Cũng ít người biết rằng, tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị huyện, thị xã, thành phố, thì 10 đơn vị từng được Bác về thăm, gửi thư khen ngợi hoặc tặng huân chương về thành tích chiến đấu, lao động sản xuất.
Từ những bức thư và tấm huân chương...
Chỉ sau 43 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 15-10-1945, Bác Hồ đã gửi thư cho thiếu nhi huyện Cẩm Giàng. Thư Bác viết rất xúc động: “Hỡi các cháu yêu quý! Tôi nhận được thư các cháu cho biết rằng các cháu đã nhịn ăn quà để góp tiền vào Quỹ độc lập. Các cháu nồng nàn yêu nước làm cho tôi rất động lòng…”.
Toàn quốc kháng chiến. Sông Kinh Thầy nổi sóng, Đường 5 dậy sấm. Mỗi làng xóm thành chiến lũy. Cụ già, trẻ em thành chiến sĩ tham gia diệt giặc thù. Tiếng tăm du kích Đường 5 đánh mìn, lật đổ xe lửa của Pháp lừng lẫy vang đi các chiến trường. Tin đến với Bác ở Việt Bắc. Tháng 3-1948, Người đã gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành: “Cảm ơn các chú đã gửi biếu tôi một cái áo mưa lấy của giặc. Quý hơn nữa, là các chú hứa: Luôn luôn cố gắng lấy vũ khí của địch giết địch... Một điều nữa các chú phải luôn luôn nhớ: Du kích là như cá, nhân dân là như nước...”.
Ngày ấy, Bác đọc Báo Dân quân Khu 3, biết ông Đỗ Như Thìn người làng Tuấn Kiệt, phủ Bình Giang 50 tuổi, vẫn hăng hái tham gia du kích, có nhiều sáng kiến và lập công, Người đã gửi thư cho ông: “Tôi rất vui lòng khen ngợi đồng chí… Sau nữa, tôi tặng đồng chí Thìn 4 chữ “Lão đương ích tráng”, nghĩa là càng già càng mạnh”.
Đầu Xuân Mậu Tý (1948), Bác gửi thư cho Báo Xung Phong-cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương. Điều đặc biệt, giấy viết thư là tấm danh thiếp nhỏ, ở giữa có ba chữ Hồ Chí Minh với những câu thơ mộc mạc: Bác nhận được Báo “Xung Phong”/ Cám ơn các cháu có lòng gửi cho/ Các cháu nghe Bác dặn dò/ Phải biết yêu nước, phải lo học hành…
|
|
Bác Hồ về thăm Bệnh viện Quân y 7. Ảnh tư liệu |
Tháng 12-1948, nghe báo cáo, Trung đội du kích Kim Thành đánh giao thông vận tải của địch rất hay và thắng nhiều trận, Bác Hồ lại có thư khen ngợi anh em du kích Kim Thành lần nữa: “Tôi lại hứa với anh em rằng từ nay, mỗi một lần phá được một đầu tàu xe lửa, tôi lại có một phần thưởng đặc biệt tặng cho anh em”.
Bác còn gửi thư cho các chiến sĩ Đường 5 khích lệ: “Nam nữ dân quân du kích Đường 5, năm ngoái đánh giặc khá, sang năm 1949, anh chị em du kích Đường 5 phải cố gắng thêm, đánh nhiều hơn, mạnh hơn để lập công to hơn nữa, và để làm kiểu mẫu cho dân quân du kích khác”.
Rồi, biết phong trào xóa nạn mù chữ ở Hải Dương có nhiều tiến bộ, ngày 10-11-1947, Bác đã gửi thư khen tỉnh Hải Dương có 6 làng mà tất cả nhân dân biết chữ. Hải Dương có nhiều sông ngòi, thường bị thiên tai, lại bị địch ném bom tàn phá. Tháng 5-1949, Bác viết thư gửi đồng bào các tỉnh có đê, căn dặn, động viên, khiến người nghe mát lòng: “Mấy năm liền, ta đã tránh được nạn lụt, do đó mà tránh khỏi nạn đói. Thành công đó là nhờ sự cố gắng chung của toàn thể đồng bào”…
Xã Nam Tân, huyện Nam Sách có nữ du kích Mạc Thị Bưởi kiên cường bất khuất, hoạt động cách mạng từ lúc còn nhỏ. Khi mới 24 tuổi, chị Bưởi sa vào tay giặc. Chúng giết chị bằng thủ đoạn hèn hạ nhất. Bác Hồ biết chuyện, thương cảm người con gái anh hùng. Với bút danh C.B, Bác làm thơ về chị, đăng Báo Nhân Dân ngày 21-4-1955, có những câu xúc động: Người Long Động, tỉnh Quảng Yên(*)/ Hai mươi bốn tuổi tính hiền và ngoan/ Từ ngày giặc đánh vào làng/ Chị đánh du kích tỏ gan anh hùng/ Vì lòng yêu nước nồng nàn/ Nêu gương oanh liệt muôn ngàn đời sau.
Tỉnh Hải Dương cũng là nơi được nhận nhiều phần thưởng của Bác Hồ. Ngày 15-11-1953, Người ký Sắc lệnh 193, thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho huyện Gia Lộc, có thành tích đấu tranh chống địch dồn làng, bắt lính; tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho huyện Cẩm Giàng, có thành tích phá hủy 28 tháp canh, tiêu diệt hơn 400 tên địch, vận động được 630 tên ngụy binh bỏ hàng ngũ giặc.
Thời kỳ hòa bình ở miền Bắc, đã nhiều lần Bác ký sắc lệnh tặng những phần thưởng thi đua của Nhà nước. Theo một tài liệu, từ tháng 11-1959 đến tháng 8-1969, Bác Hồ đã tặng 78 huy hiệu của Người cho cán bộ, công nhân, bộ đội, cụ già, em nhỏ, bác sĩ, giáo viên, học sinh của tỉnh Hải Dương, đã có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, chiến đấu, học tập, cải tiến kỹ thuật, dũng cảm cứu người…
... Và những lần tưng bừng đón Bác
Trong gần 20 năm (1946-1965), Bác đã 4 lần về thăm 9 đơn vị của tỉnh Hải Dương, để lại nhiều cảm xúc.
Đó là những người nông dân xã Ái Quốc kể chuyện với Bác về kinh nghiệm trồng quả bí đao, là thầy thuốc Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3) lắng nghe lời Bác dặn dò: “Các cô, các chú phải đoàn kết, thương yêu nhau, hết lòng hết sức phục vụ thương binh, bệnh binh. Anh em thương binh, bệnh binh là những người có công với nước, nay bị thương, bị bệnh trở về đây thì các cô, các chú thay mặt Đảng, Nhà nước chăm sóc anh em cho chóng khỏi bệnh...”.
Nhưng ấn tượng nhất là lần Bác về thăm xã Hợp Lực (Ninh Giang) vào ngày 26-7-1962. Người đội mũ cát rộng vành, mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su, vừa đạp guồng nước vừa lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”.
Đến thăm Nhà máy Sứ Hải Dương, Bác nhắc nhở về vệ sinh công nghiệp, không gian cần phải sạch sẽ. Phải làm tốt thì lương sẽ cao, nhiều lãi thì quỹ lương sẽ nhiều. Năm 1965, cả nước kỷ niệm 35 năm thành lập Đảng, 20 năm thành lập nước Việt Nam độc lập, cũng là năm Bác vào tuổi 75. Bác lại về Hải Dương, đó là lần cuối cùng…
Ban đầu Người tới thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang) rồi về thăm xã Nam Chính (Nam Sách) dẫn đầu miền Bắc về phong trào vệ sinh nông thôn. Bác đi thăm từng chiếc giếng đào, nhà tắm, hố xí hai ngăn, khen ngợi nhân dân xã Nam Chính có nếp sống ăn ở vệ sinh sạch sẽ.
Côn Sơn và hình bóng Bác Hồ
Chia tay nông dân xã Nam Chính, trên đường về, Bác hỏi vị cán bộ lãnh đạo tỉnh ngồi cùng xe:
- Đây lên Côn Sơn xa bao nhiêu cây số, chú?
- Thưa Bác, khoảng ba chục cây, lại qua phà, đường núi.
- Chúng ta đi lên Côn Sơn! - Bác nói.
Côn Sơn là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng Hải Dương. Cảnh trí non xanh nước biếc, là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, là nơi sống những năm tháng cuối đời của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Bác Hồ thăm di tích, viết sổ lưu niệm, ngắm phong cảnh, lội suối, leo núi, ngồi nghỉ ở Thạch Bàn, nói chuyện với cán bộ, nhân dân. Trưa, Bác giở cơm đem từ Hà Nội ra ăn, giữa cảnh Côn Sơn yên ả và thơ mộng.
Khi gặp gỡ nhà sư trụ trì ngôi chùa, Bác ân cần dặn: “Mỗi năm nhà sư trồng lấy dăm mười cây, chăm sóc cho xanh tốt. Mai sau cây tỏa bóng mát, như thế là nhà sư đã góp phần làm cho chùa “hun” cây trước kia thành chùa xanh cây, con cháu nhớ ơn nhà sư đấy!”.
Xúc động nhất là Bác đeo kính rưng rưng đọc bia giữa sân chùa. Khoảnh khắc ấy, tưởng như có hai tâm hồn, hai trái tim lớn cách nhau 500 năm gặp nhau...
(*) Khi Bác viết bài thơ thì Long Động thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Quảng Yên, nay thuộc Hải Dương.
KHÚC HÀ LINH