chuyện sinh động cả hôm qua, hôm nay, tôi rất thích thú nghe chuyện chỉ huy đánh trận thời chống Mỹ và kỷ niệm hồi ba khóa “nghị trường” của ông…

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Phi Long 

NHỮNG TRẬN ĐÁNH TÁO BẠO VÀ SÁNG TẠO

Thời đánh Mỹ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước làm tham mưu tác chiến quân sự, từng là Trưởng phòng Tác chiến, Tham mưu phó Mặt trận B3, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên. Giữa năm 1968, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24. “Đang ở cơ quan được về đơn vị thì rất thích nhưng cũng lo. Lo vì đang đánh lớn mà mình thì còn ít kinh nghiệm. Tôi báo cáo Tư lệnh Mặt trận Hoàng Minh Thảo là cho tôi làm trung đoàn phó thôi nhưng anh không nghe và động viên tôi nhanh chóng về nắm bắt tình hình đơn vị để chỉ huy chiến đấu”-ông Thước nhớ lại.

Lúc này, để phối hợp với hướng chính phía bắc Tây Nguyên (Kon Tum), Trung đoàn 24 được giao nhiệm vụ luồn sâu vào trong vùng địch phía thị xã Plei-cu và Kon Tum, nhằm đánh phá một lực lượng quan trọng của địch, không cho chúng cơ động lên chi viện, đồng thời đánh cắt giao thông (Đường 14), diệt và phá hỏng các phương tiện cơ động quân và tiếp tế trang bị vũ khí cho lực lượng ở Kon Tum. Đầu tháng 1-1969, trung đoàn cơ động từ khu tập kết phía tây bắc tỉnh Gia Lai cách Đường 14 hơn 60km. Khi vào đến vùng Chư Pa (đỉnh cao trên 1.000m) là vùng giáp ranh giữa hai bên thì phân đội đi đầu đội hình của trung đoàn bất ngờ gặp quân địch ra án ngữ. Thời cơ không được chậm trễ. Với sự quyết đoán của người chỉ huy, sau khi cân nhắc và trao đổi thống nhất với Chính ủy Vũ Khắc Thịnh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thước quyết định nổ súng đánh địch. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, địch tập trung nhiều phi pháo đánh phá quyết liệt. Sau 10 ngày chiến đấu, ta đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 42 ngụy và một tiểu đoàn biệt động ngụy, buộc địch phải kết thúc cuộc hành quân Bình Tây 48.

 Trước thắng lợi của ta, địch vội vàng ra lệnh số tàn quân của Trung đoàn 42 ngụy còn lại, bổ sung thêm ba tiểu đoàn biệt động quân (tương đương một trung đoàn mạnh), đồng thời cho đổ bộ một tiểu đoàn Mỹ lên đỉnh Chư Pa hòng cứu vãn sự thất bại. Thừa thắng trong đợt 1 của cuộc chiến đấu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thước đã chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm chiến đấu, đánh bại cuộc hành quân Bình Tây 49, lần lượt tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn địch, trong đó có một đại đội Mỹ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Không dừng lại ở đó, lợi dụng sự hoang mang của địch và sự không thông thạo địa hình của Trung đoàn 47 ngụy từ Buôn Ma Thuột mới lên, chỉ huy Trung đoàn 24 đã tổ chức đội hình, tiếp tục chiến đấu nhằm đánh bại ý đồ ra ngăn chặn ta phát triển vào hậu phương địch. Từ ngày 1-2 đến 8-2, trung đoàn đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47 và tiểu đoàn biệt động quân của ngụy, buộc chúng phải tháo chạy, kết thúc thảm hại cuộc hành quân Bình Tây 50, cùng lúc tiểu đoàn Mỹ còn lại phải rút chạy khỏi Chư Pa bằng trực thăng.

Tổng kết chiến dịch Chư Pa, trong gần một tháng, ta loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 quân địch, bắn rơi 24 máy bay và thu nhiều tài liệu, trang bị vũ khí. Hãng tin AFP đưa tin: “Đây là trận đánh đẫm máu nhất sau Mậu Thân 1968”. Đối với ta, trận đánh không chỉ có giá trị về đánh tiêu diệt lớn mà còn có ý nghĩa chiến lược: Lần đầu tiên, địch đưa chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ra thử nghiệm tại chiến trường Tây Nguyên đã bị thất bại nặng nề, báo hiệu sự sụp đổ không thể cứu vãn của chiến lược này.

Sau khi đánh bại cuộc hành quân Bình Tây 48, 49, 50 của quân ngụy, trung đoàn củng cố lực lượng, tiếp tục thọc sâu vào lòng địch, tiêu diệt nhiều xe cơ giới địch từ Plei-cu lên tăng viện và tiếp tế cho hướng Kon Tum. Nổi bật là trận phục kích đánh giao thông ngày 21-5-1969. Trận này, ông Thước chỉ huy đơn vị không đánh theo quy luật thông thường mà tổ chức một trận đánh bồi sau khi địch đi tiếp tế cho Kon Tum trở về. Kết quả trận phục kích đoàn xe của địch lúc đi từ Gia Lai tới Kon Tum, ta đã tiêu diệt 42 xe cơ giới. Lần từ Kon Tum về Gia Lai, ta diệt 56 xe. Tổng cộng hai trận ta diệt 98 xe (có 6 xe thiết giáp). Với sáng tạo bằng cách đánh bồi (trận lượt về), kết quả hiệu suất cao hơn, thương vong trong hai trận của ta không đáng kể.

Trong chiến dịch năm 1972, lúc này, ông Thước là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh cắt giao thông đoạn giữa Đắc Tô và thị xã Kon Tum. Chuẩn bị cho chiến dịch, trung đoàn đã bí mật triển khai tại khu vực rừng Đắc Uy. Đêm 23-3-1972, địch sử dụng máy bay B-52 tập trung oanh tạc vào khu vực cao điểm Đắc Uy. Hầm của trung đoàn trưởng sập, công binh đào bới và lôi được ông Thước lên. Ông bị sức ép chảy máu mũi và máu tai, sọ bị rạn (sau này giám định bị tổn thương 49%). Quân y trung đoàn đề nghị đưa ông về trạm phẫu tiền phương. Nhưng trước tình hình chiến dịch sắp diễn ra, ông yêu cầu tạm thời sơ cứu và quyết định ở lại chỉ huy. Đúng lúc này, địch đổ bộ một tiểu đoàn biệt động xuống khu cao điểm 902 cạnh khu vực sở chỉ huy. Trung đoàn trưởng quyết định sử dụng một lực lượng bao vây tiêu diệt tiểu đoàn địch vừa đổ xuống, còn giữ hai tiểu đoàn để sẵn sàng đánh giao thông, cắt đường và đánh quân địch tăng viện. Kết quả, ta đã tiêu diệt được tiểu đoàn biệt động, diệt 168 tên, bắt sống 5 tên, bắn rơi 19 máy bay trực thăng, thu một số vũ khí và đài vô tuyến điện.

Sau 4 năm là trung đoàn trưởng, chỉ huy nhiều trận đánh lớn, trước yêu cầu nhiệm vụ vào thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Quốc Thước trở lại tiếp tục làm tham mưu tác chiến Mặt trận B3 Tây Nguyên, góp nhiều công sức vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đi đầu, ở giữa) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, tháng 7-2017. Ảnh do nhân vật cung cấp 

ĐỨNG ĐẦU DANH XƯNG “TỨ NGHỊ”...

Nói về danh xưng “tứ nghị”: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cười: Cái “thành ngữ” ấy tôi cũng chẳng biết từ đâu ra. Chắc là từ cánh báo chí các anh thôi. Hồi ấy không riêng gì chúng tôi, mà còn rất nhiều đại biểu tâm huyết và trí tuệ lắm.

Ba khóa tham gia Quốc hội, nhiều cử tri và đại biểu dân cử vẫn rất ấn tượng với những phát biểu tâm huyết, thẳng băng của vị đại biểu xứ Nghệ. Ông là một trong những người hay “châm ngòi” cho những phiên chất vấn quyết liệt. Thậm chí có người còn gọi ông là: “Lò thuốc súng giữa nghị trường”.

Ông nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc: “Trong một phiên họp ở tổ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có bộ trưởng không nghe”. Tôi đã đứng lên nói luôn: “Thưa anh Mười, tôi làm tư lệnh quân khu, tôi nói mà sư đoàn trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các sư đoàn trưởng thì tôi sẽ xin từ chức, chứ như thế cả hai không thể làm việc với nhau. Anh nên cách chức bộ trưởng không nghe đó, nếu không cách chức được thì anh nên từ chức đi…”.

Sau cuộc họp, nhiều người gặp tôi tỏ vẻ nghi ngại. Có người nói rằng: “Bác ơi, bác phát biểu thế thì bác nguy đến nơi rồi”. Tôi cười bảo: “Đồng chí cứ yên tâm, nguy làm sao được mà nguy”.

Tôi nói thế bởi tôi biết đồng chí Đỗ Mười là người rất hiểu cấp dưới. Trong cuộc họp, đôi khi cấp trên, cấp dưới có thể tranh luận, chất vấn gay gắt, cũng chỉ mong tìm ra hướng đi đúng đắn, có lợi cho cái chung, cho dân, cho nước. Sự thật là sau phát biểu đó, tôi cũng có gặp vấn đề gì đâu. Đồng chí Đỗ Mười gặp tôi, vỗ vai cười hề hà, còn nói: “Cậu này được đấy…”.

Chuyện khác, ấy là khi đi tiếp xúc cử tri, dân rất thắc mắc việc trước đây bỏ tiền để kéo điện về, nay Nhà nước quản lý hệ thống trong đó có phần của dân làm nhưng lại không đền trả. Tình trạng đó có ở hầu hết các địa phương trong cả nước, cử tri rất bức xúc vì kiến nghị rất nhiều lần nhưng không được giải quyết. Có lần họ còn nói với ông Thước: Các ông là đại biểu cho chúng tôi thì phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chúng tôi. Nếu không làm được thì dân sẽ cho các ông nghỉ đấy. Trên các diễn đàn, ông Thước cùng nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu quyết liệt, yêu cầu Chính phủ phải giải quyết và trả lời thẳng thắn với dân, trên tinh thần là cái gì của dân phải trả cho dân. Đến gần cuối nhiệm kỳ khóa X, vụ việc mới được giải tỏa bằng chỉ đạo công khai của Thủ tướng, trong đó nêu rõ: Đường điện do dân làm, chi phí hết bao nhiêu, khấu hao bằng nào, Bộ Điện lực tính toán cụ thể rồi trả lại cho dân…

Có lần khi trình Quốc hội đề án cải tạo một cảng biển, bộ chủ quản đề xuất dùng hàng chục tấn bộc phá để làm. Ông Thước kiên quyết phản đối phương pháp này, ông nêu ví dụ, ở chiến trường, bộ đội chỉ dùng 1kg bộc phá mà còn bắt được hàng tạ cá, nay sử dụng đến hàng chục tấn để cải tạo cảng thì dứt khoát có tác động rất lớn đến môi trường, nhất là môi trường sinh thái biển và sức khỏe con người. Để bảo vệ môi trường, chủ đầu tư phải khảo sát lại để đề xuất phương án khác…

Những câu chuyện chiến trường, nghị trường vẫn hào sảng, thời sự trong dòng ký ức và bầu nhiệt huyết của vị lão tướng 92 tuổi. Chia tay tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cười thật thoải mái: Chuyện còn nhiều, để hôm khác nhé. Bây giờ tôi còn phải đi có việc. Bận lắm…

HOÀNG TIẾN