Trong căn nhà bên đường Thanh Vỵ, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), ông kể cho chúng tôi nghe về trận đánh kiên cường ngày 5-8-1964 ở cảng Gianh. Hồi ấy, ông là Phó thuyền trưởng Tàu T326 thuộc Phân đội 2, Tiểu đoàn 135 (nay là Hải đội 135, Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân).

Nhập ngũ tháng 2-1953, ông Nguyễn Trương được biên chế về Đại đội 78, Tiểu đoàn Phòng không 387 thuộc Đại đoàn 308, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến năm 1955, ông là một trong số 100 cán bộ được Quân đội cử sang Trung Quốc đào tạo nghiệp vụ hải quân. Sau một năm học tập, ông về nước, biên chế về Đại đội 3, thuộc Cục Phòng thủ bờ biển. Năm 1961, ông làm Phó thuyền trưởng Tàu T326. Thời điểm ấy, các tàu của Phân đội 2 làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho ngư dân, bảo vệ vùng biển Quảng Bình, tham gia chiến đấu, ngăn chặn các tàu chiến, tàu biệt kích của địch xâm nhập vùng biển của ta, bắt ngư dân để khai thác tin tức và tiến hành các hoạt động phá hoại.

leftcenterrightdel

 Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Trương. Ảnh: THU HOÀI

Ông Trương kể: “Khoảng 12 giờ ngày 5-8-1964, máy bay địch tấn công bất ngờ. Nghe báo động, đơn vị nhanh chóng vào vị trí. Nhận lệnh của Phân đội trưởng Phan Tương, Phân đội 2 gồm 3 tàu: T323, T326, T329 nhanh chóng triển khai đội hình, cơ động ngược lên hướng thượng nguồn để tránh máy bay địch. Quan sát, tôi thấy máy bay địch chia ra làm hai tốp, một tốp bắn phá tàu bè của ngư dân đang đậu trên biển và một tốp đeo bám nhắm bắn 3 tàu của Phân đội 2.

Máy bay địch không ngừng bay lượn vòng tròn, bổ nhào tấn công. Tàu T326 do tôi chỉ huy luồn lách, di chuyển linh hoạt, tránh được máy bay địch tấn công từ phía sau, vừa né tránh vừa tập trung đánh trả. Trong tình huống bị tấn công bất ngờ, trên cương vị là người chỉ huy, tôi liên tục trấn an đồng đội, bình tĩnh chiến đấu. Sau loạt đạn của địch, đồng chí cơ điện Nguyễn Văn Quý ngồi bên phải tôi bị thương, gục đầu xuống, máu chảy ở bên đùi phải. Thấy vậy, tôi báo đồng chí ra-đa trên tàu đưa vào trong băng bó, còn mình tiếp tục chỉ huy tàu chiến đấu quyết giữ cảng Gianh và bảo đảm an toàn cho đồng đội trên tàu”.

Trận chiến đấu kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Kết thúc trận đánh, ta bị thương hai đồng chí, gồm cơ điện Nguyễn Văn Quý và Phân đội trưởng Phan Tương, không thiệt hại về tàu. Dù bị thương, Phân đội trưởng Phan Tương vẫn chỉ huy 3 tàu rút nhanh chóng về căn cứ.

Sau trận đánh ở cảng Gianh, đồng chí Nguyễn Trương tiếp tục công tác ở Quân chủng Hải quân. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở Bãi Cháy (Quảng Ninh), làm nhiệm vụ chi viện cho bộ đội đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam... Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba (năm 1987). Đến năm 1993, Đại tá Nguyễn Trương nghỉ hưu, trở về địa phương, ông tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội.

PHƯƠNG NINH