QĐND - Bài thơ “Ba năm trấn thủ lưu đồn” đã được in trong sách Quốc văn giáo khoa thư, chương trình giáo dục tiểu học trong cả nước ta trước năm 1945 và cả trong chương trình Văn học trích giảng cấp 3 ở cả hai miền Nam, Bắc trước năm 1975. Nguyên văn bài thơ là:

Ba năm trấn thủ lưu đồn./ Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan./ Chém tre đẵn gỗ trên ngàn./ Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai./ Miệng ăn măng trúc măng mai./ Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng./ Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.

Hàng trăm năm nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác, các thầy, cô giáo đã giảng cho học sinh đây là bài thơ khuyết danh, truyền miệng với nội dung là nỗi buồn của anh lính thú (lính đi giữ biên ải), phải xa gia đình để đi trấn giữ đồn biên giới với kỳ hạn là ba năm. Ba năm ấy biết bao gian khổ, tai ương chờ đợi, rình rập anh ta. Nào là rừng thiêng, nước độc, rắn rết, muỗi mòng, hùm beo, giặc giã… Công việc thường ngày vô cùng vất vả, ăn uống thì kham khổ. Câu thơ cuối cùng  Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng được cho là khát vọng tự do, niềm an ủi của người lính thú.

Minh họa: Quang Cường.

Kể ra giảng như vậy chẳng có gì sai vì cái gốc hai chữ “lưu đồn” được hiểu là động từ “lưu” và danh từ “đồn”. Lưu là ở lại, dừng lại. Đồn là cái đồn có quân đóng giữ.

Nhưng gần đây, nhà thơ Lê Đình Lai (Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam) đã phát hiện một điều lý thú về xuất xứ và tác giả bài thơ nói trên, khiến cho việc cắt nghĩa bài thơ có nhiều điều cần xem xét lại.

Trong bài viết “Có hai bài thơ Trấn thủ lưu đồn?” đăng trên Báo Văn nghệ Công an số 156 ngày 18-7-2011, nhà thơ Lê Đình Lai cho biết:

Trong một chuyến đi về thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ông phát hiện thấy có một tấm bia đá lớn đặt bên trái sân đình, trên bia có khắc một bài thơ chữ Hán, ông được một cụ giáo già trong làng đọc cho ghi lại bài thơ bằng âm Hán - Việt như sau:

Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn (cụ giáo già còn nhắc ông chữ lưu đồn phải viết hoa)./ Nhật tuần điếm dạ hành sự quan./ Trảm trúc cứ mộc thượng lâm./ Hữu thân hữu khổ bình đàm đồng ai./ Khẩu thực duẩn trúc duẩn mai./ Chư mai chư trúc dĩ ai hữu bằng./ Thủy tỉnh trạm ngư đắc cung thân thượng hạ hoành.

Phần dưới tấm bia là bài dịch ra chữ Quốc ngữ, giống hệt bài thơ mà ông được mẹ, được bà ru từ hồi còn nhỏ, và được học trong nhà trường phổ thông thuở còn là học sinh cấp 3, chỉ khác có một chỗ là bài thơ chữ Hán và bản dịch trên bia là “Ba mươi năm…” còn bài thơ mà ông cũng như hầu hết chúng ta đã biết là “Ba năm…” như đã nói ở đầu bài.

Không biết với bạn đọc thế nào, chứ với tôi, năm nay đã hơn 80 tuổi, đây là lần đầu tiên được đọc bài thơ này bằng âm Hán-Việt.

Được sự hướng dẫn của nhà thơ Lê Đình Lai, giữa tháng 5-2013, chúng tôi về Lưu Đồn-xưa kia là “Cung Trần Vương dã ngoại Lưu Đồn”-căn cứ chiến lược trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII.

Tài liệu “Trần triều cứ địa Lưu Đồn” cho biết: Cung Trần Vương dã ngoại Lưu Đồn có từ cuối cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (1258) tại ấp Vạn An, phủ Thiên Trường. Và từ đấy, ấp Vạn An được đổi tên là Lưu Đồn (bao gồm các làng Lưu Đồn, Vạn Đồn, Tu Trình và các vùng phụ cận hiện nay). Cung Trần Vương dã ngoại được xây dựng ở động Tam Khê, đảo Phượng Hoàng. Hồi đó khu vực này còn là một miền hoang vu, sình lầy ven biển, nay đã cách bờ biển hơn 3km theo đường chim bay. Hiện nay, ngoài rất nhiều câu chuyện dân gian, các bài đồng dao được ghi lại, các làng ở đây-nhất là làng Lưu Đồn-còn lưu giữ được nhiều tư liệu thành văn như “Thần phả ký Lưu Đồn”, “Gia phả dòng họ Nguyễn”, các di tích đình, đền, miếu, từ đường dòng họ, bia đá, câu đối, giếng nước cổ, phần mộ của các vị tướng có nhiều công lao hiển hách trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông (trong đó có người đã từng là thầy giáo của Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông…). Khi đào móng làm nhà, hay khi nạo vét các giếng cổ, dân làng Lưu Đồn đã thu được khá nhiều đồ gốm, sành, sứ và tiền cổ thời Lý-Trần. Hậu duệ đời thứ 26-30 của các vị tướng thời nhà Trần, còn khá nhiều ở vùng này, như cụ Nguyễn Duy Cuông-người chịu trách nhiệm giữ và tiếp tục ghi chép gia phả dòng họ Nguyễn là hậu duệ đời thứ 26 của Tướng quân-Phó sứ-Quốc sư Nguyễn Phúc Hiền là người khởi ghi “Thần phả ký Lưu Đồn” và “Gia phả dòng họ Nguyễn”, hậu duệ của tướng quân Phạm Ngũ Lão…

Bản dịch “Thần phả ký Lưu Đồn” ghi: Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông lần thứ hai, buổi đầu kháng chiến, thế giặc mạnh, quân ta không giữ nổi Long Thành, hai vua chạy ra biển, về ngự trên đảo Phượng Hoàng… Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến lần thứ hai, từ căn cứ địa Lưu Đồn, các binh tướng dưới sự chỉ huy của Tiết chế Trần Hưng Đạo làm lễ xuất quân ở cửa Bồ Đề (nay thuộc làng Bình Lạng, xã Thụy Xuân) rồi tiến ra đánh thắng các trận A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử… Đến cuộc kháng chiến lần thứ ba, cũng tại căn cứ Lưu Đồn, Tiết chế Hưng Đạo Vương và vua Trần Nhân Tông mật đàm, nửa đêm truyền lệnh đánh trận Bạch Đằng...

Cứ địa Lưu Đồn có vị trí rất quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông.

Chùa Nam Triều ở giữa làng Lưu Đồn có đôi câu đối:

Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí

Lưu Đồn cứ địa thủ cơ đồ

Đình Lưu Đồn được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp Nhà nước (Quyết định số 1214/QĐ do Bộ trưởng Trần Hoàn ký ngày 30-10-1990), nhìn từ ngoài vào, bên cạnh cây xoài có một tấm bia đá cao khoảng hai mét (mới được dựng năm 1997), đặt trên lưng một con rùa có khắc bài thơ chữ Hán với câu mở đầu là Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn… ở phần trên, và phần dưới tấm bia là bài dịch ra quốc âm Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn… nội dung hoàn toàn đúng như bài mà nhà thơ Lê Đình Lai chép lại.

Nguyên văn bài thơ này được ghi trong Thần phả của làng có tên là “Thần phả ký Lưu Đồn”. Người khởi ghi Thần phả này là Quốc sư-Phó sứ-tướng quân Nguyễn Phúc Hiền, con út của Trưởng binh Long Thành-Phò mã Nguyễn Liêu Công, tự Trung Chính và công chúa Quỳnh Hoa thời nhà Trần, là em ruột của tướng quân Nguyễn Khoái, Nguyễn Địa Nô-các danh tướng thời Trần.

Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền là người văn võ toàn tài. Trong kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai, lần thứ ba ông chỉ huy đội Long binh, Hổ binh coi giữ 4 tiền đồn bảo vệ căn cứ Lưu Đồn, bảo đảm an ninh cho bộ máy chỉ huy kháng chiến.

Sau chiến thắng quân Nguyên-Mông lần thứ ba (1288), ông được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ đi giao hòa với nhà Nguyên. Sau đó ông được phong Quốc sư. Khi Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua về tu ở chùa Yên Tử, Nguyễn Phúc Hiền trụ trì tu ở chùa Nam Triều, thôn Lưu Đồn cho đến khi qua đời. Ông không lập gia đình.

Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền bắt đầu viết Thần phả ký Lưu Đồn và gia phả dòng họ ông năm 1258 là năm ông theo cha là Phò mã Nguyễn Liêu Công (tự Trung Chính) cùng Thái bảo-Thái úy Bùi Công Bình và tướng quân Dương Mãnh Đại vâng mệnh triều đình về xây dựng ấp Vạn An, phủ Thiên Trường thành căn cứ quan trọng giữ nước. Ông ở đây cho đến khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thắng lợi năm 1288, tròn 30 năm. Thần phả không ghi năm sinh năm mất của ông.

Việc đi sâu nghiên cứu về tác giả Nguyễn Phúc Hiền, về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của bài thơ “Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn” ắt hẳn sẽ còn có thể phát hiện ra nhiều điều thú vị, bổ ích.

Điều có thể khẳng định rằng, Lưu Đồn là một danh từ riêng, một địa danh, có quá trình lịch sử rõ ràng và đang tồn tại với nhiều di tích vật thể và văn thơ. Lưu Đồn không phải là một động từ (lưu lại ở một cái đồn nào đó) mặc dù cách viết chữ Nho không phân biệt chữ viết hoa (để chỉ danh từ riêng) với chữ viết thường.

Bài “Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn” của Nguyễn Phúc Hiền đã phản ánh một khía cạnh thực tế của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, là một tác phẩm có xuất xứ, có thời điểm ra đời, có tác giả hẳn hoi chứ không phải là bài ca dao khuyết danh, truyền miệng. Do đó, việc giải thích bài thơ cần được thay đổi cho đúng với nội dung, không thể đơn giản là “thân phận anh lính thú đi trấn giữ một cái đồn nào đó nơi biên ải”.

Việc dịch bài thơ chữ Hán ra tiếng Việt chắc hẳn phải bàn thêm.

Ví dụ câu thứ tư Hữu thân hữu khổ bình đàm đồng ai, và câu thứ sáu Chư mai chư trúc dĩ ai hữu bằng,  cả hai chữ ai trong văn bản chữ Nho đều là chữ có nghĩa là buồn, thương xót (bi ai…) mà dịch là phàn nàn cùng ai (cùng một ai đó, người nào đó) thì liệu đã chính xác chưa? Có thể dịch khác được không?...

Rất mong được bạn đọc góp thêm ý kiến.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG