leftcenterrightdel

Vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2008. 

Nghe tên ở đâu là phải đến cho bằng được

Trước khi công trình Đền thờ liệt sĩ thuộc Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt (Long An) được khởi công xây dựng năm 2020, Ban Quản lý dự án đã mời một số đại biểu cựu chiến binh, báo chí, nghệ sĩ... tham gia đoàn khảo sát, lên ý tưởng cho các hạng mục công trình. Cặp nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh được mời tham gia phác thảo tượng đài liệt sĩ Long Khốt. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi cùng ngồi vào mâm cơm thì không thấy Nguyễn Sang-Kim Thanh đâu. Gọi điện thoại thì chị Thanh rối rít xin lỗi và nói rằng đang có việc đột xuất, mọi người cứ ăn trước, không phải đợi. Một lúc sau, hai vợ chồng trở về mang theo phác thảo tạo hình gương mặt một người phụ nữ bằng đất sét, ở dạng phác thảo thô. Chị Kim Thanh phân trần:

- Sáng nay, nhờ các anh lãnh đạo huyện giới thiệu, chúng tôi mới biết huyện biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Thế là tụi mình phải đi ngay. Rất may là dù sức khỏe yếu nhưng mẹ vẫn còn khá minh mẫn. Tụi mình động viên mẹ chịu khó ngồi và làm phác thảo. Làm một lần được luôn. Thật sự vui quá!

Chị Thanh vừa nói, vừa cùng chồng cho mẫu phác thảo vào hộp bảo quản. Với nhiều năm kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, anh chị sẽ đưa mẫu phác thảo bằng đất sét này về xưởng điêu khắc của mình, hoàn thiện tạo hình bằng thạch cao, sau đó đúc đồng. Quy trình tạc tượng đồng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng diễn ra kỳ công và khá tốn kém, nhưng bằng tâm huyết và khát vọng tri ân, anh chị đã theo đuổi công việc thầm lặng này từ nhiều năm nay.

Chiếm số lượng lớn các tác phẩm của vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Sang-Kim Thanh là tượng chân dung các anh hùng dân tộc, lãnh tụ, nhà cách mạng lão thành, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, những tướng lĩnh, danh nhân văn hóa, nhân vật có công với nước trong lịch sử, trên nhiều lĩnh vực...

Những người quen thân với vợ chồng nghệ sĩ tài hoa này đều biết rất rõ, trong mọi chuyến đi thực tế, hành trang của họ không bao giờ thiếu đất sét và các hộp bảo quản mẫu phác thảo. Mấy năm trước, trong lần rước tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Luốt, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từ TP Hồ Chí Minh về trưng bày tại quần thể Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam, chúng tôi cũng chứng kiến những việc làm tương tự. Dọc đường đi, đến địa phương nào có Bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc Anh hùng LLVT nhân dân là bằng mọi cách, hai vợ chồng phải tìm đến tận nơi. Lần ấy, từ TP Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 1A về Quảng Nam, họ lấy được 5 mẫu phác thảo. Bức tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Luốt cũng chính là tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Sang-Kim Thanh, được anh chị phối hợp với bà Trần Thu Hồng, con gái mẹ Luốt, hiến tặng ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam trưng bày tại địa chỉ linh thiêng nói trên.

Hỏi chuyện về công việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý này, vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh tâm sự: Ý tưởng tạc tượng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng LLVT nhân dân và người có công với nước đã được anh chị ấp ủ và thực hiện từ lâu. Không ai yêu cầu, gợi ý hay chung tay trong công việc sáng tạo đặc thù này cả. Quá trình hoạt động nghệ thuật điêu khắc, từ trong trái tim nghệ sĩ bật lên tiếng gọi thôi thúc phải làm một điều gì đó để góp phần lưu giữ những tinh hoa giá trị lịch sử văn hóa của đất nước, dân tộc thông qua chân dung những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người con ưu tú. Thế là cứ lặng lẽ làm. Mọi việc diễn ra trong những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống thường ngày, tích tiểu thành đa. Mỗi lần hoàn thành một tác phẩm thì thấy tâm mình thanh thản hơn, lòng mình vui hơn.

Đến nay, vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh là tác giả của hàng nghìn bức tượng chân dung, khám phá, thể nghiệm, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, như: Đá, đồng, sắt, thạch cao, nhựa tổng hợp, thạch cao phun nhũ đồng... Ngoài những tác phẩm nghệ thuật sáng tác theo chủ đề để trưng bày, triển lãm, chiếm số lượng lớn các tác phẩm là tượng chân dung các anh hùng dân tộc, lãnh tụ, các nhà cách mạng lão thành, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng LLVT nhân dân, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa, nhân vật có công với nước... Mỗi đối tượng là một chuyên đề, hình thành những bộ sưu tập riêng. Rất nhiều bức tượng đã được anh chị hiến tặng các bảo tàng trong cả nước. Hai nghệ sĩ cũng đã tham gia hơn 100 cuộc triển lãm chung và tổ chức 10 cuộc triển lãm riêng, được dư luận và công chúng đánh giá cao. Hiện tại, Phòng tượng danh nhân và không gian truyền thống của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang trưng bày gần 300 tác phẩm điêu khắc mang thông điệp tri ân của Nguyễn Sang-Kim Thanh.

leftcenterrightdel

Vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh bên một phác thảo trong vườn tượng của mình.

“Cặp đôi hoàn hảo” và duyên nghiệp với nghề

Có một điều thú vị là trong những bộ sưu tập tượng và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chỉ một số ít tác phẩm đứng tên riêng, còn đại đa số đều là sản phẩm sáng tạo đứng tên chung của cặp đôi nghệ sĩ. Đi đâu anh chị cũng có nhau và làm bất cứ tác phẩm nào cũng là ý tưởng chung. Có được cái duyên nghề đặc biệt ấy, bởi cả hai vợ chồng đều là học trò cưng của nhà điêu khắc nổi tiếng Tô Sanh. Nguyễn Sang-Kim Thanh cùng quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nguyễn Sang từng là bộ đội Quân khu 7. Sau khi chuyển ngành, làm việc tại một số công ty ở TP Hồ Chí Minh, anh đón vợ, lúc bấy giờ là một cô giáo trường làng, lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Từ tình yêu, đam mê với nghề đến sự đồng cảm của hai trái tim, họ đến với nhau cả trong duyên đời và duyên nghề, hỗ trợ, cộng hưởng cùng nhau sống trọn cho nghệ thuật tri ân. Nhà điêu khắc Tô Sanh nhận thấy ở hai người học trò đặc biệt này có mối lương duyên lớn nên đã tận tâm, tận lực truyền nghề. Và đến hôm nay, giới điêu khắc ở Thành phố mang tên Bác đều nhận định, Nguyễn Sang-Kim Thanh chính là “truyền nhân” xứng đáng của điêu khắc gia Tô Sanh. Dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng tài năng và những cống hiến cho nghệ thuật điêu khắc, nhất là mảng đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng của vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Sang-Kim Thanh là rất cao quý và đáng trân trọng.

“Chúng tôi may mắn và hạnh phúc được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần. Nhờ đó, khi tạc tượng ông, chúng tôi nắm bắt được thần thái, cố gắng thể hiện tốt nhất tầm vóc, nhân cách của ông bằng ngôn ngữ điêu khắc” (Nghệ sĩ Nguyễn Sang).

Với Nguyễn Sang-Kim Thanh, hành trình tạc tượng tri ân là quá trình sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc và nhiệt huyết. Thế nên vợ chồng nghệ sĩ vô cùng hạnh phúc khi được gặp trực tiếp nhân vật. Ở đó, trong quá trình tâm tư, trò chuyện, giao lưu, người nghệ sĩ sẽ nắm bắt những khoảnh khắc có “thần” nhất của nhân vật để thể hiện trọn vẹn thần thái, tầm vóc, tính cách nhân vật. Một trong những nhân vật được Nguyễn Sang-Kim Thanh bày tỏ thái độ tôn kính, hạnh phúc khi tạc tượng, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Chúng tôi may mắn và hạnh phúc được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần vào các năm: 2006, 2008, 2010. Nhờ đó, khi tạc tượng ông, chúng tôi nắm bắt được thần thái, cố gắng thể hiện tốt nhất tầm vóc, nhân cách của ông bằng ngôn ngữ điêu khắc”, nghệ sĩ Nguyễn Sang tâm sự.

Ngoài không gian trưng bày tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cặp nghệ sĩ Nguyễn Sang-Kim Thanh còn có một vườn tượng tại quận 10, TP Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là xưởng mỹ thuật của họ. Đến nay, cặp đôi nghệ sĩ đã hiến tặng, trao  hơn 500 bức tượng chân dung tặng các bảo tàng, khu trưng bày, gia đình, thân nhân Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, các tướng lĩnh... “Hai vợ chồng tôi sức khỏe yếu từ nhỏ. Nhiều lúc làm việc bị ngất xỉu. Nhưng rồi như có phép màu, chúng tôi lại khỏe để tiếp tục niềm đam mê. Nghĩa tri ân cao rộng lắm. Mình chỉ đóng góp một chút để cùng mọi người lan tỏa niềm tôn kính, tri ân đối với các bà mẹ-những người có công... ”, nghệ sĩ Kim Thanh chia sẻ.

PHAN TÙNG SƠN