|
Trung tá Trần Kim Giá đang sôi nổi kể về làm đường dây thông tin chiến lược. |
Trung tá Trần Kim Giá, bị thương cụt một tay từ năm 1951, vẫn giữ chức vụ trung đoàn trưởng tham gia đánh Điện Biên Phủ.
Khi lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) tỉnh Quảng Bình được thành lập, ông giữ chức vụ chỉ huy trưởng, là "cha đẻ" đường dây thông tin chiến lược của tỉnh Quảng Bình thời kỳ đánh Mỹ.
Khi lực lượng Công an Nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Bình được thành lập, chỉ được Quân khu 4 "chia gia tài" 1 máy điện thoại hư và chiếc xe đạp cộc cạch. Thế nên khi địch xâm nhập biên giới, thám báo biệt kích nhảy dù xuống, bộ chỉ huy tỉnh nắm thông tin và báo cáo lên trung ương nhận được chỉ đạo rất chậm.
Chưa hết, cấp trên chỉ khoán cho Công an Nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Bình 50 đồng tiền điện thoại/năm; "Quy định của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình: Ưu tiên số 1 là "cửa" Tỉnh ủy, số 2 là UBND tỉnh, số 3 Tỉnh đội, số 4 Ty Công an. Cuối cùng mới là Công an Nhân dân vũ trang.
Nếu như các cửa kia không sử dụng thì "cửa" số 5 công an vũ trang nhân dân mới được "cắm" chút đỉnh, nhưng đôi khi chỉ được nghe thôi chứ không nói được. Ức thế, mình mới nghĩ và quyết tâm làm cho bằng được đường dây thông tin" - trung tá Trần Kim Giá, nguyên chỉ huy trưởng Công an Nhân dân vũ trang Quảng Bình từ năm 1959 đến 1976, nói lên cảnh khó khăn chung về hệ thống thông tin liên lạc thời kỳ đánh Mỹ.
Cấm cũng làm
Ông Giá vốn là một thợ cơ khí nên không chịu bó tay trước khó khăn. Ông sớm phát hiện một hệ thống cáp treo do Đức xây dựng cho Pháp, từ nhà ga Tân Ấp (huyện Tuyên Hóa) băng qua rừng núi đại ngàn sang tận bên Lào, dùng để chuyển quân và lương thực. Sau Cách mạng Tháng Tám, Pháp không dùng nữa nên hệ thống cáp treo này bị bỏ không. Ông Giá ra Hà Nội xin Bộ Giao thông tận dụng lại đường cáp treo này vào mục đích quốc phòng. "Lấy "lý" làm quốc phòng để Bộ Giao thông đồng ý cho phá tận dụng. Tôi chuẩn bị kế hoạch ra Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang thông qua với thượng tá Huỳnh Thủ, Cục trưởng tham mưu, để xin kinh phí xây dựng hệ thống đường dây điện thoại trọng yếu của tỉnh.
Đặc biệt phải vượt qua sông Gianh dài hơn 2km và sông Nhật Lệ dài khoảng 3km. Thời Pháp chiếm đóng, họ cũng bó tay chưa làm được hệ thống cột, dây vượt sông. Anh Huỳnh Thủ bảo: Không được đâu, cấm không được làm" - ông Giá, kể lại khó khăn ngay buổi đầu trình kế hoạch. Nhưng ông Giá vẫn cương quyết: "Đường dây điện thoại tôi phải làm bằng được. Vì đó là nhu cầu cấp bách của quân và dân Quảng Bình".
Dù bị thương cụt mất một tay, nhưng ông Trần Kim Giá không cam chịu. Về Quảng Bình, ông dẫn anh Tô, phụ trách thông tin và anh lái xe môtô ba bánh phóng lên Đồn công an vũ trang Cha Lo khảo sát thực địa. Chỉ một tay thôi nhưng ông Giá bắt đầu huấn luyện cho hai anh đi cùng biết cách mở 4 con bulông to ở dưới gốc cột cáp treo. Điều động cán bộ chiến sĩ của đồn ra tiếp tục mở toàn bộ bulông, tách ra từng thanh sắt dài, còn mới toanh. Khai phá được "mỏ sắt" rồi, nhưng khó khăn nhất là xin xe ở đâu? Tìm nguồn xăng cách nào? Để vận chuyển sắt từ biên giới về dưới biển là một công việc cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ.
Ông Giá, đã nghĩ ra cách độc chiêu: "Lúc này chỉ có duy nhất xe của Tổng cục Hậu cần thường hay chở hàng hóa đi qua đây. Tôi động viên anh em đồn công an Cha Lo nuôi nhiều gà, trữ nhiều rượu, nhiều mật ong... Chờ khi đoàn xe đi qua bên Lào giao hàng hóa xong, lúc quay trở ra mời vào đồn nghỉ ngơi, ăn uống tình cảm và đặt vấn đề nhờ xe các anh chở sắt về ngã ba Hà Tĩnh, gửi lại ở Công an Nhân dân vũ trang Hà Tĩnh". Có "mối lái" chở sắt, ông Giá huy động lực lương các đồn công an vũ trang ở gần đó và quân cơ động điều dưới tỉnh lên khai thác sắt. Những cột điện đang đứng chênh vênh giữa rừng già đều bị hạ xuống và khiêng vác ra lề đường chất lên xe.
Nhưng vất vả nhất là phải dùng búa tạ đập bể cả khối móng bêtông to chỉ để lấy 4 con bulông khóa trụ. Sắt đi vòng ra Hà Tĩnh coi như mới "qua" được nửa đoạn đường, Công an Nhân dân vũ trang Quảng Bình bắt đầu chạy vạy đi kiếm từng lít xăng ở nhiều nơi, tiếp tục tăng bo từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình.
Chiến sĩ nào cũng thành kỹ sư
|
Ông Giá làm thơ chim bồ câu đưa thư ở các đồn biên phòng thời mới thành lập lực lượng công an nhân dân vũ trang. | Có sắt, có bulông, có dây cáp,... trong tay, Công an Nhân dân vũ trang Quảng Bình hình thành các bộ phận kỹ thuật "tay ngang": Khảo sát thực địa tuyến đường thông tin từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, đội thợ rèn, đội thợ hàn, đội thợ xây, đội vận tải... Các đồn công an ven biển có nhiệm vụ lặn xuống biển mò xúc sỏi và lấy cát cho công trình. Trước khi thi công, ông Giá đều cho gửi mẫu vật liệu ra Bộ Xây dựng nhờ hóa nghiệm xem có dùng được không. Bộ trả lời vật liệu tốt dùng được thì mới được làm.
Ông Giá tóm tắt kiểu thi công cột điện lớn nhất tỉnh lúc bấy giờ: "Riêng hai móng cột vượt qua sông Gianh, tôi tự thiết kế trong đầu và tự vẽ bằng tay. Mọi tính toán phải đúng theo kích cỡ cột cũ của Đức làm. Vì mình đang tận dụng tối đa mấy con bulông chân cột. Vùng sông Gianh địa chất xấu, nhiều bùn, cát nên tôi cho cán bộ chiến sĩ đào móng sâu xuống trên 10m, để cột không bị lún, không bị nghiêng. Mỗi cột đổ mấy tấn ximăng, cột cao 45m, tính luôn cả độ chùng để tàu thuyền hải quân và nhân dân qua lại giữa sông thoải mái".
Làm xong hai trụ cột điện vượt sông Gianh, tiếp tục kéo đồ nghề vào xây dựng cột vượt "cửa ải" sông Nhật Lệ, đoạn sông này rộng hơn nên phải làm 3 cột (một cột giữa sông), quy trình kỹ thuật cũng giống như sông Gianh. Ngày khánh thành cột điện thoại vượt sông Gianh, có đại diện Bộ Xây dựng vào dự và nhận xét: "Anh Giá không phải kỹ sư, chỉ người công nhân mà làm được như thế này thì không thua gì kỹ sư. Người Pháp giỏi về khoa học kỹ thuật sang Việt Nam chiếm đóng rất lâu, nhưng không làm được đường dây thông tin vượt sông. Các "kỹ sư - chiến sĩ" công an nhân dân vũ trang lại làm được một công trình tầm cỡ quốc gia".
Toàn bộ số cột điện đi trên địa hình đồng ruộng, vùng dân cư, đồi cát,... ông Giá sử dụng một thanh sắt chữ V của hệ thống cáp treo. Có được phần cột rồi, ông Giá tiếp tục chạy đi nhiều nơi xin dây dẫn thông tin. "Hễ chỗ mô thấy "ngọn" là vô kiếm tí. Cả công an, quốc phòng lẫn dân sự. Lúc đó ai cũng thương tôi nên cho cũng khá khá" - ông Giá, không ngại ngùng chuyện đi xin. "Còn ximăng và các vật tư khác thì ông đi xin đâu?" - tôi tò mò.
Ông lặng đi một lúc rồi chậm rãi nói: "Tất cả đều trích từ tiền tăng gia sản xuất của cán bộ chiến sĩ. Lúc đó mới thành lập lực lượng cả Tỉnh bộ và các đồn biên giới ai cũng khổ cực, nhưng mà vẫn thắt lưng buộc bụng để ưu tiên làm tuyến đường dây thông tin. Anh cứ tính đi, góp nhặt từng mét dây, đào, đập từng con bulông, mua từng cân ximăng,... mà làm nên một hệ thống đường dây thông tin, chưa có bộ, ngành nào làm được như vậy.
Công lao của cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang Quảng Bình là vô bờ bến. Khi đường dây đi vào hoạt động, công an vũ trang đâu có giữ dùng riêng một mình. Từ anh truyền thanh hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh và cả ngành bưu điện tỉnh cũng "đu" vào đường dây dùng chung suốt cả thời kỳ đánh Mỹ. Máy bay ra ném bom Vĩnh Linh thì ở cuối tỉnh Quảng Bình đều biết tin".
Theo: LĐO-Hải Luận |