“Hồ sơ Lầu Năm Góc” (The Pentagon Papers) có tên chính thức “Quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, 1945-1967: Một nghiên cứu được chuẩn bị bởi Bộ Quốc phòng (United States-Vietnam Relations, 1945-1967: A study prepared by the Department of Defense), là công trình nghiên cứu về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1967. Công trình gồm 47 tập với 3.000 trang tường thuật, phân tích và 4.000 trang tư liệu; được bắt đầu từ năm 1967 và hoàn thành trước năm 1969. 15 trong tổng số 47 tập được xếp vào dạng tài liệu “tuyệt mật”.
Nội dung của công trình phản ánh chính sách của Mỹ về vấn đề Việt Nam qua các đời tổng thống: Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson; phân tích những sai lầm của Chính phủ Mỹ khi quyết định leo thang can thiệp vào Việt Nam...
Những tập đầu của công trình phân tích chính sách của Mỹ đối với Đông Dương trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như quá trình can thiệp của Mỹ vào Đông Dương từ năm 1950 đến 1954, Hội nghị Geneva năm 1954 và phong trào cách mạng từ năm 1954 đến 1960. Một dung lượng lớn tư liệu của công trình đề cập đến những sự kiện xảy ra dưới thời Tổng thống Johnson trong năm 1960. Đó là sự kiện Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm bị lật đổ; sự kiện vịnh Bắc Bộ; quyết định của Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam; quyết định triển khai lực lượng trên bộ của Mỹ ở miền Nam; quá trình tăng thêm lực lượng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và việc sử dụng các lực lượng này, lịch sử ngoại giao quân sự từ năm 1964 đến 1968.
Một trong những người tham gia nghiên cứu “Hồ sơ Lầu Năm Góc” là Daniel Ellsberg, người gốc Do Thái, sinh ngày 7-4-1931 tại Chicago, Mỹ. Ông là nhân viên phân tích tình báo chiến thuật, chiến lược của quân đội Mỹ. Trước khi gia nhập quân đội, Daniel Ellsberg làm cho Tập đoàn RAND-một công ty chuyên phân tích tình hình cho quân đội Mỹ và Doughlas Air Company-công ty cung cấp vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard (năm 1954) với thành tích xuất sắc, Daniel Ellsberg gia nhập hải quân Mỹ. Sau hai năm phục vụ, Daniel Ellsberg giải ngũ, tiếp tục học ở Harvard và tham gia giúp RAND phân tích tình hình quân sự. Năm 1964, Daniel Ellsberg chính thức làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ và tham gia sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964. Năm 1965, ông chuyển sang làm việc tại Bộ Ngoại giao đặc trách phân tích tình hình Việt Nam. Năm 1967, ông trở về làm cho RAND và Bộ Quốc phòng.
Là người nắm giữ nhiều bí mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là sự dối trá và những âm mưu của chính quyền Mỹ nhằm ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam, Daniel Ellsberg hiểu rõ những sự thật đằng sau cuộc chiến, ông dần trở thành một trong những người phản đối cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Trong năm 1970, Daniel Ellsberg cố gắng tìm cách gây ảnh hưởng đối với các nghị sĩ bằng cách thuyết phục các trợ lý văn phòng của họ về những mặt trái của cuộc chiến, nhưng nỗ lực này thất bại. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp Anthony Russo (1934-2008), một nhân viên của Tập đoàn RAND, Daniel Ellsberg đã bí mật sao chép nhiều tài liệu tối mật và chuyển chúng cho báo chí. Sau đó, chúng được giới truyền thông Mỹ đặt tên là “Hồ sơ Lầu Năm Góc”.
Ban đầu, việc đăng tải các nội dung của “Hồ sơ Lầu Năm Góc” trên tờ The New York Times chưa thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, nhưng từ khi chính quyền Mỹ ra lệnh cấm tờ báo này đăng tải những nội dung tiếp theo, sự kiện “Hồ sơ Lầu Năm Góc” trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ. Chính phủ Mỹ đã kiện tờ The New York Times ra tòa về tội làm lộ bí mật an ninh quốc gia. Tờ Washington Post sau đó cũng bị buộc tội có liên quan. Tuy nhiên, ngày 30-6-1971, Tòa án tối cao Mỹ đã quyết định từ chối xét xử vụ kiện này vì cho rằng bằng chứng của chính phủ chưa đủ để đưa ra xét xử.
Daniel Ellsberg nhận thức rất rõ ràng rằng việc ông sao chép hồ sơ mật trên có thể khiến ông phải ngồi tù đến hết đời. Sau khi các tài liệu mật được báo chí Mỹ đăng tải, Daniel Ellsberg phải sống chui lủi. Ngày 28-6-1971, Daniel Ellsberg và đồng nghiệp Anthony Russo ra đầu thú cơ quan Cục Điều tra liên bang (FBI) ở Boston, bang Massachusetts, sau đó bị Chính phủ liên bang truy tố về tội danh vi phạm Đạo luật tình báo năm 1917 (Espionage Act 1917). Chính phủ Mỹ đã buộc tội Daniel Ellsberg và Anthony Russo về tội gián điệp. Tuy nhiên, sau hai năm điều tra, tháng 5-1973, Chánh án William M. Byrne ra lệnh bãi nại vụ án và trả tự do cho Daniel Ellsberg và Anthony Russo vì không đủ bằng chứng buộc tội việc công bố “Hồ sơ Lầu Năm Góc” làm phương hại đến an ninh quốc gia như Chính phủ Mỹ tố cáo.
“Hồ sơ Lầu Năm Góc” đã phơi bày sự thật là Mỹ vi phạm trắng trợn các quy định của Hội nghị Geneva về Việt Nam, ngăn cản quá trình thống nhất lãnh thổ, phủ quyết độc lập và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Hành động của Mỹ ở Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế và bị coi là tội phạm chiến tranh theo Hiến chương Nuremberg. Sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã phần nào bị phơi bày qua “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, qua đó đã góp phần thúc đẩy phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
VŨ HỒNG KHANH