Nhiều người Mỹ cho rằng, cuộc tiến công Tết Mậu Thân là đỉnh điểm của sự thất bại về tình báo và chiến lược của Mỹ. Đây cũng là nhân tố dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Lyndon B.Johnson và tướng Westmoreland, là sự cáo chung của Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder) và chiến lược “tìm-diệt”; đồng thời, làm giảm hiệu quả chiến lược ngăn chặn của Mỹ ở Việt Nam.
Tiến sĩ Glenn E.Helm, thành viên của Quỹ Di sản và lịch sử Hải quân Mỹ, người có luận án tiến sĩ về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, trong bài viết nhan đề “Surprised at Tet: U.S. Naval Forces in Vietnam, 1968” (Bất ngờ Tết-Lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam năm 1968), đăng trên chuyên san Pull Together của Quỹ Di sản và lịch sử hải quân Mỹ (tập 36, số 1, năm 1997), đã viết: Bị đánh thức bởi hàng loạt tiếng nổ, Chuẩn đô đốc Kenneth L.Veth, Chỉ huy trưởng lực lượng hải quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam (COMNAVFORV) đã chạy lên nóc ngôi nhà tầng và cảnh tượng ông thấy trước mắt là những ánh chớp sáng lòa và những tiếng nổ lớn xé toang màn đêm yên tĩnh của bầu trời Sài Gòn. Xung quanh ngôi nhà của ông chỉ toàn là tiếng nổ; đó là thời khắc rạng sáng 31-1-1968, mở đầu của cuộc tiến công Tết Mậu Thân. Ông và những người giúp việc tay lăm lăm súng và lựu đạn sẵn sàng chờ đợi một cuộc giao chiến tại nhà mình. Những giờ phút còn lại của đêm hôm đó, Veth chỉ biết được chiến sự qua hệ thống thông tin chiến thuật và tiếng hò hét của lực lượng quân cảnh. Đêm hôm đó, ông đã ở trên nóc nhà mình và không thể chỉ huy các lực lượng thuộc quyền.
Bất chấp các cảnh báo từ trước về một cuộc tiến công vào dịp Tết, nhưng cuộc tiến công Tết Mậu Thân vẫn là một bất ngờ lớn của cộng đồng tình báo Mỹ và đồng minh. Đối với tình báo hải quân Mỹ, ngoài việc thu thập thông tin tình báo không chính xác, cơ quan tình báo và Sở chỉ huy COMNAVFORV còn hiểu sai về những thông tin tối quan trọng, dẫn đến việc bố trí sai lực lượng và hoàn toàn bất ngờ trước hàng loạt mục tiêu ở Sài Gòn và những nơi khác bị tiến công vào ngày 31-1-1968.
Cũng trên chuyên san Pull Together (tập 36, số 1, năm 1997), James C.Graham, cựu nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Sài Gòn nhớ lại: “Tôi nghĩ rằng tình báo của chúng ta đã mắc sai lầm trong cuộc tiến công Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, đây là tổ hợp của nhiều yếu tố. Việc phân tích mổ xẻ nguyên nhân thất bại của tình báo là một vấn đề rất phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại về tình báo khiến COMNAVFORV hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tiến công Tết Mậu Thân.
Trước hết là vấn đề thiếu nhân lực trong khi nhiệm vụ thu thập tình báo quá nhiều. Bên cạnh đó, hải quân không quan tâm nhiều đến công tác thu thập tình báo. Các đơn vị đặc nhiệm TF 115 (trinh sát ven biển) và TF 116 (tuần tra trên sông) đã không làm tốt việc thu thập thông tin ở các cảng, nhận biết tàu thuyền, các tuyến vận tải biển, loại hàng hóa. Nghiêm trọng hơn, do thiếu thông tin tình báo nên các lực lượng tuần tiễu hải quân đã thất bại trong việc ngăn chặn các hoạt động cung cấp hậu cần trên sông và ven biển của đối phương. Để kiểm soát 1.317km sông ngòi ở châu thổ sông Mê Công, không kể khu vực Rừng Sác, Mỹ đã bố trí 90 giang thuyền với hai đơn vị 60 giang thuyền liên tục hoạt động, nhưng cũng không ngăn chặn được hoạt động của đối phương”.
|
|
Căn cứ của Mỹ-ngụy ở Sài Gòn bị Quân Giải phóng tiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
|
Đại tá Robert S.Salzer, Chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm giang thuyền (TF 117) viết trên chuyên san Pull Together (tập 36, số 1, năm 1997): “Khi lực lượng của chúng tôi được lệnh triển khai ở phía Tây tỉnh Định Tường (tỉnh Tiền Giang ngày nay-TG) và phía Đông tỉnh Kiến Phong (tỉnh Đồng Tháp ngày nay-TG), để ngăn chặn con đường tiếp tế của đối phương, tôi đã nghĩ rằng, hành động này chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Quả đúng như vậy, các giang thuyền của chúng tôi đã tuần tra dọc sông lên thượng nguồn và mắc cạn trên một con kênh hẹp. Và chẳng có chuyện gì xảy ra, vì khi chúng tôi mắc kẹt thì Việt cộng đã di chuyển ngay trước mũi của chúng tôi ở phía Đông. Tôi không hiểu các nhân viên tình báo Mỹ nghĩ họ đã biết những gì về đối phương”.
Trước cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tình báo Mỹ không hề biết sự thay đổi về chiến lược của đối phương. Họ còn khăng khăng cho rằng, việc Việt cộng mạo hiểm tiến công các đô thị ở miền Nam chẳng khác nào hành động “trứng chọi đá”, vì đây là nơi Mỹ và quân đội Sài Gòn bố trí các hệ thống phòng ngự vững chắc với hệ thống hỏa lực dày đặc. Nếu tiến công các đô thị, Việt cộng sẽ phải chịu tổn thất nặng nề; cùng với đó, đây là dịp nghỉ Tết cổ truyền của người Việt Nam nên rất ít khả năng xảy ra cuộc tiến công. Việc Chuẩn đô đốc Kenneth L.Veth có mặt ở nhà riêng vào ngày hôm đó là ví dụ điển hình cho sự chủ quan của người Mỹ.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến sự thất bại của tình báo Mỹ trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân là các hoạt động nghi binh, đánh lừa của đối phương thông qua việc phát đi các mệnh lệnh giả làm hệ thống tình báo Mỹ không phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả.
Don Oberdorfer, Giáo sư Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Paul H.Nitze (SAIS) thuộc Trường Đại học Johns Hopkins đã có mặt ở miền Nam Việt Nam khi xảy ra sự kiện cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Ông là tác giả nhiều cuốn sách và công trình nghiên cứu nổi tiếng, trong đó có cuốn “Tết” (Tet), Nhà xuất bản Doubleday, 1971. Trong bài báo nhan đề “Tet: Who won?” (Tết: Ai là người chiến thắng?), đăng trên Smithsonian Magazine, số tháng 11-2004, Don Oberdorfer viết: Trước 3 giờ sáng 31-1-1968, một tổ đặc công Việt cộng đã dùng thuốc nổ tạo một lỗ thủng lớn của tường bảo vệ bên ngoài tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Họ nhanh chóng hạ gục hai lính quân cảnh người Mỹ và bao vây tòa đại sứ.
Trận đánh tòa đại sứ Mỹ chỉ diễn ra trong 6 giờ nhưng dư âm nó tạo ra ở Mỹ rất lớn. Dân chúng Mỹ cho rằng đó là một thắng lợi lớn của Bắc Việt Nam. Thông tin về trận tiến công tòa đại sứ Mỹ đã lan đến từng phòng ngủ của người dân Mỹ qua truyền hình vệ tinh; quang cảnh chiến trường, nhất là cảnh tan hoang của tòa đại sứ Mỹ đã thực sự làm người dân mất lòng tin vào Tổng thống Lyndon B.Johnson, ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ hai.
Don Oberdorfer đã thừa nhận rằng, ông không biết gì nhiều về cuộc tiến công Tết Mậu Thân. Mãi đến năm 1988, tức 20 năm sau, qua một ấn phẩm xuất bản chính thức ở Việt Nam, ông mới biết rằng, tháng 6-1967, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam mới đặt ra mục tiêu giành một thắng lợi quyết định vào năm 1968-năm bầu cử tổng thống ở Mỹ. Đến tháng 10-1967, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam mới phê chuẩn kế hoạch tiến công vào dịp Tết Nguyên đán. Như vậy, quyết định cho cuộc tiến công chiến lược chỉ được phê chuẩn trước 3 tháng.
Theo Don Oberdorfer, mặc dù cố gắng giữ bí mật về cuộc tiến công chiến lược nhưng với một tiến công quy mô lớn vào hơn 100 mục tiêu cùng sự tham gia của 67.000 quân thì việc giữ bí mật tuyệt đối là rất khó. Vào giữa tháng 11-1967, lực lượng Mỹ đã thu được bản dự thảo kế hoạch tiến công, theo đó, vào ngày N, Quân Giải phóng sẽ tràn xuống đồng bằng, bao gồm cả Sài Gòn và các đô thị phụ cận, cùng với sự nổi dậy của nhân dân các địa phương. Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã cung cấp bản dịch kế hoạch này cho các cơ quan liên quan trước khi tòa đại sứ bị tiến công 25 ngày. Ông đã nhặt được bản sao của bản kế hoạch ở một thùng rác của văn phòng báo chí đại sứ quán. Don Oberdorfer đã tỏ ra hoài nghi và cho rằng thật là khó tưởng tượng. Mặc dù Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam đã ra lệnh các lực lượng quân sự duy trì trạng thái báo động chiến đấu ở mức cao nhất trong những ngày Tết, nhưng rất nhiều sĩ quan đã không chấp hành. Chính trong đêm Sài Gòn bị tiến công, khoảng 200 sĩ quan tình báo cấp tá của ngành tình báo Mỹ đã đi dự một bữa tiệc ở trung tâm Sài Gòn.
VŨ HỒNG KHANH