Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là một trong những trường đại học có cán bộ và sinh viên nhập ngũ nhiều nhất. Từ năm 1956 đến 1995, đã có hơn 2.000 cán bộ và sinh viên của nhà trường nhập ngũ. Năm 1964, thầy Ca Lê Hiến, giảng viên bộ môn Sử thế giới (Khoa Lịch sử), đã từ chối đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh, thiết tha xin được vào chiến trường, trở về giải phóng quê hương. Thầy cùng đoàn công tác phải đi bộ ròng rã 3 tháng, bí mật vượt Trường Sơn. Vì bảo mật, thầy dùng bí danh và đó cũng là bút danh của phóng viên mặt trận, đồng thời là bút danh thơ: Lê Anh Xuân. Thầy Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân là một trong những người ra trận sớm nhất. Thầy hy sinh năm 1968. Cùng lên đường vào Nam năm ấy còn có thầy Trần Tiến, giảng viên trẻ của Khoa Văn. Thầy Trần Tiến, bút danh Chu Cẩm Phong, hy sinh trong trận đánh quyết tử năm 1971. Thầy đã trở thành nhà văn đầu tiên trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nối theo bước chân anh hùng Chu Cẩm Phong là những đoàn phóng viên mặt trận xuất quân lặng lẽ từ nhiều khoa của nhà trường.

leftcenterrightdel
Sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong buổi lễ xuất quân năm 1971. Ảnh tư liệu    

Từ năm 1969, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tiếp tục chi viện cho chiến trường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ. Những năm 1969-1970, quân số lên đường vẫn còn phải hạn chế. Đến tháng 9-1971, khi có lệnh tổng động viên, hầu hết những sinh viên của nhà trường có đủ sức khỏe đều tham gia quân đội. Sau buổi lễ xuất quân ngày 6-9-1971, các giảng đường, phòng học trong trường gần như trống vắng, nhiều dãy bàn ghế không có người ngồi. Chiến trường miền Nam đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Tổ quốc phải huy động một lực lượng lớn để tham gia, chấp nhận đơn tình nguyện của những chàng trai chưa đủ tuổi. Sân bóng đá Thượng Đình trở thành điểm hẹn làm lễ xuất quân. Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí mọi người vẫn sống động hình ảnh của buổi lễ ra quân ngày 6-9: Giáo sư, Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum đọc diễn văn tiễn học trò vào chiến trường. Cả tiểu đoàn tân binh xúc động, bởi thầy hiệu trưởng chính là một nghiên cứu sinh Toán-Lý của Đại học Sorbonne, đã từ bỏ sự nghiệp học hành trên đất Pháp để về nước tham gia cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Lá cờ thầy trao cho thế hệ sinh viên hôm đó như là lá cờ Tổ quốc giao phó cho người ra trận để cắm lên đồn thù... Trong số 400 sinh viên “gác bút nghiên” lên đường khi ấy có Nguyễn Văn Thạc, chàng sinh viên Khoa Toán (nay là Khoa Toán-Cơ-Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), chiến sĩ thông tin của Sư đoàn 325, đã hy sinh anh dũng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, để lại nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” bất tử.

Từ sau đợt nhập ngũ ngày 6-9-1971, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội còn bổ sung cho quân đội hàng nghìn cán bộ, sinh viên, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế... Cho đến nay, chưa thể thống kê đầy đủ danh sách liệt sĩ của nhà trường, vì sinh viên ra trận có trường hợp hy sinh nhưng không được báo tử về trường mà báo về địa phương, về gia đình. Vì vậy, rất nhiều thầy giáo, cô giáo và các bạn đồng khoa 50 năm qua vẫn chưa biết hết học trò, bè bạn của mình ra đi ngày ấy, đến hôm nay ai mất, ai còn.

leftcenterrightdel
Tượng đài chiến sĩ - sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: HƯNG THÀNH 

Nay tên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đổi. Khán đài làm lễ xuất quân năm xưa không còn dấu vết. Chủ trương xây tượng đài chiến sĩ-sinh viên đã được bàn bạc chu đáo và khi được cấp có thẩm quyền cho phép, lãnh đạo hai Trường: Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các cựu chiến binh từng là sinh viên nhà trường thống nhất mẫu và phương án xây dựng tượng đài. Tượng đài chiến sĩ-sinh viên được làm theo hình thức đài kỷ niệm có dòng chữ “Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường”, được đúc bằng đồng nguyên khối; cấu trúc phần tượng chiếm tỷ lệ không gian nhỏ, nhường cho phần “đài”. Đó là hình ảnh biểu tượng cuốn giáo trình mở ngỏ và cây bút vươn cao, có ngọn lửa trên đầu ngọn bút. Tượng đài sẽ thành một đài hoa và chỉ là nơi dâng hoa tưởng nhớ.

Chỉ sau thời gian ngắn thông báo kêu gọi “mỗi người góp một giọt đồng cho đài kỷ niệm”, các cựu chiến binh, bạn bè, đồng đội, các gia đình liệt sĩ, quân nhân đã tích cực ủng hộ. Có mẹ liệt sĩ biết tin xây đài ở ngôi trường con mình năm xưa ra đi đã gửi cả số tiền một tháng trợ cấp mẹ liệt sĩ. Mẹ bảo: “Mẹ gửi cho thằng Được và bạn bè dưới đó chúng nó vui”. Sau hai tuần kêu gọi quyên góp, số tiền trong tài khoản đã lên đến 1,2 tỷ đồng, gấp đôi kinh phí dự trù. Ban vận động quyên góp phải ra thông báo khóa tài khoản, dừng đóng góp.

Đài kỷ niệm đã được khánh thành nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2021), được xây bằng tình cảm tri ân và nỗi nhớ thương đồng đội. Đài kỷ niệm là dấu ấn về một ngôi trường đại học của những người lính anh hùng. 

 “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá... Trong quân ngũ, mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa”                   (trích nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc).

 

MẠC YÊN