Hầm đào sâu 1,5-2m, lộ thiên như giao thông hào, chạy ngoằn ngoèo trong các thôn, xóm. Cứ mỗi đoạn dài khoảng 20-25m lại bẻ ngoặt gấp khúc, chuyển hướng để phòng địch ném lựu đạn hoặc bắn xuống, người ở dưới hầm ít bị thương vong. Đào được đến đâu, ta lại dùng gạch, thép xây cuốn vòm đến đấy, phía trên hầm lấp kín. Ở mỗi đoạn hầm đều bố trí lỗ thông hơi kín đáo (dựa vào ven bờ ao, ven giậu). Mỗi xóm để từ 3 đến 5 cửa lên, xuống. Mỗi cửa lại chọn người gan dạ, tin cậy, có điều kiện công khai với địch để ngụy trang, xóa dấu vết cửa hầm và thông báo cho người dưới hầm biết tình hình địch. Theo đúng kế hoạch của xã, cả ba thôn hoàn thành hệ thống giao thông này với tổng chiều dài tới 13.650m. Riêng thôn Giai Lệ có 6.419m. Về sau, một số gia đình cán bộ, đảng viên, dân quân, du kích đào hầm bí mật cá nhân, làm cửa thông sang với hầm chung, hình thành một hệ thống chằng chịt, khó ước lượng một cách chính xác trong xã có bao nhiêu mét đường hầm bí mật ZTBM-địa đạo có một không hai trên địa bàn Bắc Bộ hồi đó.

Có hệ thống ZTBM, lực lượng du kích an tâm bám đất, giữ làng. Đồng thời bảo đảm an toàn cho cán bộ, bộ đội qua lại hoạt động. ZTBM đã thực sự phát huy được tác dụng lớn trong những năm chiến đấu chống Pháp ở Phan Tây Hồ. Riêng trận càn ngày 5-3-1951, địch tập trung trung đoàn Âu-Phi tổ chức trận càn “Con rồng” đánh vào Phan Tây Hồ. Cuộc chiến đấu chống càn của Đại đội 26 huyện Tiên Lữ và dân quân, du kích xã diễn ra vô cùng ác liệt suốt cả ngày. Đến hơn 5 giờ chiều, địch mới vào được Giai Lệ, thôn cuối cùng của xã lọt vào tay giặc. Lực lượng của ta từ các thôn, xóm lân cận chạy dồn đến đây đều xuống ZTBM an toàn.

Đêm hôm đó, địch đóng tại xóm Giặng, chia quân canh gác khắp các ngả đường. Có chỗ, chúng căng bạt ngủ. Có chỗ, chúng dùng ống tre đổ dầu vào cắm lên đỉnh các đống rạ đốt sáng suốt đêm, ngăn không cho bộ đội, du kích, nhân dân thoát ra khỏi làng.

Đến gần nửa đêm, anh Nguyễn Văn Chấn, người thôn Phí Xá là cán bộ thông tin của xã và một số người ở ZTBM Giai Lệ đội hầm lên, tìm đường tắt băng qua đồng về Phí Xá; đến đầu làng thì lọt vào giữa đội hình phục kích của địch. Mọi người bỏ chạy, mỗi người một ngả. Riêng anh Chấn bị địch bắt. Bị chúng đánh đau, anh phải nhận bừa là du kích, có giữ một khẩu súng, giấu ở dưới hầm nhưng không còn đạn. Chúng giữ anh lại để sáng hôm sau đưa chúng đến chỗ giấu súng.

Trời sáng dần, anh Chấn nghĩ mãi chưa tìm cách nào thoát được, đành đưa bọn chúng đến thôn Phí Xá, chỉ đại một cửa hầm:

- Đây, tôi cất súng ở đây!

- Hầm có dài không?-Một tên trong bọn chúng hỏi.

- Ngắn thôi, chừng 4-5m.

Một tên ra lệnh:

- Mày xuống, lấy súng lên đây!

Cẩn thận hơn, một tên buộc dây thừng vào cổ chân anh ròng theo.

 Đi được một đoạn, Chấn quay ra, bảo chúng, dây ngắn, chưa đến nơi được. Chúng tìm dây nối thêm và bắt anh quay lại, xuống hầm tiếp. Đến đoạn đường ngoặt đổi hướng, anh Chấn tháo dây thừng ở cổ chân, buộc vào một cọc tre chống trong hầm, lấy đất lấp luôn ngách vừa vào; rồi luồn sang ngách hầm khác. Bọn giặc ở trên chờ mãi không thấy anh lên, kéo dây nhưng rất nặng, không thể kéo được, la hét om sòm, rồi ném lựu đạn xuống. Lựu đạn nổ nhưng không thấy động tĩnh gì, chúng hò nhau lấy rơm, rạ ra sức hun. Hun chán, không kết quả, chúng hậm hực, chửi bậy, rồi bỏ đi...

Sau này, đồng đội gặp lại nhau, ôn chuyện xưa. Anh Chấn cười ha hả:

- Nếu không có hệ thống ZTBM thì tôi đâu còn đến bây giờ!

Năm tháng trôi qua, chiến tranh kết thúc, Tổ quốc đã thống nhất. Xã Phan Tây Hồ chia làm 3 xã. Để khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống nên hệ thống hầm hào, địa đạo bí mật ZTBM đã được san lấp, không còn lại dấu vết gì. Có chăng, chỉ còn đọng lại trong ký ức những người một thời đã từng tham gia chiến đấu, giữ làng từ thuở xa xưa, cách nay đã hơn 70 năm! Đó là dấu ấn không thể phai mờ từ thế hệ này qua thế hệ khác được kể lại bởi các bậc tiền bối và những trang sử của các xã nơi đây.

LÊ HOÀI THAO