A.Yakovlev sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân tại làng Korolevo, tỉnh Yaroslavl của nước Nga. Sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô tháng 6-1941, cũng như hàng triệu thanh niên Xô viết, A.Yakovlev gia nhập quân đội và trở thành chiến sĩ của một lữ đoàn pháo binh. Sau đó, A.Yakovlev nhập học Trường Cao đẳng vũ khí bộ binh Leningrad số 2. Tháng 8-1942, A.Yakovlev bị thương nặng trong chiến đấu và giải ngũ vì lý do sức khỏe.

Năm 1944, A.Yakovlev gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô ở cương vị giảng viên và Trưởng bộ môn huấn luyện quân sự và thể dục thể thao của Đại học Sư phạm Ushinskji, đồng thời học đại học tại chức về khoa học lịch sử. Sau chiến tranh, tháng 10-1945, A.Yakovlev nhập học Trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô (sau đây gọi tắt là BCHTƯ). Từ năm 1946 đến 1956, A.Yakovlev trải qua nhiều cương vị khác nhau như Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Yaroslav, chuyên viên về công tác tuyên huấn của Ban Giáo dục trực thuộc BCHTƯ. Từ năm 1956 đến 1959, A.Yakovlev theo học chương trình nghiên cứu sinh tại Bộ môn Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc BCHTƯ.

Trong hai năm 1958-1959, theo chương trình trao đổi giáo dục giữa Mỹ và Liên Xô, A.Yakovlev theo học chương trình thực tập sinh tại Đại học Columbia (Mỹ) dưới sự hướng dẫn khoa học của giáo sư chính trị học Mỹ David Truman, một trong những người sáng lập học thuyết đa nguyên chính trị và là một chuyên gia chống cộng nổi tiếng. Trở về Liên Xô vào năm 1960, A.Yakovlev theo học chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và bảo vệ luận án phó tiến sĩ về đề tài “Phê bình văn học tư sản Mỹ về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1953-1957”. Năm 1967, A.Yakovlev bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài “Khoa học chính trị Hoa Kỳ và các chính sách đối ngoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1945-1966”.

leftcenterrightdel

A.Yakovlev (phía sau, đeo kính) trong cuộc gặp  thượng đỉnh giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Gorbachev (phải) và Tổng thống Mỹ G.H.Bush (Bush cha) năm 1989. Ảnh tư liệu

Trong những năm 1960-1973, A.Yakovlev giữ các chức vụ Phó trưởng ban và sau đó là Trưởng ban Tuyên huấn của BCHTƯ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của M.Suslov, Bí thư BCHTƯ về tư tưởng. Từ cương vị cực kỳ quan trọng này, năm 1973, A.Yakovlev được điều chuyển làm Đại sứ Liên Xô tại Canada trong thời gian 10 năm. Trong thời gian làm Đại sứ tại đây, A.Yakovlev có dịp tiếp xúc gần gũi và thân mật với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCHTƯ M.Gorbachev khi ông này thăm chính thức Canada. Theo hồi ký của Trung tướng KGB Y.Pitovranov, Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên Xô (một tổ chức được thành lập vào năm 1969 với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo thông qua các doanh nhân phương Tây quan tâm đến hoạt động kinh tế ở Liên Xô) đã từng báo cáo rằng, trong thời gian làm Đại sứ Liên Xô ở Canada, A.Yakovlev đã bị cơ quan tình báo nước ngoài tuyển mộ bằng những quà tặng có giá trị vượt quá xa tiền lương và cả kinh phí được chính phủ phân bổ cho đại sứ quán. Đáng chú ý là, do tiết lộ của A.Yakovlev trong thời gian ông làm Đại sứ tại Canada, có tới 17 nhân viên Đại sứ quán Liên Xô bị Chính phủ Canada trục xuất với cáo cuộc hoạt động gián điệp dưới vỏ bọc ngoại giao. Chủ tịch KGB Y.Andropov đã phê chuẩn bản báo cáo về A.Yakovlev và gửi tới Tổng Bí thư L.Brezhnev. Tuy nhiên, sau khi đọc xong báo cáo, L.Brezhnev nói: “Là Ủy viên BCHTƯ, A.Yakovlev không thể là kẻ phản bội”. Mặc dù vậy, Y.Andropov vẫn đề nghị bãi miễn chức đại sứ của ông ta. Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương M.Suslov đã bác bỏ đề nghị này. Sau khi trở về Liên Xô, A.Yakovlev được M.S.Gorbachev tiến cử vào chức Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế và được chấp thuận.

Kể từ khi M.Gorbachev lên làm Tổng bí thư thực hiện chính sách “cải tổ” Liên Xô vào năm 1985, A.Yakovlev được bổ nhiệm Trưởng ban Tuyên huấn BCHTƯ chuyên trách về công tác tư tưởng, thông tin và văn hóa và được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1989, A.Yakovlev được giao nhiệm vụ Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong thời gian này, A.Yakovlev cấp phép lưu hành và phổ biến 30 bộ phim từng bị cấm trình chiếu trước đây và cho xuất bản trên Báo Sự Thật-cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô, những công trình của các nhà triết học Nga từng bị cấm lưu hành. A.Yakovlev còn được giao đảm nhiệm Trưởng ban chuẩn bị nghị quyết “Về công khai hóa” (Glasnost) và phụ trách chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 10-1988, A.Yakovlev được giao Trưởng ban của Bộ Chính trị chuyên trách nghiên cứu các tài liệu liên quan tới “chiến dịch thanh trừng” trong những năm 1930-1940 và đầu thập niên 1950. Dưới sự lãnh đạo của A.Yakovlev, bộ máy truyền thông Liên Xô tiến hành chiến dịch xuyên tạc vai trò của J.Stalin. Năm 1989, tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô, A.Yakovlev trình bày bản báo cáo về những hậu quả của Hiệp ước Xô-Đức về không tấn công lẫn nhau năm 1939 (còn gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrov). Trên cơ sở nghị quyết này, một chiến dịch rộng lớn được triển khai nhằm xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai và vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít. Dựa vào chiến dịch này, báo chí phương Tây ra sức tuyên truyền nhằm cáo buộc J.Stalin và Hitler đều có tội gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong những năm “cải tổ” ở Liên Xô, A.Yakovlev hiện nguyên hình là kẻ chống chủ nghĩa xã hội, chống Chủ nghĩa Mác-Lênin với tuyên bố Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử”. Theo lập luận của A.Yakovlev, vì Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử” nên cần phải xóa bỏ mọi sản phẩm ra đời từ “sai lầm” đó, bao gồm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Liên Xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Liên Xô và toàn bộ lịch sử Liên Xô kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó có lịch sử Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Báo Nước Nga Xô Viết số ra ngày 7-5-1991 đăng bức thư ngỏ của Gennady Zyuganov (về sau là Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga) gửi A.Yakovlev với tiêu đề “Kiến trúc sư trưởng bên đống đổ nát”. Sau khi bức thư này được công bố, báo chí Nga gọi A.Yakovlev là “kiến trúc trưởng công cuộc cải tổ” dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô. Gần đây, ở Nga xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khẳng định tập đoàn lãnh đạo Liên Xô do M.Gorbachev và A.Yakovlev đứng đầu là những kẻ phản bội lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, phản bội Liên Xô.

Cựu Chủ tịch KGB V.Kryuchkov từng viết trong cuốn “Hồ sơ cá nhân” xuất bản năm 1994: “Tôi chưa bao giờ nghe thấy A.Yakovlev nói một lời ấm áp nào hay thể hiện niềm tự hào về tổ quốc, chí ít là về chiến thắng của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Điều này khiến tôi đặc biệt ngạc nhiên vì chính A.Yakovlev là người đã từng tham gia cuộc chiến tranh này. Tôi cũng chưa bao giờ nghe A.Yakovlev nói một lời tử tế nào về nhân dân Nga. Đối với A.Yakovlev, khái niệm “nhân dân” hoàn toàn không hề tồn tại”.

Trong hồi ký của mình, A.Yakovlev tiết lộ: “Bằng cách nào đó, chúng tôi sẽ phải kết liễu hệ thống chính trị Xô viết. Có nhiều cách khác nhau như ủng hộ và tôn vinh những người bất đồng chính kiến. Nhưng biện pháp này không có hiệu quả. Cần phải phá hoại Liên Xô từ bên trong và cách duy nhất đúng để đạt mục tiêu đó là phá bỏ cơ chế quản lý toàn trị của hệ thống đó. Và chúng tôi đã thành công”. Năm 2001, trong Lời giới thiệu của cuốn “Sách đen về chủ nghĩa cộng sản”, A.Yakovlev thừa nhận: “Vào thời kỳ đầu của cải tổ, chúng tôi buộc phải nói dối, phải tuyên truyền theo kiểu đạo đức giả. Không còn cách nào khác”. Trong thời kỳ này, M.Gorbachev thường hô hào “hoàn thiện chủ nghĩa xã hội”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội nhân đạo”. Theo A.Yakovlev, mục tiêu của “cải tổ” là tái cấu trúc hệ thống toàn trị, tiến tới phá bỏ hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản. A.Yakovlev cho rằng, chế độ toàn trị ở Liên Xô chỉ có thể bị phá hủy bằng cách kết hợp công khai hóa với cơ chế kỷ luật toàn trị của Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ 27 (năm 1986) của BCHTƯ, M.Gorbachev tuyên bố: “Cần mở rộng công khai. Không có công khai thì không có dân chủ, không có sáng tạo chính trị”. Tuyên bố này mở đường cho các phương tiện thông tin đại chúng xuyên tạc lịch sử Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa, công kích Đảng Cộng sản và quân đội Liên Xô. Theo đề xuất của A.Yakovlev, nhiều tổng biên tập các báo chủ chốt của Liên Xô như Báo Sự thật-Cơ quan trung ương của đảng, Báo Tin tức, Tạp chí Thế giới mới, Ngọn cờ, v.v.. được thay thế bằng các tổng biên tập ủng hộ chủ trương “cải tổ”. Mặt khác, sử dụng cơ chế kỷ luật của Đảng, M.Gorbachev và A.Yakovlev đã ngăn cấm những tư duy lành mạnh và dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội, ngăn chặn mọi động thái chống “cải tổ”. A.Yakovlev chia sẻ trong hồi ký của mình: “Nhìn lại, tôi có thể tự hào mà nói rằng đó là chiến thuật thông minh nhưng rất đơn giản để hủy diệt hệ thống toàn trị của chủ nghĩa cộng sản”.

Nhận định về sự sụp đổ Liên Xô, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, lẽ ra Liên bang Xô viết có thể tiếp tục tồn tại và phát triển bằng cách cải cách hệ thống chính trị và chế độ kinh tế mà không cần phải làm một cuộc cách mạng. Tổng bí thư Y.Andropov đã từng có kế hoạch cải cách kinh tế theo hướng thị trường và hợp tác với phương Tây, đồng thời duy trì sức mạnh quân sự vượt trội, trên cơ sở đó từng bước cải cách hệ thống chính trị. Theo Y.Andropov, phải đưa Liên Xô hội nhập với phương Tây trên thế mạnh. Do đột ngột qua đời vào năm 1984, Y.Andropov đã không thể thực hiện đến cùng kế hoạch đề ra. Chính vì thế, cái chết của Y.Andropov đến nay vẫn là một bí ẩn của lịch sử.

LÊ THẾ MẪU