Từ ngày 17-7 đến 2-8-1945, tại hội nghị ở Potsdam (Đức), những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Anh và Mỹ đã thảo luận và thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có vấn đề Đông Dương. Theo quyết định của hội nghị, quân đội Trung Hoa dân quốc (Quốc dân đảng) sẽ vào giải giáp quân Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra; từ vĩ tuyến 16 trở vào do Bộ tư lệnh tối cao lực lượng Đồng minh khu vực Đông Nam Á dưới sự chỉ huy của Đô đốc Louis Mountbatten (Anh) đảm nhiệm. Ngày 13-8-1945, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Anh yêu cầu Mountbatten nhanh chóng triển khai lực lượng để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tổng hành dinh đạo quân Phương Nam của Nhật tại Sài Gòn; thỏa thuận với Thống chế Terauchi Hisaichi về việc Nhật đầu hàng, sau đó tiến hành giải giáp và hồi hương quân Nhật; phóng thích và hồi hương toàn bộ tù binh Đồng minh bị bắt và giam giữ tại miền Nam Việt Nam.
Chính quyền của Thủ tướng Anh Clement Attlee lúc bấy giờ cho rằng, thắng lợi của cách mạng ba nước Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai là mối đe dọa trực tiếp đối với nền thống trị của thực dân Anh ở các nước thuộc địa, nhất là ở Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka... Nhân dân các nước này có thể noi theo Việt Nam đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền thực dân Anh. Điều này làm cho chính quyền Anh lo ngại, do đó, ngày 24-8-1945, Anh đã ký với Pháp hiệp ước công nhận "chủ quyền" của Pháp ở Đông Dương. Thực chất là thỏa thuận Anh ủng hộ và tạo điều kiện cho Pháp quay trở lại thuộc địa cũ ở Đông Dương. Hơn nữa, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cả Anh và Pháp đều bị Mỹ chèn ép, tìm cách gạt dần ảnh hưởng ra khỏi các thuộc địa cũ, nên hai nước này đã thống nhất với nhau tìm cách đối phó với Mỹ, để duy trì hệ thống thuộc địa cũ của mình. Vì vậy, việc được phân công vào giải giáp quân Nhật ở Đông Dương là một cơ hội tốt để Anh và Pháp thực hiện âm mưu đen tối của mình. Ngày 28-8-1945, Thiếu tướng Douglas Gracey, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 20 liên quân Anh-Ấn, đang hoạt động trên chiến trường Myanmar, nhận được lệnh điều động sang miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Gracey được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy lực lượng quân Anh tại Đông Dương và bí mật nhận chỉ thị từ Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Anh về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho quân Pháp tiến công xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Douglas Gracey sinh ngày 3-9-1894 tại thành phố Muzaffarnagar, thuộc Anh trước đây và nay thuộc bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Gracey tốt nghiệp trường Blundell và Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst (Anh). Năm 1915, Gracey gia nhập Lục quân Ấn Độ; trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, hoạt động trên chiến trường nước Pháp; năm 1938, được phong hàm Chuẩn tướng Bộ Tham mưu Tây Ấn; từ năm 1942 đến 1945 là Thiếu tướng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 20 Ấn Độ tại Myanmar; từ năm 1945 đến 1946 là Tổng chỉ huy lực lượng quân Anh tại Đông Dương.
Ngày 13-9-1945, Gracey đã cùng tiểu đoàn Gurkha (bao gồm những binh lính thiện chiến người Gurkha, một dân tộc thiểu số ở Nepal), rời thủ đô Yangon (Myanmar) bay tới Sài Gòn. Ngày 14-9-1945, các đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 20 liên quân Anh-Ấn, được lệnh rời Myanmar tới miền Nam Việt Nam. Khi tới Sài Gòn, toàn bộ lực lượng của sư đoàn được triển khai tại các vị trí then chốt ở ngoại ô Chợ Lớn, sân bay Tân Sơn Nhất và các địa điểm trọng yếu xung quanh tổng hành dinh đạo quân Phương Nam của Nhật. Song tại Sài Gòn, Gracey đã không thực hiện nhiệm vụ được giao là tước vũ khí của quân Nhật mà ra lệnh cho quân Anh cùng quân Pháp tiến hành đàn áp phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, tổ chức các vụ gây hấn, bắt bớ, giam cầm và giết hại hàng trăm người dân vô tội. Ngày 21-9-1945, Gracey ban bố tình trạng thiết quân luật tại Sài Gòn, cấm nhân dân miền Nam Việt Nam mang vũ khí và biểu tình, cấm tất cả các loại báo ở Nam Bộ (trừ các báo của Pháp); lấy vũ khí từ các kho vũ khí của Nhật trang bị cho 14.000 tù binh và kiều dân Pháp, cho phép lực lượng này chiếm đóng các đồn cảnh sát ở Sài Gòn, kho bạc, sở mật thám, bưu điện...; đồng thời cung cấp vũ khí trang bị cho trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 của Pháp (The 5th RIC) và khoảng 5.000 quân Nhật để cùng quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn.
Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp nổ súng tiến công đánh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam Bộ và Quốc gia Tự vệ cuộc, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc đầu, Gracey lệnh cho lữ đoàn liên quân Anh-Ấn "án binh bất động", làm ngơ cho quân Pháp đánh chiếm trụ sở của chính quyền cách mạng, kiều dân Pháp đánh đập bất cứ người dân Việt Nam nào họ gặp trên đường; số nạn nhân người Việt Nam bị người Pháp đánh đập lên tới vài nghìn người. Cảnh bạo lực trên đường phố gây bất bình cho nhiều người, trong đó có A. Peter Dewey, chỉ huy của nhóm Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (The Office of Strategic Services-OSS) ở Sài Gòn. Dewey đã xin gặp Gracey để phản đối tình trạng bạo lực và ngay ngày hôm sau, ông này đã bị Gracey trục xuất khỏi Sài Gòn.
Gracey còn cho Pháp mượn tàu thủy chở vũ khí và quân dụng từ biển vào Sài Gòn, lập tòa án quân sự để xét xử những người Việt Nam mà họ buộc tội là "vi phạm trật tự công cộng"... Sau đó, ông ta ra lệnh cho binh lính Anh trực tiếp tham gia vào các cuộc tiến công của quân Pháp nhằm lật đổ chính quyền cách mạng tại Sài Gòn. Trắng trợn hơn, Gracey còn gửi tối hậu thư yêu cầu chính quyền cách mạng phải giải tán lực lượng dân quân tự vệ, rút hết lực lượng vũ trang ra ngoài thành phố, rời khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ (dinh Thống đốc cũ) và đòi ta trao lại các bốt cảnh sát, cảng Sài Gòn và xưởng Ba Son để Anh trao lại cho Pháp... Ngày 15-10-1945, khi đến Campuchia giải giáp quân Nhật, Gracey đã cho một đại đội quân Pháp đi theo quân Anh-Ấn đánh chiếm Campuchia.
Mặc dù chỉ hoạt động tại Việt Nam trong một thời gian ngắn dưới danh nghĩa là lực lượng Đồng minh giải giáp quân Nhật nhưng quân Anh đã gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Được sự dung túng và bao che của Đô đốc Mountbatten, Gracey đã duy trì những hành động thực dân của mình trong suốt thời gian ở Việt Nam. Ngày 28-1-1946, Gracey rời Sài Gòn; sở chỉ huy quân đội Anh làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật tại Sài Gòn kết thúc hoạt động. Những hành động của Douglas Gracey ở miền Nam Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi trong giới sử học quốc tế; một số nhà sử học đã gọi ông ta là "kẻ phá hoại hòa bình" thay cho "gìn giữ hòa bình".
Đại tá VŨ VĂN KHANH (tổng hợp)