Tháng 8-1972, khi đó ông Kiên là quân y của Tiểu đoàn 61 đường sông thuộc Binh trạm 27, Bộ tư lệnh Trường Sơn, đóng quân tại khu vực Đường 16, quanh trọng điểm 500, 300; còn bà Chuyên là trợ lý Ban Quân y, Binh trạm 27, đóng quân ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đơn vị của hai người cách nhau hàng chục cây số đường rừng. Thời điểm này, tình yêu của họ đã sâu đậm nhưng vẫn giữ bí mật với mọi người. Để liên lạc với nhau, hai người thường xuyên viết thư, nội dung chính là báo cáo tình hình công việc, nhưng xen vào đó là những câu tình ý dưới dạng mật mã chỉ hai người mới hiểu.
|
|
Ông Kiên lưu giữ hai chiếc hộp đựng thuốc đánh răng và bàn chải được gò từ ống pháo sáng. Ảnh: QUANG ĐỨC
|
Ông Kiên kể: Ở chiến trường, buổi đêm địch bắn nhiều quả pháo sáng lên bầu trời để dễ dàng quan sát quân ta. Những quả pháo sáng có gắn dù treo lơ lửng, chiếu sáng cả một vùng đất rộng. Vì vậy, để tránh địch phát hiện, bộ đội ta phải ngụy trang kỹ. Sau khi địch rời đi, vào ban ngày, những người lính mới đi nhặt các ống pháo sáng về để làm các vật dụng cá nhân, như: Dao, lược, ca, hộp... Trong một lần đi chặt cây trong rừng để làm hầm, ông Kiên phát hiện một ống pháo sáng dài khoảng 1m. Ông bèn nhặt về, rồi dùng dao và đai sắt của thùng hàng để gò ống pháo sáng thành một chiếc hộp hình chữ nhật, chiều dài 25cm, chiều rộng 12cm, dùng để đựng thuốc và vật dụng y tế. Ông cũng làm thêm một thanh có chiều dài 18cm làm dụng cụ khám bệnh. Sau mấy giờ đồng hồ miệt mài, ông đã hoàn thành chiếc hộp đựng thuốc. Ông lại làm tiếp hai chiếc hộp dùng để đựng thuốc đánh răng và bàn chải. Một hộp ông để dùng, hộp còn lại ông dành tặng bà Chuyên. Trên nắp mỗi hộp đều khắc tên mỗi người. Sau khi làm xong, ông Kiên cẩn thận bọc chiếc hộp bằng giấy rồi nhờ đồng đội khi đi họp ở Binh trạm 27 thì gửi bức thư kèm hộp quà cho bà Chuyên.
|
|
- Hai chiếc hộp đựng thuốc đánh răng và bàn chải được gò từ ống pháo sáng của ông Kiên và bà Chuyên. Ảnh: QUANG ĐỨC |
Bà Chuyên chia sẻ: “Khi nhận được món quà mà ông ấy gửi tặng, tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Đó là món quà ý nghĩa, chất chứa nhiều tình cảm của ông ấy dành cho tôi. Ở chiến trường, mỗi khi nhớ ông ấy, tôi lại đem chiếc hộp ra ngắm và hy vọng một ngày không xa, chiến tranh kết thúc, được về đoàn tụ với gia đình và tình yêu của chúng tôi cũng được “đơm hoa kết trái”. Và mong ước của bà Chuyên trở thành hiện thực. Chiến tranh kết thúc, hai người nên duyên vợ chồng và có cuộc sống hạnh phúc. Đến nay, đã gần 50 năm trôi qua, hai chiếc hộp đựng thuốc đánh răng và bàn chải vẫn được vợ chồng ông Kiên và bà Chuyên cất giữ cẩn thận. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày cưới hay những ngày lễ lớn của đất nước, ông bà lại đem những kỷ vật kháng chiến ra để ôn lại kỷ niệm xưa và nhắc nhở con cháu về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
QUANG DUY