QĐND - Đại tướng Hoàng Văn Thái là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và được Bác Hồ trực tiếp giao trọng trách này khi mới 30 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Tham mưu trưởng chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ…; Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, tiếp đó là Tư lệnh Quân giải phóng kiêm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa, “một cán bộ xuất sắc của Đảng ta, một vị tướng có đức độ và tài năng được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục “ (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp)...

Tổng Tham mưu trưởng tuổi 30

Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh do gia đình Đại tướng Hoàng Văn Thái cung cấp.

Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ ngày đầu, ông đã tham gia Ban chỉ huy và chi bộ Đảng đầu tiên của Đội. Chỉ một tuần lễ sau, khi trung đội phát triển thành đại đội thì ông ở trong Ban chỉ huy đại đội và được phân công làm công tác tình báo và tác chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: “Với cảm tính từ đầu, tôi đã thấy ở anh khả năng sau này có thể phụ trách công tác tham mưu của đội quân chủ lực… Cách mạng Tháng Tám thành công, với tư cách là người được Ban Thường vụ phân công phụ trách công tác quân sự, tôi đã đề nghị với Bác Hồ và Thường vụ thành lập ngay Bộ Tổng tham mưu và bổ nhiệm anh Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng. Ngày 7-9-1945, anh được Bác Hồ trao nhiệm vụ mới. Anh đã nhận trách nhiệm lớn với niềm lo lắng sâu sắc và quyết tâm hoàn thành bằng được”.

Khi đó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mới 30 tuổi.

Sau này, trong nhiều lần nói chuyện với cán bộ, Đại tướng Hoàng Văn Thái thường kể lại câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu. Hồi đó, trong Đảng, cũng như trong quân đội đã mấy ai hình dung cụ thể công tác tham mưu là gì? Ngay khi được giao nhiệm vụ, ông cũng báo cáo với Bác Hồ điều lo lắng của mình. Bác đã động viên ông và giúp ông những hiểu biết đầu tiên, những khái niệm cơ bản về công việc. Người nói: “Bộ Tổng tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức và huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo, tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng… Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm làm thì khó mấy cũng làm được…”.

Theo lời Bác, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã từng bước xây dựng nên hệ thống cơ quan tham mưu của quân đội. “Cơ nghiệp” ban đầu của Bộ Tổng tham mưu vẻn vẹn chỉ là 7 cán bộ, vừa theo dõi chiến sự, huấn luyện, lập kế hoạch, làm văn thư, hành chính; phương tiện làm việc cũng chỉ có mấy chiếc điện thoại và một máy chữ đã cũ. Tổng Tham mưu trưởng trẻ tuổi đã nhanh chóng chọn lọc, tập hợp một số cán bộ có chút hiểu biết về quân sự, có tinh thần yêu nước, có trình độ văn hóa nhất định rồi huấn luyện theo kiểu vừa học, vừa làm, hết sức coi trọng tổng kết kinh nghiệm, đúc kết thành lý luận công tác, để kịp thời phổ biến cho cơ quan tham mưu toàn quân. Ông coi trọng trước hết cơ quan tình báo và tác chiến; đặt vấn đề xây dựng hệ thống thông tin mật mã lên hàng đầu, coi đó là tuyến thần kinh truyền đạt đường lối và quyết tâm của Đảng, quân đội đến toàn quân, toàn dân. Ông cũng dồn công sức chỉ đạo việc biên soạn tài liệu, điều lệnh, xây dựng và củng cố các trường quân sự và các lớp học quân sự ngắn ngày… 

Đại tá Nguyễn Văn Ngạn, nguyên là Bí thư riêng của Đại tướng Hoàng Văn Thái nhớ lại kỷ niệm của thời kỳ này: “Khi Bộ Tổng tham mưu mới thành lập, biên chế có ít người, luôn thiếu so với nhu cầu, mặc dù đã có một số anh em được học qua các trường quân chính và bổ túc quân sự dần dần được điều về. Tháng 9-1945, được tin có một sĩ quan cũ của Pháp là Thiếu úy Hải, người đã cùng một số sĩ quan khác đưa binh lính dưới quyền sang Trung Quốc sau Nhật đảo chính Pháp, nay nước nhà giành được độc lập, đã về Hà Nội. Anh Thái đã cho mời anh Hải đến làm việc ở Bộ Tổng tham mưu. Anh Hải lúc đầu rất lo lắng, trước khi đi gọi vợ con đến dặn dò: “Tôi đi lần này không biết thế nào vì những năm 40-41, tôi là đồn trưởng một đồn lính khố đỏ ở Lạng Sơn, đã từng vây bắt du kích gọi là “cứu quốc quân” do chính ông này chỉ huy, nay họ cho gọi tôi chắc lành ít, dữ nhiều. Nếu không thấy tôi về thì nhà cứ lấy ngày này là ngày giỗ tôi”. Khi anh Hải đến, anh Thái đón tiếp niềm nở, nói rõ ý định giao cho anh phụ trách công tác “tác chiến” của Bộ Tổng tham mưu. Sau đó, anh Thái còn mời anh Hải ở lại ăn cơm chiều. Trong bữa cơm, mọi người còn vui vẻ nhắc lại chuyện cũ ở Lạng Sơn. Đêm đó, anh Thái xếp chỗ cho anh Hải ngủ lại. Sau này, anh Hải kể: Suốt đêm anh không ngủ được, vì sợ có thể sẽ bị thủ tiêu… Hôm sau, anh Thái còn mời ăn sáng rồi mới để anh Hải về lấy một số đồ dùng cần thiết. Anh Hải sau đổi tên là Hùng Sơn, đã từng làm Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Quân khu 4 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sự kiện này, cùng với sự lãnh đạo của Đảng thông qua Hội “Cựu binh sĩ cứu quốc” có ảnh hưởng tốt đến anh em cựu binh sĩ. Các anh Trần Lư, Bùi Huy Bê, Nguyễn Sỹ Là, Đỗ Xuân Sáng, Phan Phác, Doãn Tòng, Cao Phong… sẵn sàng ra tòng quân giúp nước”.

Tâm, đức của Đại tướng

Đại tá Nguyễn Bội Giong, chuyên viên cao cấp của Ban Tổng kết và biên soạn lịch sử Bộ Tổng tham mưu, nguyên Bí thư quân sự của Đại tướng Hoàng Văn Thái cho rằng: Phẩm chất nổi bật của Đại tướng Hoàng Văn Thái là cái tâm, cái đức. Ông rất tin cán bộ, tin đồng chí, đồng đội, tôn trọng cấp trên, cấp dưới và tuyệt đối phục tùng tổ chức. Trong công việc, ông thể hiện tính nghiêm túc và luôn đòi hỏi cao, còn trong cuộc sống đời thường, anh độ lượng, hòa nhập, không định kiến hoặc phân biệt đối xử. Đại tướng Hoàng Văn Thái cũng là người có tác phong dân chủ, chịu nghe và biết lắng nghe ý kiến mọi người. Ông nghe một cách trân trọng và động viên người đối thoại nói hết những suy nghĩ của họ, kể cả những người không nhất trí với ý kiến của ông. Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng có lần đã nói với cán bộ của Trung ương Cục miền Nam: “Làm việc phải khoa học như Mười Khang (bí danh của Đại tướng Hoàng Văn Thái)… Chúng ta phải học tập cách làm việc đó”. Thậm chí khi vào chiến trường, thời làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, có đơn vị đã từng đề ra vấn đề: “Học tập tác phong của anh Mười Khang”.

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975 (đồng chí Hoàng Văn Thái đứng đầu tiên, bên trái). Ảnh tư liệu.

Nhờ cái tâm, cái đức của mình nên Đại tướng Hoàng Văn Thái hiểu người và có được sự khiêm tốn rất tự nhiên. Đại tá Thân Hoạt, nguyên cán bộ Văn phòng Bộ Tổng tham mưu từng kể lại một câu chuyện nói lên phẩm chất này của Đại tướng. Đó là vào cuối năm 1956, khi Tổng cục Cán bộ ra đời, có ý kiến thăm dò việc cử đồng chí Hoàng Văn Thái làm Chủ nhiệm. Ông đã có ý kiến ngay: Trên giao nhiệm vụ gì tôi cũng cố hoàn thành, nhưng trọng trách này, tôi thấy anh Nguyễn Chánh có nhiều mặt hơn tôi, nên tôi đề nghị để anh Nguyễn Chánh làm Chủ nhiệm… Và khi chuẩn bị phong quân hàm cấp Thượng tướng, có bốn người được đề cử để chọn hai, trong đó có đề cử Hoàng Văn Thái và Nguyễn Chánh. Trong cuộc họp về vấn đề này, ông Thái xin rút tên mình và nói: Xét về nhiều mặt, tôi phải thấp hơn anh Nguyễn Chánh một bậc, vậy xin đề nghị anh Nguyễn Chánh xứng đáng là Thượng tướng.

Là một danh tướng, đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng nhưng Đại tướng Hoàng Văn Thái vẫn sống giản dị, khiêm nhường. Đại tá Hoàng Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng, là con trai Đại tướng Hoàng Văn Thái nhớ lại: “Bố chúng tôi lúc sinh thời luôn hướng về quê hương và thường nhắc các con: Không được quên cội nguồn, phải luôn tự hào về truyền thống của quê hương, dòng họ và gia đình. Tình cảm với quê hương của bố chúng tôi còn được thể hiện qua các tên, bí danh của ông trong quá trình hoạt động cách mạng gắn với tên xã, huyện, tỉnh Thái Bình. Đó là Ngô Quốc Bình, là An, là Mười Khang và nhất là Hoàng Văn Thái khi được Bác Hồ giao làm Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội”.

Đại tá, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Hoàng Minh Châu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, con gái Đại tướng Hoàng Văn Thái vẫn không nguôi xúc động mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về người cha của mình. Chị Châu kể: “Bố tôi rất yêu con nhưng dạy bảo rất cẩn thận, nghiêm khắc. Hồi chúng tôi còn nhỏ và gia đình sống ở số 34 Hoàng Diệu, bố tôi quy định buổi tối thường có thời gian tập trung gia đình, ông đánh dấu trước các tin, bài trên báo và mọi người cùng đọc cho nhau nghe để nắm được tình hình và nâng cao hiểu biết. Ông cũng luôn tôn trọng và lắng nghe tâm sự của các con, uốn nắn từng chuyện cụ thể và theo dõi mỗi bước trưởng thành của các con. Ông là người rất yêu lao động, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, ông thường cùng cả gia đình ra vườn tăng gia vừa để thư giãn vừa để giáo dục rèn luyện các con. Ông bảo: có lao động thì mới biết quý thành quả lao động và trọng người lao động... Vì vậy, vườn nhà tôi mùa nào thức đấy, lúc nào cũng có su hào, bắp cải, bí xanh, su su, cà pháo, ngô, khoai, sắn... và còn nuôi cả lợn, gà, vịt nữa. Nhiều khi gia đình tôi còn mang biếu hàng xóm láng giềng... ”. Cũng theo PGS Hoàng Minh Châu thì Đại tướng Hoàng Văn Thái còn là người rất yêu văn nghệ. Ông biết chơi đàn nhị, đàn măng-đô-lin và biết thổi cả kèn ác-mô ni-ca nữa. Ông chính là tác giả bài “Phất cờ Nam tiến” sáng tác đúng vào ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 22-12-1944…

Trần Hoàng Tiến