Đây là chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương khi nói về Thiếu tướng Trần Văn Giang, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội và sau này là Chính ủy Quân chủng Hải quân.
NGHỊ QUYẾT “BỐN KHẲNG ĐỊNH”
    |
 |
Thiếu tướng Trần Văn Giang. |
Gần nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, cuối năm 2016, Thiếu tướng Trần Văn Giang đã về với tổ tiên, nhưng với đồng chí, đồng đội, ông luôn là tấm gương sáng về tác phong công tác mẫn cán, sâu sát, lối sống giản dị và gần gũi. Năm 1972, khi đó Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu là Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), đồng chí Trần Văn Giang là Chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội (Sư đoàn 361), nên ông Mậu hiểu khá tường tận về người cán bộ cấp dưới của mình. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói rằng, đồng chí Giang là một người lính dày dạn trận mạc, có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy. Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy sư đoàn, đồng chí đã có những đề xuất rất kịp thời, sát, đúng và mang tầm chiến lược, nổi bật là Nghị quyết “bốn khẳng định”.
Ngày 22-10-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và sau đó rêu rao ảo tưởng “hòa bình trong tầm tay”. Nắm được diễn biến của dư luận và cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, Chính ủy Trần Văn Giang trao đổi với đồng chí Tư lệnh sư đoàn: “Phải có một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này để bộ đội sư đoàn ta luôn luôn vững vàng bên bệ phóng, bên nòng pháo”. Trên cơ sở nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy quân chủng và đánh giá tình hình của trên, cuối tháng 11-1972, Đảng ủy sư đoàn ban hành Nghị quyết “bốn khẳng định”: “Khẳng định địch nhất định đánh trở lại Hà Nội và sẽ đánh cực kỳ ác liệt; khẳng định khả năng nào cũng diễn biến phức tạp và quyết liệt; khẳng định đánh vào Hà Nội lần này, Mỹ nhất định dùng máy bay chiến lược B-52; khẳng định đánh vào Hà Nội, Mỹ ở vào thế thua, thế yếu, thế bị động. Chúng ta có nhiệm vụ và khả năng bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ”.
“Thời điểm đó, Thường vụ Đảng ủy quân chủng đánh giá rất cao nghị quyết trên vì đã khẳng định được âm mưu, thủ đoạn của địch và có tính định hướng, quyết tâm rõ ràng để làm công tác chuẩn bị đối phó, không bị bất ngờ khi B-52 đánh vào Hà Nội”-Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói thêm.
Đã 45 năm trôi qua, nhưng khi nói về Nghị quyết “bốn khẳng định”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, sau nay là Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng PK-KQ vẫn nhớ: “Nghị quyết “bốn khẳng định” được ban hành, Bí thư Trần Văn Giang yêu cầu các vị trí khẩn trương quán triệt và làm tốt công tác chuẩn bị đánh B-52. Nghị quyết “bốn khẳng định” đã tạo ra nguồn sức mạnh của ý chí, tinh thần và đề cao cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, làm thất bại mọi tin tức xuyên tạc của địch. Làn khói hỏa mù “hòa bình trong tầm tay” của kẻ thù không che được cặp mắt tinh tường của Chính ủy Trần Văn Giang và các chiến sĩ phòng không Hà Nội. Biến nghị quyết của Đảng ủy sư đoàn thành hành động cụ thể, các đơn vị tên lửa, cao xạ phát động Phong trào “Mười ngày nâng cao chất lượng huấn luyện” dành riêng cho huấn luyện đánh B-52. Các phân đội thi đua giành danh hiệu “Kíp chiến đấu giỏi”, “Phiên ban giỏi”, “Tiểu đoàn mạnh”, “Trung đoàn mạnh”... Không khí chuẩn bị đánh B-52 diễn ra khẩn trương trên khắp các trận địa. Thế nên chỉ một tháng sau, Sư đoàn 361 đã hạ được “pháo đài bay” B-52 của không quân Mỹ”.
    |
 |
Thiếu tướng Trần Văn Giang (giữa) tại Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam (30-4-2015). Ảnh tư liệu |
CHỖ DỰA CỦA BỘ ĐỘI
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Đài, nguyên Trưởng phòng Cán bộ, Quân chủng PK-KQ chia sẻ câu chuyện: Cuối tháng 10-1972, Sư đoàn 361 tổ chức hội nghị cán bộ bàn phương án đánh cụ thể và huấn luyện về cách đánh máy bay B-52 theo cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”. Tại hội nghị có một số ý kiến thắc mắc: Hà Nội là mục tiêu quan trọng số một, sắp đánh B-52 mà sư đoàn lại chỉ có hai trung đoàn tên lửa, bằng một nửa số trung đoàn trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất? Sao sư đoàn không đề nghị quân chủng điều thêm trung đoàn tên lửa về tăng cường cho Hà Nội? Đồng chí Giang đứng lên giải đáp: “Tất nhiên lúc này được tăng cường một hay hai trung đoàn tên lửa nữa thì tốt quá! Nhưng Trung đoàn 236 thì đi nhận khí tài mới, phải mất một thời gian, Trung đoàn 263 thì đang bảo vệ các nút giao thông cực kỳ quan trọng ở Khu 4, còn Trung đoàn 267 thì mấy hôm nay cũng đã vào sâu trong tuyến lửa rồi. Yêu cầu chiến trường lúc này rất khẩn trương. Sư đoàn đã từng đề nghị quân chủng và hôm nay nhất định sẽ lại phản ánh ý kiến đề nghị của các đồng chí lên trên. Vấn đề của chúng ta lúc này là phải nỗ lực phát huy sức mạnh có trong tay. Thời gian là lực lượng. Với trách nhiệm chính trị cao nhất bảo vệ Thủ đô, chúng ta luôn cố gắng cao nhất. Đó là suy nghĩ và hành động đúng đắn nhất lúc này”.
Đội ngũ cán bộ ngồi dưới đều gật đầu, thấm nhuần lời Chính ủy sư đoàn và nêu cao quyết tâm để chuẩn bị bước vào giai đoạn mới.
Đại tá Hoàng Bảo, nguyên Trưởng ban Huấn luyện tên lửa sư đoàn kể, sau khi bay với đội hình “bàn tay xòe”, máy bay Mỹ bị tên lửa của ta tiêu diệt nhiều, đến giữa năm 1972, chúng nghiên cứu kỹ rồi đổi chiến thuật và áp dụng nhiều trang bị kỹ thuật tối tân. Suốt mấy tháng trời từ khi địch đánh phá trở lại miền Bắc, nhiều trận địa tên lửa, cao xạ đánh trả rất quyết liệt nhưng hiệu quả thấp. Trong một chuyến công tác, khi về đến Gia Lâm thì địch đánh vào cầu Long Biên, Hoàng Bảo được chứng kiến cảnh máy bay địch lượn vòng chiếu laze và phóng bom. Từ đó, ông nảy ra ý định dùng kính ngắm quang học. Về sư đoàn, Hoàng Bảo đề xuất dùng kính quang học với bội số lớn có thể quan sát xa đến 35-40km, chỉ chuẩn xác để tên lửa tiêu diệt máy bay địch trước khi chúng chiếu laze, cắt bom. Chính ủy Trần Văn Giang nói với Hoàng Bảo chuẩn bị thật kỹ, tới đây sẽ triệu tập hội nghị Đảng ủy sư đoàn mở rộng để ông trình bày vấn đề này. Đại tá Hoàng Bảo nhớ lại: “Bản báo cáo của tôi được Đảng ủy sư đoàn đánh giá cao và nhất trí ủng hộ. Chính từ việc thực hiện kết hợp sử dụng kính ngắm quang học đã góp phần tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ các loại trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972”...
NGUYỄN CHÍ HÒA