Chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn Văn Thụ (sinh năm 1933, ở xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Qua nhiều chiến dịch, trận đánh, ông liên tiếp lập thành tích nên được cấp trên chọn đi học khóa 7 Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) bấy giờ đang đứng chân tại Trung Quốc. Hoàn thành khóa học, năm 1953, ông về nước, đảm nhiệm cương vị Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 và cùng đồng đội tham gia đợt 2, đợt 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông kể: “Tôi nhớ khoảng ngày 10-4-1954, 16 người của trung đội do tôi chỉ huy được điều lên thay quân chiến đấu chốt giữ một phần trận địa trên đồi A1. Chúng tôi được trang bị 2 khẩu trung liên, 4 khẩu tiểu liên, còn lại là súng trường, bảo đảm đạn mỗi đồng chí 2 đến 3 cơ số và 1 máy thông tin 2W. Thời gian này, trung đội tôi đã chiến đấu nhiều trận rất ác liệt. Do tiếng nổ từ đạn pháo của ta bắn mãnh liệt vào phía địch ở đồi A1 và pháo binh địch đánh phá vị trí của ta nên tai chúng tôi hầu như điếc đặc. Chúng tôi chủ yếu hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu bằng ký hiệu, tín hiệu qua quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy. Ngay sau đêm đầu tiên giữ trận địa, trung đội tôi chỉ còn 5 đồng chí lành lặn, đủ sức chiến đấu, còn lại là hy sinh và bị thương. Trong đó, đồng chí chiến sĩ thông tin hy sinh, máy 2W bị đạn địch bắn hỏng. Vì vậy, trung đội mất liên lạc với sở chỉ huy. Cầm cự một ngày trời, nước uống và lương khô cũng hết, khát đến cháy cổ nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau chiến đấu đến cùng, quyết tâm bảo vệ trận địa”.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Văn Thụ phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách. Ảnh: HOÀNG HOÀNG

Sang ngày thứ hai, các chiến sĩ ta đang chăm chú quan sát phía trước với tâm thế sẵn sàng đánh giáp lá cà nếu quân địch tấn công, bỗng họ vỡ òa sung sướng khi thấy khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh dẫn đầu mang theo cả vũ khí, máy thông tin đang tiến lên trận địa. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thụ báo cáo nhanh tình hình và chờ chỉ đạo của Trung đoàn trưởng do địch đã bắt đầu mở lại đợt phản kích tiếp theo. Lúc này, vì đã có thông tin liên lạc về sở chỉ huy nên pháo binh ta kịp thời phối hợp, bắn phá ác liệt vào vị trí chuẩn bị phản kích của địch, buộc chúng phải tháo chạy.

“Đến khoảng 19 giờ hôm ấy, Trung đoàn trưởng Hùng Sinh giao nhiệm vụ cho lực lượng mới lên thay giữ trận địa. Ông dặn dò tỉ mỉ cách xử trí một số tình huống có thể xảy ra, còn chúng tôi thì được phép rời khỏi trận địa, rút về tuyến sau để củng cố. Trong hội nghị rút kinh nghiệm tôi mới được biết, khi chúng tôi mất liên lạc với Trung đoàn, Trung đoàn trưởng phán đoán: Có lẽ trận địa của ta đã bị địch chiếm. Từ suy nghĩ đó, đồng chí định đề nghị pháo binh của chiến dịch bắn trực tiếp vào trận địa ta vừa mất. Nhưng nhờ sự tỉnh táo và sáng suốt của người chỉ huy, trước khi quyết định hành động, đồng chí Trung đoàn trưởng đã cử chiến sĩ liên lạc bò lên kiểm tra. Thấy quân ta vẫn giữ được trận địa, Trung đoàn trưởng đã trực tiếp lên nghiên cứu tình hình, tìm hiểu vì lý do gì mà ta chưa giải quyết được A1. Thật may mắn, nếu lúc đó pháo binh ta bắn vào trận địa thì chúng tôi đã hy sinh cách đây 70 năm rồi”, Đại tá Nguyễn Văn Thụ bồi hồi nhớ lại...

 Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đồng chí Nguyễn Văn Thụ được điều về làm giảng viên, rồi Trưởng khoa Giáo viên địa hình quân sự của Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 1992, sau 43 năm quân ngũ, ông nhận quyết định nghỉ công tác theo chế độ khi đang là Phó trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Binh chủng Thông tin liên lạc. Về nghỉ hưu nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại nơi cư trú là phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Phát huy truyền thống chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông đã cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Trương Định hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tích. “Nay tôi đã 91 tuổi, sức khỏe, trí tuệ còn minh mẫn. Tôi vẫn dành thời gian viết báo, làm thơ. Qua những tác phẩm về người lính ấy, tôi mong muốn góp phần để con cháu thấy rằng để có cuộc sống hòa bình hôm nay, thế hệ cha ông đã phải đổi bằng cái giá rất đắt, từ đó mà ra sức học tập, công tác, cống hiến xây dựng đất nước”, Đại tá Nguyễn Văn Thụ chia sẻ.

 LÊ ĐẠT