Trong đó, ấn tượng là quyết định táo bạo của ông khi lệnh cho y tá cấp cứu thương binh dù không có chỉ lệnh của bác sĩ. Đó là một ngày đầu tháng 11-1967, Lê Huy Mai lúc ấy là Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 324.
“Hôm ấy, anh em trinh sát có một ngày nghỉ sau những trận đánh dốc sức trên chiến trường Đường 9-Bắc Quảng Trị. Ngồi bên hầm trú ẩn, tôi quan sát thấy một tốp máy bay AD6 tiến đến. Không quần lượn, chúng cắt bom đánh vào vị trí trú quân của một đơn vị thuộc Tiểu đoàn 2, cách đại đội trinh sát chừng 1km. Ngay sau đó, một chiếc AD6 bất ngờ “choảng” bom về hướng chúng tôi. Ở cự ly rất gần, tôi bị văng xuống cửa hầm, toàn thân đau điếng. Tôi cố trồi lên khỏi hầm, tự kiểm tra thân thể rồi hô gọi hỏi mọi người. Phát hiện hầm anh Quyến, Phó đại đội trưởng bị trúng bom, tôi lao đến, y tá Ánh cũng vừa tới. Mặc máu mũi và máu tai chảy, tôi huy động anh em đến hỗ trợ, cấp cứu thương binh. Khi tìm thấy anh Quyến từ trong lòng đất ra, tim anh dường như đã ngừng đập nhưng cơ thể còn mềm, nóng ấm. Y tá Ánh liên tục ấn tim, hô hấp nhân tạo. Anh Quyến không có dấu hiệu tỉnh lại. Tôi lo lắng ra lệnh chuyển anh về bệnh xá trung đoàn, nhưng y tá Ánh lắc đầu nói không kịp. Sốt ruột, tôi hỏi gấp có cách khác không. Y tá Ánh ấp úng: “Chỉ còn cách duy nhất là tiêm thuốc trợ tim trực tiếp. Nhưng chỉ có bác sĩ mới được phép thực hiện, em là y tá không được phép!”.
- Nếu không làm cách ấy, mấy phút nữa vô phương cứu chữa. Cậu làm đi. Tôi quyết, tôi chịu trách nhiệm!
Y tá Ánh làm công tác chuẩn bị nhanh, anh cắm thẳng cây kim vào ngực trái Phó đại đội trưởng Nguyễn Văn Quyến. Hy vọng mong manh, tôi ứa nước mắt, xung quanh mọi người lặng thinh ngậm ngùi ngỡ rằng phải chia tay anh. Thật không ngờ, khoảng một phút sau, anh Quyến động đậy chân tay và từ từ mở mắt. Y tá Ánh reo lên mừng rỡ, mọi người phấn khởi ôm chầm lấy nhau. Lúc này mới vội đưa thương binh về bệnh xá trung đoàn. Anh Quyến sau đó ra Bắc an dưỡng, còn y tá Ánh được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng Ba”.
Kể xong câu chuyện, Thiếu tướng Lê Huy Mai không khỏi bồi hồi. Ông cho biết, năm 1968, y tá Ánh chuyển về trung đoàn công tác, rồi được ra Hà Nội học bác sĩ và bặt tin từ đấy. Ông hy vọng y tá Ánh nếu đọc được bài viết này, liên hệ để anh em gặp lại nhau sau 50 năm xa cách!
TUẤN TÚ