Buổi sáng kinh hoàng

Tiền thân của Bệnh xá C33 là ĐT6 từ Hà Nội vào Quân khu 5, tăng cường cho Sư đoàn 2. Sau khi phục vụ các trận đánh ở Quảng Ngãi, Bệnh xá C33 được bổ sung lực lượng và đứng chân ở Tân Thuận, nhận thương binh ở các chiến trường về điều trị. Ban chỉ huy và bác sĩ, y sĩ chủ yếu từ miền Bắc vào. Bệnh xá đứng chân trên một ngọn đồi hẻo lánh, cây cối um tùm, lán trại lợp bằng lá tranh săn. Tuy dã chiến nhưng bệnh xá khá quy củ, có sức thu dung cả trăm người. Bác sĩ Nguyễn Công Vị làm Đội trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Được làm Chính trị viên. Vài tháng sau khi đi vào hoạt động thì một biến cố xảy ra.

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọc Dậu, quê Quảng Nam, nguyên nhân viên dược của Bệnh xá C33 kể: “Sáng 2-8-1966, chúng tôi có buổi tập huấn. Khoảng 8 giờ, mọi người tập trung tại hội trường nghe Ban chỉ huy lên lớp. Tôi đáng lẽ cũng đã vào trong nhưng anh Quyền gọi giật lại phía nhà bếp: “Mày vô đây, anh cho mấy miếng cơm cháy”. Đúng lúc đó, mấy chiếc máy bay của Mỹ vút qua. Ông Được hô to: “Các đồng chí chú ý, phản lực lên!”. Ông vừa dứt lời thì loạt bom B-57 ầm ầm đổ xuống. Im tiếng nổ, tôi chạy vào thì thấy cảnh đau thương kinh hoàng trước mắt. Chính trị viên Được đùi bị đứt ngang. Bác sĩ Châu gục trên ghế, mảnh bom găm vào tim. Đội trưởng Vị bị thương nặng, anh Đức đứt ruột, 5 cô bạn y tá của tôi nằm bất động. Thương binh cũng bị sập hầm, dính bom. 52 người hy sinh tại chỗ…”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh quân y Sư đoàn 2 thắp hương nơi đồng đội hy sinh năm 1966. Ảnh: BÍCH DIỆP

Cựu chiến binh Khiếu Tiến, quê Thái Bình, hiện trong Ban liên lạc Cựu quân y Sư đoàn 2 cánh Bắc kể: “Tôi làm tài vụ của bệnh xá, hôm ấy ở vòng ngoài đón tiếp anh chị em nên vì thế mà sống sót. Không biết địch đánh hơi bằng cách nào mà sáng hôm ấy oanh tạc dữ dội, gây thiệt hại lớn cho đơn vị. Chúng tôi an táng tất cả liệt sĩ trên đồi, dựng tấm bia bằng gỗ, một số có tên bỏ vào trong lọ penicilin. Sau giải phóng, khu mộ được đưa vào nghĩa trang, tên tuổi vẫn còn. Nhưng khi xã dời hài cốt một lần nữa, đưa vào nghĩa trang lớn, thì gần như mất hết danh tính. Số liệt sĩ có tên còn rất ít, may mắn có anh Được, sau này gia đình đã đưa về quê hương”.

Cũng theo các cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọc Dậu, Khiếu Tiến, 10 năm qua, cứ hai năm một lần, Ban liên lạc Cựu quân y Sư đoàn 2 lại tổ chức gặp mặt ngoài Bắc hoặc trong Nam. Ai cũng mong có một bia tưởng niệm ở Hiệp Thuận, tuy nhiên, do điều kiện chung mà nguyện ước ấy chưa thực hiện được.

Không còn vô danh

Cựu chiến binh Trần Thanh Hạ, Trưởng ban liên lạc, là người đau đáu với đồng đội đã hy sinh ngày đó, dù thời điểm ấy ông không có mặt. Nói chuyện với đồng đội, mọi người đều bảo: “Hạ phải trực tiếp làm thôi, không ai khác đâu”. Vậy là với sự trợ giúp đắc lực của vợ là cựu chiến binh Nguyễn Thị Bích Diệp, ông Hạ bắt tay vào hành trình xây bia ghi danh, tưởng niệm liệt sĩ. Ông cùng Ban liên lạc viết thư ngỏ gửi cho hơn 80 đơn vị và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nơi xa qua bưu điện, nơi gần trực tiếp đến gửi. Tuổi 77, mắt đã kém, vậy mà lúc xe máy, khi lái ô tô, ông Hạ rong ruổi khắp nơi, có ngày đi hàng trăm cây số. Tin vui tới tấp ùa về. Nhiều cựu quân nhân sẵn sàng đóng góp cả chục triệu đồng như ông Phạm Minh Tạo, bà Trương Thị Một... Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Diên lương hưu chỉ 2 triệu đồng/tháng, vẫn thêm vào để ủng hộ 2,5 triệu đồng. Với Bộ tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Hiệp Đức, Ban liên lạc có nhiều buổi làm việc và nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ hỗ trợ kinh phí đến thủ tục pháp lý. Đến nay, tổng số tiền các địa phương, đơn vị và cựu quân nhân Sư đoàn 2 ủng hộ xây dựng bia đã lên đến 330 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh xã Hiệp Thuận coi việc của Sư đoàn 2 như việc của mình. Ông Đặng Đông-hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hiệp Thuận tự nguyện hiến đất, chặt hết vườn keo của gia đình rộng 300m2 (ngay dưới chân đồi năm xưa) để xây bia tưởng niệm. Khởi công từ ngày 16-5, với kiến trúc đẹp và trang trọng, Ban liên lạc Cựu Quân y Sư đoàn 2 dự định sẽ hoàn thành công trình vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ  (27-7-1947 / 27-7-2020).

HỒNG VÂN