Tôi may mắn nhiều lần được cùng Trung tướng Nguyễn Châu Thanh đi kiểm tra công tác kỹ thuật các đơn vị phía Nam. Tiếp xúc với ông, điều dễ nhận thấy là tác phong giản dị, gần gũi, hòa đồng. Trong công việc, ông rất nghiêm khắc, sâu sát, kiểm tra tỉ mỉ và chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót liên quan đến bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tôi còn nhớ lần Trung tướng Nguyễn Châu Thanh cùng đoàn cán bộ TCKT kiểm tra các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có Ban quản lý Dự án 45 và Trường Sĩ quan Lục quân 2. Tại Ban quản lý Dự án 45, ông thị sát, đánh giá chất lượng các gói thầu thi công khu công nghiệp quốc phòng; tận tay kiểm tra chất lượng xây dựng và vật liệu thi công chứ không chỉ nghe báo cáo của chỉ huy đơn vị. Ông nhắc nhở trực tiếp và chỉ ra những thiếu sót trong công tác an toàn, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Mặc dù nghiêm khắc nhưng ông rất cảm thông với đơn vị thi công do thời tiết mưa nắng thất thường nên đã ân cần động viên anh em, lưu ý chỉ huy đơn vị phải quan tâm, chăm lo đời sống cho đội ngũ lao động trực tiếp và có chế độ đãi ngộ phù hợp dành cho họ.

Khi kiểm tra công tác kỹ thuật tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trung tướng Nguyễn Châu Thanh tìm hiểu kỹ về chế độ bảo quản vũ khí trang bị và những sáng kiến của nhà trường trong việc thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (Cuộc vận động 50). Ông đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đào tạo sĩ quan cấp phân đội có kỹ năng về công tác kỹ thuật để chỉ huy bộ đội bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị tại đơn vị. Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật Trường Sĩ quan Lục quân 2 tâm sự: “Đưa anh Thanh đi kiểm tra các kho của đơn vị, tôi được nghe anh căn dặn: Trong, ngoài kho phải luôn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Canh gác là một chuyện, nhưng phải xây dựng được “thế trận lòng dân”, dựa vào dân để giữ gìn kho, xưởng. Con người và VKTBKT là hai yếu tố cốt lõi, con người phải biết khai thác, quản lý, phát huy tốt VKTBKT. Đối với nhà trường, ngoài đào tạo chuyên môn cho sĩ quan tương lai, phải dạy cho học viên biết cách tổ chức, quản lý, giữ gìn VKTBKT, biết làm tốt công tác dân vận để xây thế vững cho đơn vị”.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Châu Thanh (bên trái) và các đồng đội.

Trước khi ông nghỉ hưu, tôi được đi cùng ông trong chuyến hành quân về nguồn của cán bộ, chiến sĩ TCKT tại huyện Tân Phú (Đồng Nai). Ông tâm sự rằng, đây là chuyến đi rất đáng nhớ, thăm hỏi bà con vùng căn cứ kháng chiến, củng cố mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương nơi các đơn vị TCKT đóng quân. Đi đến đâu ông cũng thể hiện tác phong giản dị, nghĩa tình, gần gũi với người dân, nhất là với người có công. Mặc dù thời tiết Nam Bộ nắng nóng, các đồng chí ở cơ quan chính trị, tham mưu có ý định tìm chỗ nghỉ ngơi phù hợp cho thủ trưởng, nhưng ông nói không cần thiết. Ông nghỉ ngay tại phòng của cán bộ cơ quan quân sự huyện, cùng ăn, ở với bộ đội và trò chuyện vui vẻ với cán bộ, chiến sĩ. Cuối giờ làm việc, ông cùng cán bộ địa phương đến thăm gia đình chính sách, trong đó có cụ Nguyễn Công Chảo, từng là lái xe của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông ân cần thăm hỏi sức khỏe, điều kiện sống, sinh hoạt thường ngày của gia đình cụ Chảo. Biết gia cảnh cụ khó khăn, căn nhà cụ đang ở đã xuống cấp, Trung tướng Nguyễn Châu Thanh đã trao đổi với địa phương, rồi về bàn bạc, thống nhất trong lãnh đạo TCKT. Ít lâu sau, gia đình cụ Nguyễn Công Chảo đã được TCKT xây tặng căn nhà tình nghĩa khang trang, đẹp đẽ. Đại tá Hoàng Ngọc Điền, Chính trị viên Kho KT580 (Cục Kỹ thuật Binh chủng, TCKT) chia sẻ: “Thủ trưởng Thanh rất quan tâm đến công tác dân vận. Ông thường cùng các đồng chí lãnh đạo TCKT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phải làm tốt công tác dân vận trên địa bàn, tăng cường mối quan hệ gắn bó với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và chăm lo chu đáo gia đình chính sách, người có công. Đây cũng là một trong những biện pháp để bảo đảm an toàn cho hệ thống kho, xưởng, đồng thời thiết thực cùng địa phương bảo đảm an sinh xã hội”.

Sinh ra trong thời chiến tranh, Nguyễn Châu Thanh nối gót người cha theo con đường binh nghiệp và trở thành vị tướng, từng đứng đầu ngành kỹ thuật quân đội. Trong đời sống thường ngày, ông khá kiệm lời nhưng hòa đồng và luôn quan tâm đến những người xung quanh. Ông có một người chị là Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE). Từ nhỏ, hai chị em đã thừa hưởng đức tính tự lập, sáng tạo, quyết đoán của cha mẹ. Lớn lên, mỗi người một công việc, một lĩnh vực khác nhau. Bà Mai Thanh cũng từng có thời gian làm công tác quân y tại Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Ý chí và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần làm nên một nữ doanh nhân thành đạt. Năm 2014, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã vinh dự được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Hai chị em, một người là trung tướng của Quân đội ta, một người là “nữ tướng” đứng đầu một doanh nghiệp, nhưng tình cảm chị em luôn thương yêu, gắn bó và đều là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Bài và ảnh: YẾN LONG