Đền thờ KTS Huỳnh Tấn Phát được xây dựng ngay trên phần đất của dòng họ Huỳnh ở cạnh đình Tân Hưng thuộc ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng. Đền thờ là công trình kiến trúc có quy mô khiêm tốn, một tầng, mái ngói, phía trước có không gian xanh thoáng mát, thể hiện đúng lối sống giản dị, thanh bạch, khiêm nhường, ghét thói phô trương, xa hoa của KTS Huỳnh Tấn Phát lúc sinh thời. Nơi đây lưu giữ, trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của KTS Huỳnh Tấn Phát. Các gian trưng bày theo chủ đề gồm: Huỳnh Tấn Phát-trí thức cách mạng kiên cường, Huỳnh Tấn Phát-cuộc sống và gia đình; một số hiện vật ngành kiến trúc mà ông từng sử dụng trong thiết kế các bản vẽ kiến trúc, hình ảnh nhiều công trình kiến trúc ông tham gia thiết kế như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Thiếu nhi Trung ương, Nhà hát Hòa Bình, sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... Ở giữa đền thờ là gian thờ KTS Huỳnh Tấn Phát được bài trí trang nghiêm, nơi để du khách gần xa đến viếng và thắp hương tưởng nhớ ông.

Hướng dẫn chúng tôi vào tham quan là ông Huỳnh Thanh Minh, cháu gọi KTS Huỳnh Tấn Phát bằng bác. Nhiều năm nay, ông Minh được dòng họ giao trông nom và hương khói hằng ngày tại đền thờ (có sự quản lý của chính quyền địa phương). Ông Minh cho biết, các bậc cao niên trong họ vẫn thường kể, ngay từ khi còn trẻ, Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng, trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Ông là người cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp nhân dân; đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Trải qua các hoạt động vận động quần chúng, ông trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới. Sự tin tưởng ấy cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc ông vượt qua những năm tháng gian khổ, hy sinh, đồng hành với dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như những năm tháng đầy khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này. “Bác tôi luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành nên cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng. Từ người giao liên, bảo vệ đến những trí thức thượng lưu đều quý mến, sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn, hết lòng cộng tác và giúp đỡ bác”, ông Huỳnh Thanh Minh tự hào kể.

leftcenterrightdel

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát thăm phá Tam Giang sau đợt bão lụt năm 1982. Ảnh tư liệu 

Cuộc đời của KTS Huỳnh Tấn Phát thật đặc biệt và cũng rất bình dị. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, là một nhà hoạt động chính trị suốt đời phụng sự Tổ quốc, đồng thời cũng là một KTS tài ba để lại những công trình ý nghĩa cho đất nước. Ông hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng, cho lợi ích của nhân dân, nhưng bản thân ông và gia đình sống rất thanh bạch. Là KTS, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhưng đến khi qua đời năm 1989, Huỳnh Tấn Phát không có một ngôi nhà là tài sản riêng của mình. Năm 1998, thể theo tâm nguyện của ông khi còn sống, gia đình đã thành lập Quỹ học bổng mang tên ông và ủy nhiệm cho Hội KTS TP Hồ Chí Minh quản lý để giúp đỡ các sinh viên kiến trúc nghèo ham học. Nhiều năm qua, với sự tham gia đồng hành của xã hội, Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát đã trao hàng trăm suất học bổng tặng sinh viên kiến trúc. 

Hiện nay, ngoài đền thờ (đã được xếp hạng là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh), tên của ông còn được đặt cho cả 3 trường: Tiểu học, THCS và THPT tại xã Châu Hưng. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng có con đường mang tên Huỳnh Tấn Phát. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của ông, cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp KTS Huỳnh Tấn Phát cũng như các chuyến về nguồn đã được đoàn thanh niên cấp huyện, tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều tập sách viết về KTS Huỳnh Tấn Phát cũng được xuất bản, tái bản dịp này.

ĐỒNG KHỞI