QĐND - Được đánh giá là chiếc mỏ neo của truyền thông Mỹ, W.Cron-kai-tơ (1916-2009) đã làm việc suốt hai thập kỷ (1962-1981) trên buổi phát tin tối của kênh CBS. Ở thời hoàng kim (1960-1970) của kênh truyền hình này, ông được xem là “người đáng tin cậy nhất nước Mỹ”. Sinh thời, ông đã tường thuật nhiều sự kiện lớn nhất trong thế kỷ 20 của nước Mỹ như Thế chiến II, tòa án Nu-rem-béc (Nuremberg) xử tội phạm phát xít, cuộc chiến tranh Việt Nam, các chương trình chinh phục vũ trụ của Mỹ, vụ ám sát Tổng thống Giôn Ken-nơ-đi (John Kennedy)…
Thả chệch neo tại “Vịnh Bắc Bộ”
Ngày 12-8-2004, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện Vịnh Bắc Bộ, W.Cron-kai-tơ (Walter Cronkite) có bài bình luận trên Đài Phát thanh quốc gia Hoa Kỳ NPR nhan đề Cuộc tiến công của những con ma trên Vịnh Bắc Bộ: Sai sót tình báo góp phần dẫn đến quyết định đánh Việt Cộng (Gulf of Tonkin’s Phantom Attack: Faulty Intelligence Played Role in Decision to Engage Viet Cong). Qua bài này, Cron-kai-tơ muốn tự bào chữa cho truyền thông Mỹ và bản thân ông vào năm 1964 đã bị “nhử” vào dàn đồng ca về “vụ Vịnh Bắc Bộ” của chính quyền Giôn-xơn (Johnson), chỉ vì “đã quá tin vào các báo cáo chính thức”.
Những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam hẳn đã làm con người có lương tri Cron-kai-tơ tìm kiếm cơ hội “phản pháo”, hoàn trả cho mô hình “súng và bơ” bộ mặt thật của nó. Sang Nam Việt Nam về sau khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nổ ra, Cron-kai-tơ đã đăng đàn phát biểu trên CBS News ngày 27-2-1968, khi cao điểm đợt 1 các “làn sóng tiến công của Việt Cộng” dâng tràn trên các kênh truyền thông Mỹ.
Tết 1968: Lời nói đọi máu
Phong trào chống chiến tranh ở Mỹ hôm nay vẫn nhớ những lời bình luận quả cảm của Cron-kai-tơ trong đêm 27-2-1968. Sau khi ông kết bài bình luận bằng câu: “Đây là Cron-kai-tơ. Chúc ngủ ngon”, thì lương tri Mỹ bắt đầu những đêm mất ngủ, sẽ kéo dài suốt 7 năm sau.
Bình luận của Cron-kai-tơ có tựa đề gây chấn động: “Chúng ta đang ngập vào vũng lầy không lối thoát”. Ông bắt đầu như sau:
“Hôm nay, trở lại với không gian quen thuộc quanh Niu Y-oóc, chúng tôi muốn tóm tắt những gì đã tai nghe mắt thấy ở Việt Nam, trong một phân tích có tính suy đoán, riêng biệt, tự cảm nhận. Ai thắng, ai thua trong cuộc tiến công đại quy mô các thành phố? Tôi không biết. Việt Cộng đã không thắng được nhờ một đòn nốc ao, nhưng chúng ta cũng vậy. Lịch sử sẽ phán xét và sẽ rút ra bài học…”.
Một câu trong bình luận, được dẫn rất nhiều trong sách báo phương Tây:
“Chúng ta đã quá thường xuyên phải thất vọng bởi sự lạc quan của các nhà lãnh đạo nước Mỹ, ở cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, đến mức khó có thể tiếp tục tin vào những an ủi giữa cơn bĩ cực mà họ vẫn tìm thấy trong những đám mây đen tối nhất”.
 |
W.Cron-kai-tơ trầm ngâm giữa đường phố Hà Nội, đầu năm 1973.
|
Tổng thống Giôn-xơn than thở sau buổi phát hình ngày 29-2-1968 của Cron-kai-tơ: “Mất Cron-kai-tơ, có nghĩa là tôi mất tầng lớp trung gian ủng hộ chính quyền. Ba tuần sau, Giôn-xơn lên truyền hình tuyên bố sẽ không tìm cách tái cử tổng thống một nhiệm kỳ nữa và quyết tìm giải pháp cho chiến tranh qua đàm phán với đối phương.
1968: Năm bạo lực và chia rẽ ở Mỹ
Sau những phát súng của Tết Mậu Thân “như nổ trên đường phố Hoa Kỳ” và tuyên bố “làm thế giới sửng sốt” của Tổng thống Giôn-xơn (31-3) là cuộc ám sát Lu-thơ Kinh (Luther King), lãnh tụ phong trào đòi bình quyền của người da đen (4-4), dẫn đến loạt bạo động trên khắp nước Mỹ, cuộc ám sát ứng cử viên hòa bình Đảng Dân chủ Rô-bớt Ken-nơ-đi (Robert Kennedy) (5-5)… Trong thời gian Hội nghị Đảng Dân chủ đề cử ứng cử viên tổng thống cuối tháng 8-1968, Đảng này chia tách thành hai phái: Ủng hộ và phản đối chiến tranh. Từ 26 đến 29-8 những người biểu tình ủng hộ ứng viên hòa bình Mắc Ca-thi (McCarthy) tuần hành một cách ôn hòa trên các đường phố chính của Chi-ca-gô (Chicago), nơi diễn ra hội nghị Đảng Dân chủ. Nhưng ở cao điểm, chiều 27-8, nhiều người biểu tình “chiếm” ngọn đồi trong Công viên Lớn (Grand Park), phất cờ của Mặt trận giải phóng và “Bắc Việt Nam”. Thống đốc Chi-ca-gô thuộc phe chủ chiến trong Đảng Dân chủ, điều cảnh sát và 6000 vệ binh quốc gia tới đàn áp cuộc biểu tình. Toàn nước Mỹ xem tường thuật trực tiếp cuộc động loạn này, chia sẻ với bình luận của Cron-kai-tơ trên kênh CBS, sự căm phẫn với chính sách thẳng tay đàn áp của nhà cầm quyền…
 |
Sinh viên Mỹ giương cờ Việt Nam dân chủ cộng hòa và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tại Công viên Lớn, Chi-ca-gô, tháng 8-1968. Ảnh tư liệu
|
Hàng trăm người biểu tình và hơn 100 cảnh sát bị thương. Trong số 700 người bị bắt có những người đấu tranh vì hòa bình nổi tiếng và là khách thường xuyên của Hà Nội như: Đê-vít Đen-linh-gơ (David Dellinger), Tôm Hay-đơn (Tom Hayden)…
Truyền thông Mỹ cũng nhắc nhở rằng, chính lúc này Ních-xơn đã lợi dụng sự chia rẽ của nước Mỹ và cả trong Đảng Dân chủ đối lập, đưa ra những chiêu bài chính trị để “đánh lộn sòng”, theo đuổi đường lối chiến tranh trong gần hai nhiệm kỳ nữa.
Thuật ngữ quân sự mới
Cuối bình luận trên kênh CBS đêm 27-2-1968, Cron-kai-tơ kêu gọi Nhà Trắng hãy đàm phán với Hà Nội và “Việt Cộng” hơn là đánh ra miền Bắc, hay dùng vũ khí hạt nhân, hay đưa thêm 100.000, 200.000 hay 300.000 quân Mỹ nữa sang Việt Nam. Ông đưa ra một khái niệm mới cho nền chính trị của chiến tranh và can thiệp quân sự: “Hiện đã rõ ràng hơn bao giờ hết là sự trải nghiệm bằng máu của Mỹ ở Việt Nam đang mắc kẹt trong tình thế không lối thoát”.
Trước Tết Mậu Thân, người Mỹ chỉ nhìn nhận hoạt động chiến tranh trong hai khái niệm thắng - thua, biểu thị bằng con số: Đếm được nhiều xác “địch” hơn, kiểm soát được nhiều lãnh thổ hơn. Từ sau 27-2-1968, trong từ điển quân sự Mỹ xuất hiện một từ mới: Stalemate, có nghĩa là thế bí, là tiến thoái lưỡng nan, bó tay, lạc nước... Còn một thuật ngữ nữa hình thành trong thời kỳ cuối 1967 - đầu 1968 là “Việt Nam-cuộc chiến trên truyền hình”.
Tháng 6-2011, đã xuất bản cuốn Không có chiến thắng rõ ràng: Đo đếm hiệu lực và tiến bộ của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tác giả G.Đát-đi (G.Daddis) đã dùng thuật ngữ của Cron-kai-tơ, đặt tên cho Chương 6 của sách là Năm của cuộc tiến công Tết: Thắng lợi, Thất bại, hay Bế tắc? Theo G.Đát-đi, Mỹ thất bại ở Việt Nam vì thứ nhất, các nhà chiến lược chỉ chú trọng thu thập dữ liệu mà không tập trung vào phân tích dữ liệu, đồng thời, quân đội Mỹ sản xuất tới 14.000 pound (gần 7 tấn) báo cáo trong một ngày, một số lượng quá lớn để có thể phân tích hiệu quả; thứ hai, do quân Mỹ đã đo lường sai các chỉ tiêu thắng lợi và do nhầm lẫn về… thuật ngữ, chẳng hạn, khái niệm tiến triển (progress) và hiệu quả (effectiveness) là khác nhau.
Quên mình dẫn dắt nhận thức
Một phóng sự truyền hình của Cron-kai-tơ trên kênh CBS được nhiều người Mỹ ghi nhớ là “Danh dự, nghĩa vụ và một cuộc chiến tranh được gọi là Việt Nam”, được ông thực hiện ở Hà Nội năm 1985 về bài học chiến tranh Việt Nam đối với nước Mỹ. Tờ Thời báo Niu Y-oóc có nhận xét rằng, các bức ảnh về “người đáng tin cậy nhất nước Mỹ” ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc cho thấy ông thật trầm tư mặc tưởng.
Thời báo Niu Y-oóc nhận thấy, các bài về chiến tranh Việt Nam của CBS, thường do Cron-kai-tơ không hẳn nói về chiến tranh, mà nói đến cảm nhận về nó, rằng các phóng sự Việt Nam của ông thường “nghiêm trang”, thậm chí nhuốm màu “tang tóc”. Và tờ báo cũng nhắc lại rằng, Cron-kai-tơ nhiều lần nói nước Mỹ đã thua, rằng Việt Nam là “thất bại quân sự duy nhất của nước Mỹ”. Bài viết này được xuất bản năm 1985, nhận xét rằng, Cron-kai-tơ luôn mong người Mỹ nuôi hy vọng rằng sẽ không còn một (chiến tranh) Việt Nam nữa, rằng ông muốn Chính phủ Mỹ phải hỏi ý kiến dân trước khi đưa lính Mỹ dấn vào các cuộc viễn chinh.
Nhưng vẫn còn những phái “diều hâu” tới nay vẫn chưa vỡ lẽ tại sao quân đông tướng mạnh mà chính quyền Giôn-xơn phải đề xuất thương lượng để cầu hòa. Vẫn còn những khẳng định Mỹ “thắng về quân sự”, cụ thể về “đếm xác”, về số chiến dịch được tiến hành, số đạn pháo được bắn, số trận phục kích được thực hiện… Vì thế, từ đầu thiên niên kỷ mới, đã xuất hiện những cuộc chiến của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Chúng nhanh chóng trở nên không có lời giải và truyền thông Mỹ đã phải “chế” thêm những thuật ngữ mới, như VietIstan, hay AfganisNam, IraqiNam… đồng nghĩa với từ sa lầy, bó tay mà Cron-kai-tơ đã đưa ra từ thời Tết Mậu Thân.
Lê Thành