“Ma xó” ở Tây Bắc

Sinh ra tại bản Thắc Tháy, xã Đức Long, châu Hòa An, tỉnh Cao Bằng, 17 tuổi Nguyễn Văn Cơ đã tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản xã Đức Long. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, sự ra đời của chi bộ đảng ở các xã thuộc châu Hòa An đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Cơ. Tháng 3-1935, vừa tròn 20 tuổi, anh được kết nạp Đảng ngay trên quê hương với bí danh Nguyễn Bằng Giang, thường gọi là Bằng Giang. Lúc sinh thời, Trung tướng Bằng Giang từng chia sẻ, khi tham gia cách mạng, vì luôn nhớ về dòng sông gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của mình nên ông đã chọn bí danh là Bằng Giang để hoạt động.

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Bằng Giang càng nhiệt tình tham gia các tổ chức đoàn thể cứu quốc. Tháng 1-1941, đồng chí là Tỉnh ủy viên, được giao đảm trách công tác giao thông. Theo một số tài liệu lưu trữ của tỉnh Cao Bằng, với bí danh là Lan, Bằng Giang được giao phụ trách dẫn đường trong đoàn ở phía Việt Nam đón Bác Hồ về nước tại cột mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam-Trung Quốc ngày 28-1-1941. Khi Bác Hồ làm việc tại hang Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), mỗi khi đi đánh cá hay đi săn bắt được thú rừng, Bằng Giang lại mang vào biếu Bác. Chuyện này khi còn sống, ông Chu Văn Tấn từng nhắc đến trong một số dịp gặp mặt kỷ niệm thành lập Trung đội Cứu quốc quân 2: “Tôi nhiều lần thấy Bằng Giang lúc hôm sớm, cả khi sẩm tối đi vào hang Pác Bó rồi ra ở một hướng khác nhẹ như mèo. Bằng Giang đúng là “ma xó” ở Tây Bắc đó!”.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Bằng Giang . Ảnh tư liệu

Tháng 4-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho thư ký Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ Cao Bằng tại xóm Goọc Mu, thôn Pác Bó để rút kinh nghiệm và nhân rộng phong trào Việt Minh ra các địa bàn trong tỉnh Cao Bằng. Châu Hòa An có 4 đại biểu được mời dự, trong đó có đồng chí Bằng Giang. Tại cuộc họp, đồng chí bày tỏ quyết tâm theo Đảng, theo Bác và xin nhận nhiệm vụ trước mắt là mở rộng cơ sở đảng trong đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh nhà.

Với tinh thần nhiệt huyết cách mạng, dám nghĩ, dám làm, đồng chí là cán bộ chủ chốt, mẫn cán, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, được mọi người tin tưởng, quý mến. Đến tháng 1-1943, đồng chí Bằng Giang là Ủy viên Ban Thường vụ liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, phụ trách công tác binh vận; một năm sau là Tỉnh ủy viên, phụ trách công tác quân sự của tỉnh Cao Bằng. Năm 1944, đồng chí Bằng Giang chính thức nhập ngũ, trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Từ đây, với tài năng và sự hiểu biết của mình về vùng đất, con người Tây Bắc, ông đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều chiến dịch lớn được mở trên địa bàn trọng yếu này, như: Chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thu Đông (1952)... và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trên cương vị Khu trưởng Khu 10 (Khu Tây Bắc) đồng chí đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao đảm trách hướng trọng yếu. Khi mở Chiến dịch Tây Bắc, với sự tin tưởng dành cho Khu trưởng Bằng Giang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cho ông chỉ huy cánh quân thọc sâu, “có thể coi là một chủ trương mạo hiểm” là: Sau khi giải phóng Tuần Giáo, đánh về Thuận Châu để phối hợp với hướng chính, sẽ tách ra một tiểu đoàn cùng với một phân đội pháo mở một mũi vu hồi nhanh chóng tiến vào giải phóng Điện Biên Phủ... (theo "Tổng tập hồi ký" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2006).

  "Anh Giang là một người dân tộc Tày rất thực và ngay thẳng, anh em rất quý mến. Cứ nhìn thấy Bằng Giang đến là ai cũng tay bắt mặt mừng, muốn kéo về phòng mình trò chuyện vui vẻ, không phân biệt cấp bậc" (Trung tướng Khuất Duy Tiến).

Còn nhớ, khi ta mở Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), có một giai đoạn việc tiếp tế lương thực từ đồng bằng lên chưa bảo đảm kịp cho chiến dịch. Vấn đề trước mắt lúc này là cần huy động gấp hậu cần tại chỗ để bộ đội "ăn no, đánh thắng". Mặc dù chưa có chỉ đạo của cấp trên nhưng Khu trưởng Bằng Giang đã trực tiếp dẫn theo hai đồng chí cưỡi ngựa đến khu vực giáp biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc để vận động quần chúng. Ông biết rõ ở đây là “vựa lúa” của Tây Bắc thời bấy giờ. Được sự tin tưởng của đồng bào nên không mất nhiều thời gian thuyết phục, chỉ với lời nói “cho Chính phủ Cụ Hồ vay để đánh Pháp”, đồng chí đã huy động được gần 7 tấn thóc phục vụ kháng chiến. “Chúng tôi không biết cụ thể bằng cách nào mà sau khi nhận được số thóc ấy của nhân dân, đồng chí Bằng Giang đã huy động lực lượng vận chuyển bằng cả đường bộ và đường sông về kho của Tổng cục Cung cấp. Tại sở chỉ huy chiến dịch, nghe báo cáo về số thóc mới nhận, ban đầu anh Văn tưởng là chiến lợi phẩm. Khi biết là do anh Bằng Giang huy động được, anh liền nói với chúng tôi: "Có những người như Bằng Giang, Trần Đình nhất định thắng!”, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại.

Còn mãi trong ký ức người thân

Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 036/SL trao quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc. Sau đó, ông còn đảm nhiệm những cương vị công tác như: Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào; Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1); Tư lệnh Quân khu Việt Bắc kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc... Năm 1978, ông thôi giữ chức Phó tổng Thanh tra Quân đội để về nghỉ theo chế độ.

Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng cho đến khi qua đời năm 1990, Trung tướng Bằng Giang đã để lại những tình cảm yêu mến, kính trọng của người thân, gia đình và đồng đội. Trong cuộc gặp với chúng tôi mới đây, khi nhắc đến ông, Đại tá Nguyễn Bội Giong không giấu nổi niềm tiếc nhớ. “Đó là một con người đặc biệt, một cán bộ rất đời thường, dân dã và gắn bó với đồng bào. Thời chống Pháp, nhiều lần gặp, tôi đều thấy anh trong bộ trang phục truyền thống của người Tày chứ không mấy khi mặc quân phục. Phía trước ngực, anh luôn đeo chiếc giỏ mây. Có lần tôi đùa, phái viên chiến dịch đi cùng, tư lệnh có gì cho phái viên. Anh liền đưa chiếc giỏ sang cho tôi. Hóa ra, trong đó đựng khi thì nắm xôi, khi thì vài quả rừng, anh để phòng khi lỡ độ đường", ông Giong nhớ lại.

Cũng theo lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong, những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt niềm tin rất lớn vào Tư lệnh Bằng Giang. Khi chuẩn bị tổ chức các trận đánh, Đại tướng đều có chỉ thị anh em ở cơ quan tham mưu tham khảo ý kiến đồng chí Bằng Giang-người rất thông hiểu địa hình Tây Bắc. Nhất là khi ta thực hiện phương án đánh vây lấn. Giao kế hoạch cho công binh, Đại tướng dặn: “Nhớ nói với Bằng Giang, anh Văn mong nhận được ý kiến thiết thực nhé!”.  

leftcenterrightdel

Gia đình Trung tướng Bằng Giang. Ảnh do gia đình cung cấp 

Sau này, khi về công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng, Trung tướng Bằng Giang vẫn giữ nguyên nếp sống và phong cách như hồi ở chiến khu. “Anh Giang là người dân tộc Tày rất thực và ngay thẳng, anh em rất quý mến. Cứ nhìn thấy Bằng Giang đến là ai cũng tay bắt mặt mừng, muốn kéo về phòng mình trò chuyện vui vẻ, không phân biệt cấp bậc. Gia đình tôi lại cùng ở khu nhà công vụ do quân đội cấp, anh em thân thiết hơn. Những điều tôi trực tiếp chứng kiến càng khẳng định nhận xét của mọi người là đúng”, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực cho biết.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đến thăm gia đình ông, hiện vẫn đang ở tại khu tập thể do quân đội cấp từ ngày ông còn sống. Vợ ông, bà Dương Thị Trang do tuổi cao nên sức khỏe đã yếu đi nhiều. Nhớ về ông, bà không khỏi ngậm ngùi: “Chỉ 3 ngày sau đám cưới, anh đã đi làm nhiệm vụ đến tận 4 tháng sau mới về. Khi giặt áo cho anh, tôi thấy lá thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp, trong đó có câu: “Bằng Giang ơi, giữ vững chí tiến thủ nhé!”. Tôi gặng hỏi thì anh gạt đi. Cho đến một ngày, gặp anh Song Hào, tôi mạnh dạn hỏi mới biết khi chúng tôi làm đám cưới, Chiến dịch Sông Lô đang diễn ra. Trên cương vị chỉ huy trưởng mà anh lại “kết hợp” lấy vợ nên bị kỷ luật. Sợ tôi buồn nên anh giấu kín sự việc”. Tiếp lời mẹ, cô con gái út Nguyễn Dương Ánh Đào cho biết: “Bố mẹ tôi vất vả sinh được 7 người con mà giữ được có 4. Bố tôi đi chiến dịch suốt, chỉ đến khi về Hà Nội, ông mới được gần gũi gia đình. Chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ lớn tiếng với nhau. Đến giờ, khi ông đã khuất núi hơn 30 năm mà mọi đồ dùng của ông, mẹ tôi vẫn đóng gói, giữ gìn cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy ra xem và bâng khuâng: "Núi rừng Tây Bắc đã đón ông ấy trở về rồi!".

BÍCH TRANG