QĐND-Trung tướng Lương Hữu Sắt, nguyên Cục trưởng Cục Vũ khí đạn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kể: Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là vấn đề bảo đảm đạn tên lửa cho các đơn vị. Đạn tên lửa phòng không của ta hầu hết do Liên Xô giúp đỡ. Trước khi sử dụng loại đạn này, chúng ta phải đưa qua một dây chuyền lắp ráp khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Trước ngày 18-12-1972, các đơn vị tên lửa vẫn có một số đạn dự trữ, nhưng không đáng kể. Chuẩn bị cho chiến dịch, các tiểu đoàn tên lửa được trang bị 2 cơ số đạn với các tham số kỹ thuật của các dây chuyền sản xuất đạn có hệ số kỹ thuật tốt nhất. Để phục vụ cho các trận địa ở Hà Nội, Hải Phòng, có hai đơn vị, hai dây chuyền sản xuất đạn.
Từ ngày 18, 19 tháng 12 năm 1972 trở đi, các dây chuyền sản xuất đạn được bổ sung cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, nhiệt tình, trách nhiệm liên tục thay nhau sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp có đạn cho bộ đội chiến đấu. Kế hoạch tổ chức lắp ráp, bảo đảm đạn tên lửa khá chu đáo, có phương án chuẩn bị từ trước và công tác dự phòng cũng đã được triển khai, song mới chỉ qua hai đêm 18 và 19, những tín hiệu về “cơn sốt đạn tên lửa” đã nhanh chóng xuất hiện. Khẩu hiệu tiết kiệm đạn “Dành đạn cho pháo đài bay B-52” đã trở thành mệnh lệnh cho các đơn vị tên lửa phòng không. BTL Quân chủng PK-KQ chủ trương dành tên lửa đánh B-52. Như vậy, toàn bộ gánh nặng phải đương đầu với hàng trăm, hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm dồn hết cho bộ đội cao xạ, không quân và dân quân tự vệ đảm nhiệm. Nhưng các đơn vị tên lửa vẫn không thoát khỏi tình trạng thiếu đạn. Hầu như đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng.
 |
Đưa tên lửa vào bệ phóng của Sư đoàn 361 ở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Cảnh trong phim “Hà Nội - Bản hùng ca” của Điện ảnh Quân đội.
|
Khẩu hiệu lúc này là: “Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa”. Toàn Quân chủng lúc đó tìm các biện pháp tối ưu tập trung vào việc lắp ráp đạn tên lửa nhanh nhất, sửa chữa những hư hỏng của tên lửa; đồng thời bảo dưỡng, sửa chữa gấp khí tài trang bị của các đơn vị. Cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất. Sản lượng tăng gấp đôi nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa thấm gì với mức tiêu thụ đạn ghê gớm trên từng bệ phóng. Cảnh chạy đạn cho các bệ phóng như cảnh nhà nghèo chạy ăn từng bữa. Bãi lắp ráp làm được quả đạn nào, xe TZK trực sẵn lập tức đưa đi và được đưa lên bệ phóng ngay. Trong ánh lửa của bom đạn, những quả đạn tên lửa vừa “bóc tem” được chuyển đến đặt ngay trên bệ phóng. Có những quả đạn chỉ ít phút sau khi hoàn tất đã lao vút lên tìm diệt máy bay B-52. Chưa bao giờ cuộc đời của những quả đạn tên lửa được sản xuất ra lại ngắn ngủi và vinh quang đến như vậy.
Đêm 19, địch vào 87 lần/chiếc B-52; đêm 20-12-1972, tăng lên 93 lần/chiếc máy bay B-52. Ai nấy đều hồi hộp nghĩ rằng đêm 21-12-1972, địch sẽ vào nhiều hơn, mà đạn tên lửa thì chỉ lắp ráp có hạn nên sẽ là đêm thử thách ngặt nghèo nhất, khốc liệt nhất. Nhưng những điều dự đoán đó lại không xảy ra. Đêm 21, chỉ có một đợt 24 lần chiếc máy bay B-52 tập trung đánh vào Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư An Dương, ga Giáp Bát, Văn Điển,…
Từ đêm 22 trở đi, B-52 hầu như “lảng xa” Hà Nội. Đêm 23, B-52 vào đánh Đồng Mỏ-Lạng Sơn, Bắc Giang. Đêm 24, B-52 đánh Thái Nguyên, Kép. Như vậy, đang “cơn sốt” đạn tên lửa, các đơn vị bảo vệ Hà Nội lại có thời gian để chuẩn bị đạn. Các đơn vị tên lửa, pháo phòng không nhanh chóng củng cố trận địa, hầm hào, rút kinh nghiệm chiến đấu. Vì thế, đến ngày 26-12-1972, các bệ phóng tên lửa của ta đã có đủ cơ số đạn theo quy định. “Cơn sốt” đạn đã bị đẩy lùi. Bộ đội tên lửa không còn phải lo thiếu đạn, chủ động tự tin chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh quyết định đêm 26-12-1972.
Vậy là, trong trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tình trạng khan hiếm đạn tên lửa để đánh máy bay B-52 trong một vài ngày đầu chiến dịch là có thật. Nhưng không phải chúng ta đã hoàn toàn bị bó tay, mà trên thực tế, đạn cho đánh B-52 vẫn được bảo đảm. Đó là sự thể hiện tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ và cán bộ, chiến sĩ đơn vị tên lửa, đã góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch phòng không bảo vệ thủ đô Hà Nội tháng 12-1972.
Kết quả cuối cùng là chính Mỹ phải đương đầu ngay với một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới. Sau này, các ngọn đồi quanh Hà Nội trở thành các kho chứa máy bay Mỹ rơi. Các nhà tù ở Hà Nội đầy rẫy phi công bị bắn rơi của Mỹ (tướng 4 sao hải quân đánh bộ Ray-mơn Đê-vít (Raymond David) trong bài “Chính trị và chiến tranh 12 quyết định tai hại dẫn đến thất bại ở Việt Nam” - Tạp chí “Marine Corps Gazette” tháng 8-1989).
|
Đại tá, PGS, TS TRẦN NAM CHUÂN