Đồng chí Nguyễn Công Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phúc Sơn giới thiệu với chúng tôi: Nằm ở trung tâm huyện Anh Sơn, xã Phúc Sơn trước đây là làng Yên Phúc. Từ những năm 1925-1929, nhân dân Yên Phúc đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Ngày 18-9-1930, đồng chí Nguyễn Văn Tần (tức Vi), Bí thư Phủ ủy Anh Sơn trực tiếp chỉ đạo và triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ Đảng tại làng Yên Phúc, lấy tên là “Chi bộ Kiệt”, gồm 8 đảng viên. Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh ở địa phương. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, nhân dân làng Yên Phúc đã vùng lên đấu tranh, lập chính quyền Xô viết. Làng thành lập Đội Tự vệ đỏ, do cụ Nguyễn Văn Uy làm Đội trưởng, để bảo vệ chính quyền cách mạng, hỗ trợ nhân dân lao động, sản xuất và tổ chức quần chúng đấu tranh, trấn áp cường hào, phản động...

Cuối năm 1930, thực dân Pháp khủng bố đẫm máu ở các địa phương Xô viết Nghệ Tĩnh, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định chuyển vùng trung tâm đấu tranh lên miền Tây Nghệ An, trong đó có khu vực Anh Sơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, cùng với cả nước và tỉnh Nghệ An, tháng 8-1945, làng Yên Phúc giành được chính quyền. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Phúc Sơn có gần 1.000 người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; hơn 800 thanh niên nhập ngũ chiến đấu trên các chiến trường, 185 liệt sĩ, 466 thương binh, bệnh binh. Toàn xã có 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2004, xã Phúc Sơn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...”.

leftcenterrightdel
 Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc năm 1930-1931. Ảnh: LÊ ANH

Đến tham quan đình Yên Phúc, chúng tôi được nghe kể về những sự kiện diễn ra ở đây. Đó là trong cuộc họp chi bộ tại đình làng vào tháng 9-1930, chi bộ thống nhất chủ trương thành lập Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc. Quân số ban đầu của Đội gồm 60 người, được lựa chọn từ những người khỏe mạnh, giỏi võ, có tinh thần, ý chí chiến đấu cao, dũng cảm. Các đội viên Tự vệ đỏ hằng ngày ngoài việc thay nhau canh gác, đi vận động nhân dân còn tổ chức luyện tập quân sự, luyện võ, tự rèn vũ khí... Được nhân dân ủng hộ và giúp sức nên Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc hoạt động rất hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ nhân dân tịch thu ruộng đất, lấy thóc gạo của địa chủ chia cho người nghèo, Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc còn bắt giữ, cảnh cáo nhiều cường hào, địa chủ, tay sai như: Phó tổng Lê Văn Trì; Lý trưởng Hà Văn Bân, Nguyễn Văn Liêm, Trần Ủ; Hương hào Trần Đàng; Hương kiểm Trần Tiêu, Lê Toàn cùng nhiều bang tá khác. Sau đó, Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc đã phục kích tiêu diệt tên Đồn trưởng người Pháp Pierre ở đồn Dừa...

Chúng tôi tìm về xóm 3, xã Phúc Sơn, bên bát nước chè xanh xứ Nghệ, những ký ức về người Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc năm nào được tái hiện rõ nét qua lời kể của ông Nguyễn Văn Anh, cháu nội cụ Nguyễn Văn Uy. “Cụ Uy sinh ra trong một gia đình bần nông nhưng sớm được giác ngộ cách mạng. Cụ tham gia hoạt động trong tổ chức Nông hội đỏ từ năm 1927. Năm 1930, cụ được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9-1930, cụ được Chi bộ Đảng giao nhiệm vụ thành lập và làm Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc. Cuối năm 1931, cụ bị thực dân Pháp bắt cùng với 8 đồng chí trong Đội Tự vệ đỏ, bị giam giữ ở Nhà lao Vinh, sau đó chuyển vào Nhà tù Kon Tum với án khổ sai chung thân.

Trong tù, dù bị địch tra tấn dã man, tàn bạo nhưng cụ vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng, đội viên Tự vệ đỏ. Năm 1945, cụ trở về địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và được giao làm Chủ tịch Việt Minh xã Kim Long. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ Uy là một trong những người đi đầu trong khai hoang sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, vận động lập các tổ đổi công, hợp tác xã... Ở bất cứ cương vị nào, giao công việc gì, cụ Uy cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu, là tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo. Tháng 6-1957, trong lần đầu tiên về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nghe câu chuyện và tấm gương của cụ Nguyễn Văn Uy, Người quyết định nhờ Tỉnh ủy Nghệ An trao tặng cụ Uy chiếc áo lụa-món quà do Hội mẹ chiến sĩ Liên hiệp Phụ nữ Hoa và Việt thị xã Lạng Sơn gửi biếu Bác. Năm 1968, trước khi mất, cụ Nguyễn Văn Uy đã quyết định hiến tặng chiếc áo lụa cho Bảo tàng Quân khu 4 lưu giữ, trưng bày”, ông Nguyễn Văn Anh kể.

NGUYỄN HỮU HOÀNH