Đại tá, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh là người thầy, người anh tôi luôn kính trọng cả về cách sống đời thường và tư cách người cầm bút. Ông là người sống chí tình, chí nghĩa với công việc, bạn bè, đồng nghiệp, song lại không có được may mắn trong trường đời. Tác phẩm ông để lại không nhiều (3 tập thơ, 2 tiểu thuyết, 1 ký sự ), là tất cả phần đời tuổi trẻ ông đã hy sinh hạnh phúc gia đình, lăn lộn nơi chiến trường ác liệt để cho ra những “đứa con tinh thần”.

Nguyễn Trọng Oánh vốn là người ít nói, sống chậm, sống lặng lẽ như một người tu hành. Thế nên những ai lần đầu gặp ông đều cảm giác ông là một người khó tính, khó gần, song thực tế lại không như vậy. Hiếm khi thấy ông bộc lộ tình cảm một cách lộ liễu thái quá. Gần ông, làm việc với ông, ta mới thấy dễ thông cảm và tin cậy. Ông là mẫu người của sự cần cù, chịu khó, một thái độ lao động nhà văn nghiêm túc. Chả thế mà ngày 30-4-1975, khi vào tiếp quản Sài Gòn, ông tìm một chỗ vắng vẻ ngồi lỳ trong phòng suốt hơn nửa tháng trời, hoàn thành hơn 200 trang bản thảo cuốn ký sự “Nhật ký chiến dịch” để kịp ra mắt công chúng trong vùng mới giải phóng.

Năm 1967, với quân hàm đại úy, từ cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở Hà Nội, ông khoác ba lô đi chiến trường. Ông vào Tây Nguyên, đến miền Đông Nam Bộ rồi thay nhà văn Nguyễn Thi (hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968) làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Gần 10 năm ở chiến trường, kết thúc chiến tranh, ông trở về ngôi nhà số 4-Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1980, ông được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm (nay là Phó tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngồi ghế lãnh đạo chưa được bao lâu, năm 1984, ông xin chuyển sang bộ phận sáng tác của tạp chí để có thời gian sáng tác...

Đầu năm 1971, tôi là nhân viên Phòng Tuyên huấn của một cơ quan Cục Hậu cần Miền (B2). Ở chiến trường bom đạn ác liệt, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, song công tác tuyên truyền, động viên tinh thần bộ đội vẫn luôn được chú trọng. Cục Hậu cần Miền có riêng một tờ báo in chữ chì, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, trình bày đẹp, nội dung khá phong phú. Báo có 8 trang thì dành 2 trang để in văn thơ, những gương người tốt, việc tốt. Cũng năm đó, tôi được gọi đi dự trại viết văn để sau này phục vụ việc làm báo cho đơn vị. Những ngày ở trại viết, chúng tôi được nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (bút danh Nguyễn Thành Vân) truyền đạt kinh nghiệm đi thực tế, lấy tài liệu, bố cục, xây dựng hình tượng nhân vật bài viết. Bằng cách trao đổi nhẹ nhàng, chân tình, dễ tiếp thu, ông đã đem đến cho chúng tôi-những người mới chập chững cầm bút, công việc “bếp núc” của nghề viết.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (ngồi hàng đầu, ngoài cùng bên phải) với các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh tư liệu

Có thể nói, tất cả những gì gọi là vốn liếng, kinh nghiệm tích lũy được trong những năm cầm bút ông đều dành cho chúng tôi. Ông bảo, người viết muốn có tác phẩm tốt, đi được xa, trước tiên phải sống chân thực, hết mình vì công việc, vì mọi người; phải lao động nghiêm túc và thực sự cầu thị. Bản thảo chúng tôi viết ra trước khi đưa ông thẩm định, phải trao cho nhau đọc, viết ý kiến ra giấy để rồi so sánh với nhận xét, đánh giá của ông. Bằng phương pháp này, ông đã hướng dẫn chúng tôi cách nhận biết về chất lượng một bút ký, truyện ngắn hoặc bài thơ, trên cơ sở đó rút ra bài học cho riêng mình.

Cùng với đó, ông rất cẩn trọng khi đọc và nhận xét bài viết, chỉ rõ điểm yếu và mạnh của từng người. Bởi vì theo ông, nếu đánh giá thiếu chính xác có thể ảnh hưởng đến cả quãng đời cầm bút của họ. Cũng qua những bài viết đó, ông phát hiện ra sở trường, sở đoản của từng người và có lời khuyên chân tình nên hay không nên theo đuổi nghề viết văn. Ông bảo, một bài báo hay có tác dụng tích cực gấp mấy lần một truyện ngắn dở, người viết phải luôn đặt chất lượng bài viết lên hàng đầu.

Mùa mưa năm 1971, đường vận chuyển từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường luôn bị những trận lũ cắt đứt. Lương thực, thực phẩm khan hiếm, tuy được hưởng chế độ ưu tiên nhưng các trại viên hai ngày mới được ăn một bữa cơm, còn thì ăn ngô bung dài dài. Và rồi, khó khăn dần lùi về phía sau, với sự tận tình của thầy Oánh và sự cố gắng hết mình của 15 cây bút nghiệp dư, trại viết đã kết thúc thành công ngoài dự kiến. Một số truyện ngắn, bút ký, bài thơ được thầy Oánh đem về in trên một số tạp chí.

Năm 1977, tôi được Tổng cục Chính trị gọi về Hà Nội để đi học lớp viết văn Nguyễn Du (khóa 1). Tôi và anh Nguyễn Ngọc Mộc đến nhà riêng thăm ông. Lúc này, ông được phân một căn hộ gần 40m2 ở khu tập thể Kim Giang. Căn nhà có hai phòng, không quạt trần, không có bộ bàn ghế tiếp khách. Nhìn quanh chỉ thấy một chiếc tủ quần áo, một chiếc giường đôi loại gỗ thường bán theo phân phối cho cán bộ. Tối hôm đó, 3 thầy trò nằm ngang trên chiếc giường rộng 1,4m và dường như không ai ngủ được vì chân cứ thò ra ngoài...

Lần cuối cùng tôi đến thăm ông là vào đầu năm 1993. Bấy giờ, gia đình ông đã chuyển về ở căn nhà rộng hơn ở khu Đồng Xa (Mai Dịch). Khi đó, căn bệnh xuất huyết não tái phát làm trí nhớ ông suy giảm và nói năng rất khó khăn. Ông Oánh của hôm nay là con người hoàn toàn khác với một Nguyễn Thành Vân ở chiến trường, hăng hái, xông xáo và hóm hỉnh. Tôi biết ông đang tiến gần tới nấc thang cuối cùng của cuộc đời. Và ngày 24-12-1993, ông rời cõi tạm về cõi người hiền. Điều đó đồng nghĩa việc ông vĩnh viễn chia tay với khối tư liệu chiến trường rất phong phú và dự định viết tiếp những cuốn sách về mặt trận miền Đông Nam Bộ như đã có lần thổ lộ với chúng tôi. Người thầy ấy không còn nữa, nhưng với chúng tôi, những nhà văn quân đội trưởng thành từ trong bom đạn chiến trường ác liệt như: Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng, Văn Lê, Hào Vũ, Hoàng Đình Quang, Thái Vượng, Mai Quỳnh Nam... luôn biết ơn, vì ông là người đã có công phát hiện, dìu dắt trên con đường sáng tác văn học.  

LÊ VĂN VỌNG