Chuyến đi nhiều cảm xúc nhưng điều mà mọi người nhớ nhất là khi Đại tướng đến thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ. Ông cắm hương xong, bên cạnh có một cán bộ đã đánh rơi một nén nhang xuống đất mà vô tình không để ý. Đại tướng tiến lại và cúi xuống nhặt nén hương lên rồi cắm vào lư hương chung đang nghi ngút khói.
Cử chỉ nhỏ ấy đã truyền đi một thông điệp nhân văn cao cả. Đối với Đại tướng, người chiến sĩ nào cũng đáng quý. Người còn sống với vinh quang hôm nay rất đáng kính trọng, người nằm xuống, thậm chí vĩnh viễn không trở về, lại càng phải tôn vinh và thương tiếc đời đời. Cả nắm hương thắp cháy trên lư hương cũng như nén hương rơi, đều chung một ý nghĩa thắp lên để tưởng nhớ người đã khuất, phải được tôn trọng như nhau. Nén hương rơi đó, nếu không được Đại tướng nhặt lên và cắm vào lư hương, chắc sẽ bị lãng quên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ (tháng 4-2004). Ảnh chụp lại
Cũng với tình cảm sâu nặng và tâm hồn nhạy cảm như thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký của mình: “Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết tên mình, và mình cũng chưa kịp biết là đang ở đơn vị nào. Tiểu đoàn 23 đánh địch phản kích trên Sân bay Mường Thanh, đã ghi công đầu cho người chiến sĩ cắm lá cờ làm chuẩn cho pháo bắn chi viện giữa lúc địch tiến công dữ dội nhất, nhưng không một ai biết tên anh, cũng như anh ở đâu, còn hay mất? Chàng trai Phù Đổng từ thời xa xưa sau khi đánh thắng giặc Ân đã cưỡi ngựa về trời…
Anh Bộ đội Cụ Hồ ra trận thời đó, từ bưng biền Nam Bộ, núi rừng Tây Nguyên, đèo mây Tây Bắc, đến những miền đất lạ Lào, Cam-pu-chia… chỉ có một ý nghĩ vô cùng trong sáng: Phải góp phần cùng đồng đội, đồng bào, bạn bè có chung số phận giành lại độc lập, tự do.
Dân tộc ta đã phải trả giá hơn một thế hệ những người con ưu tú nhất để xóa đi một vết nhơ của loài người là chủ nghĩa thực dân”.
Nhắc về người anh, người thầy, vị Tổng tư lệnh kiệt xuất, Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không quên mỗi lần đi công tác địa phương, việc đầu tiên Đại tướng làm là tới thắp hương nghĩa trang liệt sĩ. “Mỗi lần tới thăm chiến sĩ đã hy sinh, Đại tướng đều không cầm được nước mắt”, Đại tá Nguyễn Huyên từng kể. Trong trận đánh Quảng Trị, sau khi ra lệnh tiến công, đêm nằm Đại tướng đã khóc vì biết bộ đội khó tránh khỏi thương vong, mất mát nhưng vì đại cục không thể không hạ lệnh.
Dành thời gian thăm hỏi gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Đại tướng cũng rất chu đáo, quan tâm tới nơi yên nghỉ của chiến sĩ đã khuất. Ông luôn căn dặn cán bộ địa phương chú ý chỉnh trang, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ.
Nhiều lần theo cha thăm lại chiến trường xưa, anh Võ Điện Biên nhận thấy sự day dứt khôn nguôi của Đại tướng khi đứng trước những ngôi mộ không tên. “Bình thường mọi người vẫn ghi mộ đó là liệt sĩ vô danh. Ông bảo nên thay là “chưa tìm được tên” bởi những người đó đều có danh cả”, anh Biên chia sẻ. Thông tấn xã Việt Nam xin phép ra cuốn sách ảnh về Đại tướng, ông đáp: “Còn bao nhiêu chiến sĩ không có hình ảnh, thậm chí cả cái tên cũng chưa tìm ra”.
Đại tướng là vị chỉ huy rơi nhiều nước mắt trước những hy sinh của các chiến sĩ, thương tiếc từng giọt máu mà bộ đội ta đổ xuống nơi chiến trường. Sau này, khi nghe báo cáo về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông đã ngồi lặng đi, mắt nhòa lệ rồi nghẹn ngào thốt lên: “Thương các đồng chí ấy quá!”. Tình cảm ấy làm lay động lòng người, khiến cho Đại tướng càng trở nên bất tử trong trái tim quân và dân ta.
PHI LONG - SƠN THUYÊN