QĐND - Một ngày đầu thu, chúng tôi đến thăm Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 3, người chỉ huy du kích nổi tiếng của TP Hải Phòng và tỉnh Kiến An trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước sang tuổi 94, sức khỏe giảm sút, nhưng vẻ mặt của vị tướng già như sáng thêm khi gợi về những tháng năm gian khổ làm cách mạng...

Tỉnh đội trưởng tỉnh Kiến An Đặng Kinh (bên phải) và đồng chí Quách Văn Phú “vua mìn” Đường 5, người chế ra quả thủy lôi đánh đắm tàu chiến Mỹ giúp Pháp chở quân ngày 14-1-1954. Ảnh tư liệu.

Bám đất, bám dân mở khu du kích

Ít ai biết rằng, Trung tướng Đặng Kinh xuất thân từ một phu mỏ. Ông tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922, tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng trong một gia đình nông dân nghèo. 11 tuổi, cậu bé Rợp phải cùng cha xa gia đình đến Hòn Gai (Quảng Ninh) làm công nhân mỏ. Người đầu tiên dẫn dắt ông đến với cách mạng chính là đồng chí Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng). Ông từ một công nhân mỏ trở thành một đảng viên cộng sản và là cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng-Kiến An. Cũng từ đây ông được các cấp ủy Đảng phân công chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu, trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn (Kiến Thụy) vào tháng 7-1945; chỉ huy lực lượng vũ trang chống Nhật bảo vệ căn cứ Kim Sơn (ngày 4-8-1945) và huy động lực lượng hỗ trợ Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng và Kiến An (ngày 23 và 24-8-1945). Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh khác trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên các mặt trận An Dương-Đường 5, cầu Rào-Đồ Sơn... khiến quân địch nhiều phen khiếp sợ.

Trung tuần tháng 10-1952, trên cương vị Tỉnh trưởng tỉnh Kiến An, ông đã chỉ huy ba đại đội của tỉnh và một đại đội của huyện bất ngờ luồn vào hai xã địch chiếm đóng là Tự Cường và Đại Thắng (huyện Tiên Lãng) đánh trận phục kích lớn trên đoạn Quốc lộ số 10 từ bến đò Quý Cao đến Bến Cựu. Trận đánh diễn ra ác liệt và kéo dài một ngày. Kết quả, ta giành thắng lợi, tiêu diệt và bắt sống 250 tên địch, làm chấn động cả vùng nông thôn địch đang chiếm đóng, góp phần đắc lực phối hợp với chiến trường Tây Bắc và toàn khu. Tiếp đến là vào đêm 20-4-1953, 300 bộ đội tinh nhuệ, dưới sự che chở của nhân dân huyện An Lão và thị xã Kiến An, bất ngờ tập kích vào 4 khu kho tàng và căn cứ lớn ngay trong thị xã, tỉnh lỵKiến An. Ta đốt kho làm cháy hàng trăm xe pháo cơ giới, phá hủy 60 kho đạn, tiêu diệt và bắt sống gần 700 tên địch trong đó có tên tỉnh trưởng Trịnh Như Tiếp và toàn bộ chỉ huy Bảo chính đoàn. Ngay hôm sau, một bộ phận đánh càn ở thôn Đại Điền, xã Tân Viên (huyện An Lão) tiêu diệt thêm 206 tên, chủ yếu là lính Âu Phi, không kể hàng tiểu đoàn Âu Phi bị kho bom nổ tiêu diệt.

Bước vào mùa hè năm 1953, sau chiến thắng Kiến An, các cán bộ lãnh đạo tỉnh Kiến An xác định “muốn đánh địch bằng lực lượng nhỏ mà giành chiến thắng lớn thì cần phải đánh sâu hơn”. Qua nhiều ngày nghiên cứu nắm vững tình hình, từ một đại đội của tỉnh và phân đội chuyên đánh mẫu, đồng chí Đặng Kinh đề xuất lập ra 4 tiểu đội, hành quân vào địa bàn huyện An Dương giáp Đường số 5. Đêm 18-6-1953, quân ta bất ngờ luồn vào Sở Dầu-Thượng Lý (là kho chứa xăng dầu và là nơi dự trữ nhiên liệu quan trọng của quân đội viễn chinh Pháp chuyên cung cấp cho các chiến trường Bắc Bộ). Bốn tiểu đội do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy sử dụng loại bộc phá mạnh đánh một loạt bồn chứa xăng, xăng cháy tạo thành ngọn lửa lan rộng đốt trụi cả kho xăng dầu chứa 147 triệu lít xăng và thiêu hủy 300 xe cơ giới trong kho.

Trung tướng Đặng Kinh luôn trân trọng những kỷ niệm của một thời chiến trận. Ảnh: Duy Đông.

Từ trận càn Cờ-lốt tới chiến thắng Cát Bi

Mỗi chiến thắng của bộ đội địa phương và dân quân du kích trong kháng chiến chống Pháp trên địa bàn TP Hải Phòng và tỉnh Kiến An đều có dấu ấn đậm nét của người chỉ huy Đặng Kinh. Sau chiến thắng Sở Dầu là cuộc đánh thắng trận càn Cờ-lốt (Claude) ở huyện Tiên Lãng từ ngày 28-8 đến 19-9-1953. Ngày đó, toàn tỉnh dồn sức chuẩn bị cho Huyện ủy Tiên Lãng lãnh đạo toàn dân vũ trang, toàn dân đấu tranh chính trị, cất giấu của cải, phân tán lực lượng, trang bị cho quân du kích nhất là mìn chông... 8 giờ ngày 28-8-1953, thực dân Pháp huy động các loại xe, hai tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn khinh quân cùng tập hợp thành tổng số 12 tiểu đoàn trong lực lượng Com-măng-đô; chưa kể số quân biên chế trên các phương tiện tham chiến, 17 chiếc tàu chiến, 60 tàu đổ bộ, 1 tiểu đoàn xe lội nước tiến ào ạt vào Tiên Lãng nhằm mục đích bình định, san phẳng căn cứ này và phá bàn đạp của ta dùng để tấn công chúng vào thành phố, thị xã.

Địch chia trận càn làm 3 đợt. Đợt một bao vây càn quét khu bắc huyện, “cất vó” xã Cấp Tiến và Khởi Nghĩa. Ngay từ ngày đầu chống càn dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Kinh, ta đánh ba trận ở thôn Hán, phía nam xã Kiến Thiết, tiêu diệt 76 tên lính Âu Phi. Địch đi đến đâu cũng bị bộ đội địa phương huyện cùng du kích và toàn dân đánh trả. Đợt hai địch lật cánh đánh phía nam huyện. Đợt ba, sau khi bao vây chặt, địch “càn quét chà đi xát lại”, dùng Com-măng-đô, biệt kích, tàu xe chốt giữ, xây dựng chính quyền tề ngụy. Khi càn quét địch gây ra cho nhân dân Tiên Lãng muôn vàn tội ác, hàng vạn ngôi nhà bị đốt, hàng nghìn thanh niên nam nữ bị giết, cưỡng hiếp dã man, quần nát ba trăm mẫu lúa. Không để quân địch lộng hành, đồng chí Đặng Kinh đã chỉ đạo 2 đại đội tỉnh luồn vào đánh phá ngay trong vòng vây, giáng cho địch những đòn tổn thất nặng nề. Qua 22 ngày đêm chống càn, ta diệt 1.367 tên, làm thất bại kế hoạch bình định của địch và là thắng lợi đầu tiên đánh bại kế hoạch bình định của Na-va.

Trên đà thắng lợi, đêm 31-1-1954, chỉ với một lực lượng nhỏ gồm 4 tiểu đội được nhân dân hai xã Ngọc Xuyên và Ngọc Hải của Đồ Sơn che chở và phối hợp, ta tiêu diệt gọn đội quân bảo vệ sân bay, phá hủy 5 máy bay vận tải Đa-kô-ta tại Sân bay Đồ Sơn, thiêu hủy kho xăng dầu Hang Dơi với hàng chục vạn lít xăng dầu. Đây là chiến thắng bản lề, tạo điều kiện và kinh nghiệm quý để ta đánh vào Sân bay Cát Bi sau này.

Để “chia lửa” cho chiến trường Điện Biên Phủ, trận tập kích Sân bay Cát Bi ngày 7-3-1954 thêm một lần chứng tỏ tư duy đánh địch táo bạo, sáng tạo của người chỉ huy Đặng Kinh. Ngày đó, Sân bay Cát Bi được thực dân Pháp coi là một căn cứ không quân bất khả xâm phạm và là đầu cầu hàng không tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hằng ngày, có hơn 100 máy bay vận tải DC3, C119 cất cánh chở hàng hóa, vũ khí lên tiếp viện chiến trường Điện Biên Phủ... Đồng chí Đặng Kinh được giao xây dựng phương án, kế hoạch tập kích sân bay, trong điều kiện cơ sở xung quanh sân bay rất yếu, chỉ dựa vào xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy). Trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình với phương châm chỉ đạo phải đánh thắng, nhưng nhất thiết phải bảo toàn lực lượng, ông đã mạnh dạn đề xuất thay đổi phương án tác chiến. Từ chỗ chuẩn bị lực lượng gồm 130 cán bộ, chiến sĩ theo kế hoạch ban đầu đã được thay bằng việc tuyển lựa 32 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức trinh sát nắm vững tình hình địch, chọn địa bàn ém quân rồi bố trí lực lượng luồn sâu vào trận địa của địch, bất ngờ nổ súng phá hủy 59 máy bay, phần lớn là máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng. Đây là trận đánh phá sân bay lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, phối hợp có hiệu quả với Chiến dịch Điện Biên Phủ.

NGÔ DUY ĐÔNG