Trong công việc, Tư lệnh Nguyễn Kiệm rất nghiêm túc, chỉ đạo cụ thể nên những ai chưa quen tác phong đó của ông sẽ e ngại. Nhưng thực ra ông là người rất tình cảm, giản dị. Những năm 90 của thế kỷ trước, nơi ở của các thủ trưởng quân đoàn cùng một khu nhà. Hằng ngày, đi công tác về, các thủ trưởng thường ngồi uống nước trà nói chuyện. Nếu có việc, thủ trưởng Kiệm thường gọi anh em đến vừa uống nước vừa trao đổi công việc, không khí rất gần gũi mà những chỉ đạo hay nhiệm vụ triển khai vẫn hiệu quả. Giờ nghỉ, ông và mấy công vụ thân mật như cha con. Tôi được chứng kiến không biết bao lần các cháu công vụ nhổ tóc bạc cho ông. Trong lúc đó, ông quan tâm hỏi chuyện gia đình, nguyện vọng các cháu, xen lẫn những chuyện cười đùa vui vẻ. Giờ kể lại, hình ảnh ấy lại hiện về trong tôi. Phong cách sống giản dị, tình cảm gần gũi của ông còn truyền đến cho cả những người thân trong gia đình. Tôi không sao quên được những lần đến nhà thăm ông khi ông đã chuyển về công tác ở Thanh tra Bộ Quốc phòng và cả khi đã nghỉ công tác. Lần nào đến, tôi cũng nhận được những nụ cười đôn hậu chào đón, nhất là chị Liên, phu nhân của ông. Lúc trò chuyện, bao giờ chị cũng một điều chú, hai điều chú, thân tình như người nhà. Có lẽ chính vì điều ấy mà anh em đồng đội, những người cùng công tác với thủ trưởng Kiệm hễ có điều kiện là lại ghé thăm vợ chồng ông.
Trong phong cách sống thì như vậy, còn trong công tác, Tư lệnh Nguyễn Kiệm là một chỉ huy sâu sát, tỉ mỉ. Tôi nhớ vào khoảng giữa năm 1984, tôi tháp tùng thủ trưởng đi kiểm tra công tác huấn luyện của Sư đoàn 390 ở khu đồi thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Đến một đại đội, Tư lệnh quan sát một lúc rồi quay sang hỏi đại đội trưởng hướng cửa hầm đơn vị bố trí. Đồng chí đại đội trưởng chỉ tay và trả lời: “Báo cáo, hướng này ạ!”. Tư lệnh liền nói: “Thế cửa hầm mở hướng này có nên không?”. Sau một hồi lúng túng, cán bộ, chiến sĩ mới hiểu ý của Tư lệnh. Ông không nhắc về kỹ thuật dựng hầm mà hỏi về hướng cửa hầm. Thì ra, bộ đội mới chỉ chú trọng địa hình triền đồi thuận cho việc khoét đất để đào hầm, dựng đúng kỹ thuật nhưng chưa chú ý yếu tố chiến thuật nên cửa hầm công sự lại hướng về phía tiền duyên của địch.
    |
 |
Tư lệnh Nguyễn Kiệm chủ trì một phiên họp của lãnh đạo Quân đoàn 1, năm 1983. Ảnh tư liệu |
Năm 1987, Tư lệnh Nguyễn Kiệm lên mặt trận Vị Xuyên hàng tháng liền. Tôi được tháp tùng ông trong suốt chuyến đi đó. Hôm lên đến thị xã Hà Giang đã muộn lắm, lại sau chặng đường dài, khá mệt, nhưng nghe tin đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312 vừa mới ở sở chỉ huy sư đoàn ra, Tư lệnh liền gọi đến hỏi tình hình công tác, việc bảo đảm đời sống bộ đội trên chốt...
Hồi đó, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 được điều lên thay Sư đoàn 356, Quân khu 2 phòng ngự trên dọc đoạn biên giới mà quân đối phương đang lấn chiếm. Tư lệnh lên trận địa làm việc với ban chỉ huy sư đoàn, sau đó yêu cầu cho liên lạc dẫn đi các chốt. Và từ đó đến hết chuyến đi, ông đến từng điểm chốt, từng công sự, từng căn hầm mà bộ đội ta đang trấn giữ. Nào Cỗi, Đồi Đài, hang Dơi, hang Làng Lò rồi khu 4 hầm (H1, H2, H3, H4) ngay dưới chân điểm cao đối phương đang án ngữ... Đến đâu, Tư lệnh Nguyễn Kiệm cũng kiểm tra tỉ mỉ công sự, phương án chiến đấu. Đồng thời, ông rất chú ý kiểm tra, nhắc nhở cán bộ công tác bảo đảm đời sống bộ đội trên chốt, từ việc bữa ăn phải có canh, có rau... Chính ông đã gợi ý việc gùi xi măng, cát lên chốt, dựa vào vách núi đá xây những bể nhỏ chứa nước mưa để có nước tắm giặt. Trước đó, cả tuần bộ đội ta mới được thay phiên về tuyến sau tắm giặt, còn thường phải dùng khăn tẩm cồn lau qua khi cần thiết.
Trung tướng Nguyễn Kiệm là người như vậy đó, gần gũi, đôn hậu, luôn quan tâm đến cấp dưới từ những việc nhỏ nhất. Nhớ ông, tôi viết lại những kỷ niệm nhỏ về ông-người chỉ huy đáng kính của mình!
Đại tá NGUYỄN CẢNH CHÂU
(Nguyên Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân đoàn 1)