Hoàn thiện tổ chức và lập công xuất sắc

Phóng viên (PV): Ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an quân pháp, tiền thân của ngành ĐTHS Quân đội đã khẩn trương xây dựng, phát triển, từng bước hoàn thiện tổ chức và thực hiện nhiệm vụ, lập nhiều chiến công xuất sắc. Những dấu ấn nổi bật thời kỳ này là gì, thưa đồng chí Cục trưởng?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy: Để góp phần duy trì, giữ nghiêm kỷ luật, nâng cao sức mạnh chiến đấu, ý chiến quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, ngày 19-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 258/SL về “Tổ chức và nhiệm vụ của ngành Công an quân pháp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”, tổ chức tiền thân của ngành ĐTHS Quân đội ngày nay. Sự ra đời của Công an quân pháp là bước phát triển quan trọng trong tổ chức Quân đội ta, đánh dấu mốc mới về hoạt động tư pháp trong Quân đội. Ngày 26-7-1997, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 984/QĐ-QP, lấy ngày 19-11-1948 làm ngày truyền thống của ngành ĐTHS Quân đội.

Những năm tháng đầu thành lập, Công an quân pháp chưa được tổ chức thành hệ thống hoàn chỉnh. Phụ trách Công an quân pháp là ủy viên Chính phủ và dự thẩm Tòa án binh. Ủy viên Công an quân pháp là các cấp chỉ huy trong Quân đội, từ đại đội trưởng trở lên. Công an viên quân pháp là những quân nhân thuộc quyền chỉ huy của ủy viên hoặc phụ trách Công an quân pháp, làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống những hành vi vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước...

Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, song Công an quân pháp đã nỗ lực, tích cực điều tra, kết luận nhiều vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng. Điển hình như vụ án Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha Quân nhu và đồng bọn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, nhận hối lộ với số lượng lớn tài sản của Nhà nước và Quân đội, làm cơ sở để tuyên mức án tử hình. Qua các vụ án điều tra, kết luận của Công an quân pháp đã có tác dụng to lớn góp phần củng cố kỷ luật, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ Quân đội công tác, chiến đấu; đoàn kết quân dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, nhân viên Công an quân pháp có mặt ở khắp các chiến trường, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến đào ngũ, chống mệnh lệnh, tự thương, tự sát, bỏ nhiệm vụ chiến đấu, đầu hàng địch, phạm tội... Cán bộ, chiến sĩ Công an quân pháp vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, nhiều đồng chí được tặng thưởng huân chương và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Thành tích của ngành Công an quân pháp đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), ngành Công an quân pháp và từ năm 1981 là ngành ĐTHS Quân đội, đã phát huy truyền thống vẻ vang, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

PV: Từ lực lượng Công an quân pháp ban đầu quân số ít, cán bộ kiêm nhiệm, đến nay đã phát triển thành ngành ĐTHS Quân đội hoàn thiện về tổ chức, có hệ thống cơ quan từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị, đề nghị đồng chí nêu rõ hơn về quá trình này?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy: Ngành ĐTHS Quân đội được xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống tổ chức như hiện nay là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự giúp đỡ, phối hợp hiệp đồng công tác của các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương cả nước.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy.

Ngành ĐTHS Quân đội hiện nay có hệ thống hoàn chỉnh các cơ quan điều tra, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; có các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. 100% cán bộ của ngành có trình độ đại học, được đào tạo về nghiệp vụ chính quy, trong đó hơn 30% trình độ sau đại học. Công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, điều tra viên được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Từ Cục ĐTHS Bộ Quốc phòng đến cơ quan ĐTHS các cấp đều biên chế đúng quy định, chất lượng cao; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Không ngừng phát triển nhiệm vụ

PV: Xuyên suốt 75 năm xây dựng, trưởng thành, ngành ĐTHS Quân đội nhiều lần thay đổi về tổ chức, tên gọi và không ngừng phát triển về nhiệm vụ, đó là những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy: Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong từng thời kỳ, ngành ĐTHS Quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đầu tư xây dựng vững mạnh, đủ năng lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Cùng với những nhiệm vụ được xác định trong Sắc lệnh số 258/SL ngày 19-11-1948, đến nay ngành ĐTHS Quân đội được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao triển khai nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng. Ngoài những nhiệm vụ thực hiện trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã nêu, từ sau năm 1975, ngành được giao nhiệm vụ: Quản lý kỷ luật và chỉ đạo lực lượng kiểm soát quân sự; quản lý giáo dục, cải tạo tù, hàng binh ngụy sau chiến tranh; điều tra các tội phản cách mạng; điều tra xác minh các vụ quân nhân đầu hàng địch trong các cuộc kháng chiến; chỉ đạo công tác phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm, trao trả hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA)...

Hiện nay, ngành ĐTHS Quân đội được giao chủ trì, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp ủy, chỉ huy đơn vị những chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự liên quan đến Quân đội; quản lý tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến Quân đội; trực tiếp tiến hành điều tra, xác minh các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền; quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong Quân đội; quản lý Cơ quan Giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Cục ĐTHS Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực Hội đồng xét đặc xá Bộ Quốc phòng; Thường trực Hội đồng xét tuyển Điều tra viên Bộ Quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng; Ban chỉ đạo 1767 Bộ Quốc phòng...

PV: Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành ĐTHS Quân đội trong thời gian qua?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy: Nhiệm vụ của ngành ĐTHS không ngừng phát triển, ngày càng khó khăn, phức tạp, song Cục ĐTHS Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngành nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Cơ quan ĐTHS các cấp luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật, đưa ra những dự báo sát với tình hình thực tiễn, không để bị động, bất ngờ, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, cấp ủy và chỉ huy các đơn vị những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trong công tác điều tra, xác minh luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, kịp thời, chính xác, khách quan. Đội ngũ điều tra viên giữ vững phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt xử lý nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, không để xảy ra oan sai, sót lọt tội phạm, góp phần giữ nghiêm kỷ luật và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

leftcenterrightdel

Cán bộ, nhân viên ngành Điều tra hình sự Quân đội báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 9-2023. Ảnh: TRỌNG THỊNH

Cục và Cơ quan ĐTHS các cấp chủ trì, phối hợp điều tra, kết luận nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của Thường vụ Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng... Công tác tạm giam, tạm giữ bảo đảm an toàn tuyệt đối; làm tốt công tác thi hành án, quản lý trại giam, giáo dục, cảm hóa phạm nhân và xét giảm án, đặc xá trước hạn đúng pháp luật. Toàn ngành chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học nghiệp vụ. Công tác giám định kỹ thuật hình sự được quan tâm, trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại. Các kết luận giám định bảo đảm nhanh chóng, chính xác, khách quan, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, được các cơ quan tiến hành tố tụng trong và ngoài Quân đội tin tưởng.

Nỗ lực giành nhiều thành tích mới

PV: Truyền thống và chiến công của ngành ĐTHS góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành động lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ vươn lên giành những thành tích mới. Đề nghị Cục trưởng cho biết những định hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Huy: Thời gian tới, Cục ĐTHS Bộ Quốc phòng chỉ đạo ngành tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng hệ thống cơ quan ĐTHS theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới. Toàn ngành phát huy những bài học kinh nghiệm thực tiễn, gắn nghiệp vụ ĐTHS với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; lấy mục tiêu nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân làm nhiệm vụ chính trị, để từ đó có phương hướng xây dựng ngành đúng đắn. Toàn ngành thực hiện đột phá về đổi mới tổ chức lực lượng; huấn luyện, đào tạo; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và cải cách hành chính, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong nội bộ và đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị bạn. Toàn ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua làm theo lời căn dặn của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là trụ cột của ngành tư pháp Quân đội và niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HƯƠNG HỒNG THU (thực hiện)