Vườn cam và bát chè phủ đất

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể, kết thúc Chiến dịch Nậm Bạc, quân ta nhận lệnh rút về nước để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trước khi về nước, Hoàng thân Souphanouvong đến gặp bộ đội ta để hoan nghênh chiến công, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn quân đội Việt Nam đã giúp đỡ cách mạng Lào. Hoàng thân nói: “Nhân dịp Tết của Việt Nam, chúng tôi xin tặng các đồng chí vườn cam để thể hiện lòng biết ơn”. Khi đó, lực lượng của ta đóng quân ở phía đông Luang Prabang, sau nhiều ngày chiến đấu gian khổ đã thấm mệt, lại vừa đói và khát. Được thưởng thức vườn cam rộng hàng chục héc-ta với những quả cam chín mọng, bộ đội ta nhanh chóng giải tỏa cơn khát, sau đó còn hái cam vắt lấy nước cho vào bi đông để sử dụng trên đường hành quân.

Hai năm sau, một lần nữa ông Hương đón Tết tại chiến trường Lào. Đó là Tết Canh Tuất (1970), ông tham gia Chiến dịch 139 (Chiến dịch Toàn Thắng) trên cương vị Chính ủy Mặt trận Cánh Đồng Chum. Năm đó, ngày 27 Tết trùng với kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-1970), bộ đội ta tổ chức buổi liên hoan nhỏ để mừng ngày kỷ niệm. Sau khi liên hoan xong đã 11 giờ đêm, mọi người vào trong hang nghỉ ngơi. Bất ngờ máy bay địch ném bom ngay trước cửa hang, những mảnh kim loại từ quả bom văng tung tóe vào trong hang khiến 20 chiến sĩ của ta hy sinh.

“Cũng trong dịp Tết năm 1970, đồng chí Nguyễn Hùng, cán bộ tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu đi cùng chúng tôi để theo dõi tình hình. Trước giờ nổ súng, đồng chí đề nghị nghiền lương khô ra làm thành chè để ăn Tết. Chúng tôi đều nhất trí, số lương khô đó làm thành 5 bát chè. Lúc chuẩn bị liên hoan thì địch ném bom, anh em nấp dưới hầm công sự đều an toàn cả nhưng những bát chè đã bị đất cát phủ lên. Thấy vậy, anh Hùng nói với chúng tôi “chè còn ăn được” rồi lấy dao gạt lớp đất ở mặt trên của các bát chè. Đó là bát chè đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi”, ông Hương xúc động kể lại.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. Ảnh: DUY TIÊN

Tết ở hang Thẳm Ma Long

Năm 1972, đồng chí Huỳnh Đắc Hương là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào cùng đồng đội đóng quân ở Xam Neua. Lúc đó, khoảng 40 đồng chí, trong đó có đồng chí Huỳnh Đắc Hương, ở trong hang Thẳm Ma Long, bộ đội ta gọi với cái tên là hang “Chó đi lạc đường”. “Sở dĩ chúng tôi gọi tên hang như vậy vì hang này rất sâu, lại ngoằn ngoèo, chó đi vào có khi còn lạc đường”-ông giải thích. Năm đó là Tết thứ ba ông Hương cùng đồng đội ở chiến trường Lào. Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ tại nước bạn, mọi người đều mong muốn tổ chức một cái Tết thật đàng hoàng. Ông Hương thống nhất với đồng đội cùng tổ chức ăn Tết và mời bộ đội Lào tham dự.

Trên một ngọn đồi cách hang Thẳm Ma Long khoảng 70 thước là căn cứ của đồng chí Souphanouvong. Ông Hương đến gặp đồng chí Souphanouvong để mời tham dự Tết cùng bộ đội ta. “Đến nơi, tôi thấy đồng chí Souphanouvong đang đánh bóng bàn. Mỗi lần đánh, bóng lại lăn xuống dốc đồi, đồng chí Souphanouvong và đồng đội lại thay nhau xuống nhặt bóng. Thấy vậy, tôi hỏi: “Sao đồng chí không tìm một nơi địa hình bằng phẳng để chơi bóng bàn, đỡ phải chạy đi chạy lại nhặt bóng?”. Đồng chí Souphanouvong cười: “Mục đích chúng tôi đặt bàn bóng bàn ở đây là để leo dốc cho quen, mỗi lần nhặt bóng như vậy cũng là một cách tập thể dục. Hơn nữa, nếu đặt bàn ở địa hình bằng phẳng sẽ dễ bị địch phát hiện mà ném bom”, ông Hương nhớ lại.

Tiếp đó, ông Hương mời đồng chí Souphanouvong và bộ đội Lào cùng sang tham dự Tết và đồng chí đã nhận lời. Sáng mồng Một Tết, đồng chí Souphanouvong có mặt tại hang Thẳm Ma Long từ rất sớm. Tại đây, đồng chí phát biểu: “Theo phong tục Việt Nam, tôi thấy đây là ngày quan trọng nhất nên tôi đến thăm các đồng chí. Các đồng chí rất tận tâm với cách mạng Lào, chúng tôi không biết phải làm gì hơn để đền ơn. Chúc tất cả các đồng chí sức khỏe và quyết tâm cùng chúng tôi sớm giành thắng lợi”. Sau khi đồng chí Souphanouvong phát biểu xong, mọi người cùng tới bắt tay đồng chí và các anh em Lào rồi cùng nhau liên hoan, xem các tiết mục văn nghệ.

QUANG ĐỨC