QĐND - Gặp Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Như Hoạt –nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng khi ông đang chuẩn bị đi công tác. Ít phút tiếp chuyện chúng tôi, ông không kể chuyện chiến đấu mà lấy từ trong chiếc tủ kính được đặt ở một góc trang trọng ngoài phòng khách chiếc địa bàn khá cũ kỹ, nói: “Chiếc địa bàn này vốn không phải là của tôi nhưng nó đã cùng tôi đi suốt thời kỳ chiến đấu…”.

Tháng 5-1968, chàng thanh niên Nguyễn Như Hoạt quê ở thôn An Trụ, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là chiến sĩ liên lạc thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 tham gia Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Ngày 2-5 đơn vị ông phối hợp cùng pháo binh và bộ đội địa phương tổ chức đánh địch trên khu vực bãi cát Cửa Việt (thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị).

Chiếc địa bàn hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh:Trang Nhung.

Trong trận chiến đấu này, Đại đội 9 được giao nhiệm vụ giữ chốt chặn địch ở vòng tuyến hai. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị bị thương vong. Đồng chí Yêm, quyền Đại đội trưởng Đại đội 9 lúc đó bị thương nặng không thể tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Trước khi được chuyển về tuyến sau trị thương, đồng chí Yêm có trao cho Nguyễn Như Hoạt chiếc địa bàn vốn là vật bất ly thân của mình. Trung tướng Nguyễn Như Hoạt kể: “Nhận chiếc địa bàn của chỉ huy sao lúc ấy mình lo thế. Vậy là trọng trách của đơn vị giao cả vào tay mình - một anh “lính quèn” mới 18 tuổi chưa quen trận mạc”. Nghĩ vậy nhưng Hoạt vẫn quyết tâm làm hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Hồi ấy chiến sĩ liên lạc mà có chiếc địa bàn quý giá vô cùng, đó là một trợ thủ đắc lực trong công tác và chiến đấu. Nhờ có chiếc địa bàn, Nguyễn Như Hoạt đã sử dụng để định hướng trinh sát, giao hội bản đồ và thực địa xác định vị trí đứng, từ đó liên hệ nắm tình hình địch rồi cùng đơn vị lên kế hoạch tác chiến và liên lạc.

Trận đánh ngày 2-5-1968 diễn ra ác liệt suốt 7 tiếng đồng hồ, Hoạt như con thoi dưới làn đạn địch để truyền đạt mệnh lệnh của đại đội xuống các trung đội, tiểu đội kịp thời, chính xác, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy trận đánh thắng lợi. Trong khi làm nhiệm vụ liên lạc, phát hiện hỏa điểm lợi hại của địch, Nguyễn Như Hoạt đã thông báo với đồng đội bắn tiêu diệt. Bản thân cũng trực tiếp tham gia chiến đấu, phối hợp diệt được 6 tên lính Mỹ. Ngày 5-5-1968, giữa lúc địch phản kích, bắn rát vào trận địa, Hoạt đã vận động dưới làn hỏa lực của địch để truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu. Phát hiện một khẩu đại liên địch đang bắn như vãi đạn, anh đã dùng chính chiếc địa bàn xác định hướng và vị trí bắn tới của địch, rồi dùng lựu đạn dập tắt hỏa điểm này diệt 3 tên Mỹ, thu 2 khẩu súng. Hoạt còn tiêu diệt thêm 3 tên nữa khi chúng tìm cách tháo chạy. Với thành tích xuất sắc, ngày 25-8-1970, Nguyễn Như Hoạt đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Suốt thời gian sau này đến tháng 4-1975, chiếc địa bàn tiếp tục được Nguyễn Như Hoạt sử dụng trong chiến đấu cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước thống nhất, ông đã trân trọng lưu giữ chiếc địa bàn làm vật kỷ niệm. Ngày 17-11-2010, hưởng ứng Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”, Nguyễn Như Hoạt đã trao tặng chiếc địa bàn trên cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Thanh Tuấn - Tuyết Nhung