Cuộc sát hạch then chốt

Trong bài viết “Giáp trong cuộc chiến chống Mỹ” (GIAP The war against America) đăng trên Tạp chí The Sunday Times, số ra tháng 11-1972, tác giả James Fox viết:

“Cuộc tiến công của Quân Giải phóng vào Quảng Trị năm nay làm tan rã hàng loạt đơn vị Quân đội Sài Gòn và chiếm được những địa bàn trọng yếu hẳn sẽ buộc Nixon không thể làm gì được ngoài việc nhân nhượng trên bàn hội nghị.

Vào đầu năm 1972 này, pháo 130mm được ngụy trang tốt của Quân Giải phóng bắn phá các căn cứ Quân đội Sài Gòn ở phía nam khu phi quân sự làm các cố vấn Mỹ kinh hoàng. Một cố vấn bảo tôi: “Đã từng phát hoảng trong dịp Mậu Thân 1968, chúng tôi luôn dự cảm rằng điều gì đó sắp xảy ra, nhưng ngờ đâu lại dữ dằn thế này”. Mọi người lập tức hiểu rằng, đáng ra phải cho lính Sài Gòn canh giữ những điểm cao ở phía bắc. Bây giờ thì muộn, không còn cách gì kiềm chế được. Sư đoàn 3 tan thành từng mảnh trong đổ nát, không bao giờ khôi phục lại được. Tình báo Mỹ không những không dự báo được điều gì mà còn không hiểu Quân Giải phóng tích cóp được ngần ấy súng đạn bằng cách nào! Cũng như quân Pháp ở Điện Biên Phủ, chẳng ai hiểu nổi đại bác đã mò lên đó bằng cách gì, vào lúc nào. Kể từ đây, theo các cố vấn Mỹ, cách đánh trận của Võ Nguyên Giáp đã trở thành một thứ chiến tranh tổng lực kiểu phương Tây, và họ vội đồ rằng, ông ta sẽ thất trận thôi, vì không kham nổi chi phí quân dụng lớn đến cỡ đó ở những nơi quá xa hậu phương của mình. Họ đã quên rằng sức mạnh truyền thống của Quân Giải phóng chính là những kho bí mật đầy ắp hàng!

leftcenterrightdel
 Một số sách về cuộc tiến công chiến lược năm 1972 được xuất bản ở Mỹ sau chiến tranh.

Rồi Quân đội Sài Gòn chiếm lại được Thành cổ Quảng Trị sau ba tháng trời thực hiện chỉ thị của Thiệu bằng những trận đánh trả giá đắt, khi tòa thành chỉ còn là đống gạch vụn. Còn Quân Giải phóng đã lại chuyển hướng đánh nhau đi đâu đó, với toàn bộ miền quê Quảng Trị nằm trong tay. Cho đến tháng 10-1972, Quân đội Sài Gòn hoàn toàn không còn lực lượng cơ động chiến lược. Các đơn vị còn lại đang vô cùng thiệt hại trong ba hay bốn mặt trận gay go ác liệt, hoặc đang bị căng mỏng tại vùng nông thôn để đánh trả quân du kích, hoặc bảo vệ các đô thành. Họ không còn sức đâu mà nghĩ tới việc chiếm lại những vùng vừa được đối phương giải phóng.

Chỉ trong vòng một tháng, bằng việc đẩy lùi các đơn vị chủ lực của Sài Gòn, Quân Giải phóng đã làm thất bại hoàn toàn công cuộc bình định ở vùng châu thổ. Cũng vào lúc này, vài sư đoàn Quân Giải phóng đã dàn quân ở vùng ven biên giới với Campuchia và việc thâm nhập của họ hầu như không bị cản. Wilbur Wilson, cố vấn Mỹ chịu trách nhiệm về đồng bằng sông Mê Công cho tôi hay rằng, tình hình đã lại quay về như thời kỳ trước năm 1965.

Cùng kỳ, thông báo với báo chí tại Washington rằng Quân đội Sài Gòn vừa thảm bại, ngài Bray, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng, đối phương có ưu thế trong việc tập trung đòn đánh của họ vào những mục tiêu trọng yếu, trong khi Quân đội Sài Gòn phải cơ động lực lượng chiến lược để phòng thủ toàn lãnh thổ.

Cuối cùng, có vẻ như các bên đều cho rằng mình đã chiến thắng trên nền hòa bình, đồng thời đều có thể đưa ra những nhân nhượng. Còn Việt Cộng và quân của Thiệu thì chuẩn bị cho trận sống mái ở Sài Gòn cũng như miền quê. Một tình hình ổn định xem ra còn xa vời, trong khi Nixon vẫn rêu rao rằng ông ta gặt hái hòa bình “trong danh dự”. Cuộc ném bom không hạn chế có tính diệt chủng chống miền Bắc trong khi hòa đàm vẫn duy trì xem ra là lời thuyết minh xứng đáng cho vở diễn này…”.

Cuộc chơi mạo hiểm

Chiến dịch giành lại Thành cổ Quảng Trị bằng mọi giá của Quân đội Mỹ-Sài Gòn dự kiến thực hiện trong hai tuần, đã kéo dài gần ba tháng. Tổn thất quá lớn của Quân đội Sài Gòn trong trận này là một trong những nguyên nhân khiến họ thất bại trong các chiến dịch đầy tham vọng liên tiếp như Lam Sơn 72A, các đợt hành binh Sóng Thần từ cuối tháng 9-1972 đến tháng 1-1973.

Một công văn năm 1972 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Một trong những mục tiêu của Hà Nội trong cuộc tiến công 1972 là dàn quân đối đầu với sức đột phá của chủ lực đối phương. Điều này Hà Nội suy tính, sẽ giúp cho các lực lượng của họ quay lại nắm các chỗ đứng chân trọng yếu của mình trước đây ở nông thôn miền Nam bị Mỹ và đồng minh chiếm sau Mậu Thân 1968, nhờ đó mà giành lại các nguồn lực về người và tiếp tế”.

Tác giả Don Neff trong bài “Cuộc chơi mạo hiểm cao để giành thắng lợi của Hà Nội” đăng ở Tạp chí Times tháng 5-1972: “Mục tiêu của Hà Nội trong chiến cuộc 1972 là xây dựng một chỗ đứng vững chắc trên chiến trường sao cho bên đối phương không còn gì để mặc cả trên bàn thương lượng”.

Cũng theo Tạp chí Times số tháng 1-1973, bài “Biên niên của một nền hòa bình bị trật đường ray”, dù Nguyễn Văn Thiệu làm rùm beng về “chiến thắng” ở Thành cổ Quảng Trị, chiến lược “vừa đánh vừa đàm” của Hà Nội vẫn được xem là thành công, khi hàng triệu người tin tưởng rằng bản dự thảo Hiệp định Paris sẽ dẫn tới xác lập nhanh một nền hòa bình ở Việt Nam.

Tác giả Larry Berman trong cuốn sách “Không hòa bình, chẳng danh dự” xuất bản năm 2001 cho rằng, giành lại thị xã Quảng Trị là một chiến thắng “rỗng” đối với Quân đội Sài Gòn, bởi vì họ đã không có phát triển gì từ “chiến quả” này cho đến khi ký kết Hiệp định Paris. Trong khi đó, mặc dù phải rút khỏi Thành cổ, Quân Giải phóng vẫn chiếm được các vùng đất dọc theo biên giới với Campuchia và Lào, cũng như vùng nam Vĩ tuyến 17. Hà Nội đã duy trì được quyền kiểm soát các vùng này để thực hiện trận đánh vào Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh.

Cuộc chiến công nghệ cao

Dù “bức tường thép” từng được dựng ở phía nam Vĩ tuyến 17 đã bị đánh sập, hỏa lực không-hải quân Mỹ vẫn được kỳ vọng dựng những “bức tường lửa” bằng phi pháo quanh các căn cứ trọng yếu, các địa bàn chiến lược, dù đối phương cũng đang gấp rút triển khai các hệ thống cao xạ và tên lửa phòng không theo các nhánh đường Hồ Chí Minh ngày một vươn xa.

Theo tác giả Don Neff, năm 1972, Hoa Kỳ vẫn còn cỡ ngàn máy bay hoạt động tại khu vực này; một hạm đội với 5 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 40 tàu khu trục được xem là vẫn chế ngự được Vịnh Bắc Bộ và có tầm hỏa lực kiểm soát được địa bàn bao gồm cả Vùng chiến thuật I của Quân đội Sài Gòn.

Ảo tưởng vào độc quyền hủy diệt mà B-52 có được tại Quảng Trị đã dẫn tập đoàn Nixon-Kissinger vào thảm bại trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972. Đòi hỏi quân đội miền Bắc không có mặt ở phía nam Vĩ tuyến 17 tại bàn đàm phán Paris, vì thế, cũng bất thành.

Nét mới trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 là các cuộc đột kích của tăng thiết giáp và bộ binh của Quân Giải phóng, được hỏa pháo yểm hộ mạnh mẽ. Cả hai phía đã áp dụng các cải tiến công nghệ mới nhất lúc đó về hệ thống vũ khí. Tuy nhiên, dù Mỹ là số 1 về công nghệ trên thế giới nhưng lại là bên buộc phải rút khỏi cuộc chiến. Còn Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ trong thử nghiệm đầu tiên đội hình tác chiến quy ước sẽ trở thành biểu tượng toàn thắng trong ngày 30-4-1975.

“Họ có tăng và trọng pháo, kể cả pháo 130mm của Liên Xô, có tầm bắn tới 17 mile (gần 30km). Một số thiết bị của đối phương còn tối tân hơn: Tên lửa vác vai do Liên Xô sản xuất, đã bắn rơi trực thăng và máy bay chiến thuật của Mỹ gần Quảng Trị…”-Don Neff viết.

Định mệnh

Trong phóng sự “Quan và lính Sài Gòn: Tháng 7-1972” đăng trên tờ The Washington Post, tác giả Peter Braestrup cho biết, khi phải tự “đánh chác lấy”, hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng của Quân đội Sài Gòn được trang bị hiện đại cả về không quân và hải quân là một vấn đề vô cùng nan giải.

Trong cuốn sách “Thử lửa: Cuộc tiến công Lễ Phục sinh-Cuộc chiến cuối cùng của Mỹ” xuất bản năm 1994, tác giả Dale Andrade nhận định: “Dù đã là giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh”, Quân đội Sài Gòn trình diễn vào năm 1972 nhiều vấn nạn mà 10 năm về trước chính nó mắc phải. Cuộc tiến công Lễ Phục sinh cho thấy, dù mối quan hệ giữa Mỹ và Chính quyền Sài Gòn khả thi, nhưng cũng chỉ hoạt động được chừng nào hỏa lực Mỹ còn chi viện thừa thãi…”.

Dù chiếm lại được Quảng Trị, các yếu huyệt của Quân đội Sài Gòn như về hiệp đồng tác chiến và quá lệ thuộc vào hỏa lực Mỹ, không ứng cứu lẫn nhau… đã bộc lộ và bị đối phương khai thác triệt để trong các trận đánh tiếp theo.

LÊ ĐỖ HUY (lược dịch)