- Lúc đó, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9 của Lữ đoàn 273 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273), Quân đoàn 3, đánh chiếm bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau hò reo phấn khởi, nước mắt chảy quanh vì vui sướng. Sau đó, tôi ngồi một mình trên xe tăng M48 thu được của địch trầm tư. Tôi nghĩ về đồng đội đã hy sinh, về bố mẹ, anh chị em ở quê hương. Thú thực, việc tôi nghĩ nhiều nhất là sau này mình sẽ làm gì: Đi cày, làm công nhân hoặc xin đi học thể thao. Tôi không chút mảy may nghĩ mình sẽ ở lại quân đội. Ước mơ trước mắt của tôi là về thăm bố mẹ và người yêu ở quê với hai gói kẹo làm quà.

Nhìn vẻ bề ngoài, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng mang nét đặc trưng của con trai vùng biển Quảng Ninh quê ông: Da nâu, vạm vỡ, giọng nói vang và khỏe. Tố chất ấy kết hợp với sự thông minh, lòng quả cảm, tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm để con người này có những chiến công vang dội trong những trận đánh lịch sử và thăng tiến trên con đường binh nghiệp.

Tôi biết Đoàn Sinh Hưởng năm 1987, khi Quân đoàn 3 mới trở lại Tây Nguyên. Hồi đó ông 38 tuổi, là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273. Một năm sau, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, hàm Trung tá; năm 1994 là Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp; năm 2005 là Tư lệnh Quân khu 4. Nhưng không ngờ vị tướng tương lai lại có những suy nghĩ giản dị như vậy trong ngày toàn thắng.

- Giản dị thôi-ông nói-Tôi sinh ra và lớn lên ở Trà Cổ, phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi tận cùng phía Đông Bắc của Tổ quốc. Đang học cấp 3, do xã thiếu người nên tôi xung phong đi bộ đội. Thế thôi. Chẳng bao giờ tôi nghĩ đi bộ đội để làm tướng!

leftcenterrightdel

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên phải) và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4). Ảnh: Mai Hương

Sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù đã là quyền tiểu đoàn trưởng, ông vẫn tham gia đội tuyển bóng đá quân đoàn rất vô tư và vẫn giữ nguyên ý định chuyển ngành. 21 giờ 30 phút ngày 12-9-1975, ông không tin vào tai mình khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố danh sách 59 đơn vị và 6 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, trong đó có tên ông. Rồi chuỗi ngày đi báo cáo thành tích, nói chuyện với thanh niên. Từ đó, ông xác định mình phải ở lại phục vụ quân đội, bỏ hết mọi ý định khác.

- Tôi được như ngày hôm nay một phần cũng do may mắn. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, trong đó có những người rất giỏi…

Nhập ngũ năm 1966, năm 1967, Đoàn Sinh Hưởng tham gia trận đánh lớn đầu tiên với quân Mỹ ở động Phú Nhoi, Khe Sanh, Quảng Trị-trận đánh ác liệt nhất trong đời cầm súng của ông. Hồi đó, ông là chiến sĩ của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, được phân công đánh bộc phá mở cửa mở. Ba đồng đội lên trước đều hy sinh, ông tiếp tục ôm bộc phá lao lên. Cửa mở thông nhưng bộ binh vẫn không lên được vì đạn cối, pháo, đại liên địch trong căn cứ bắn ra như mưa. Quân Mỹ quần đùi áo lót ở trên bắn xuống, quân ta ở dưới bắn lên, cứ thế giằng co mãi. Cuối cùng ta vẫn giành thắng lợi, nhưng bộ đội thương vong nhiều, các tay súng chủ lực trong đại đội hy sinh gần hết. Đêm về, ông không tài nào ngủ được. Nhưng nghĩ đến lời bố dặn: “Con đi phải nhớ hoàn thành nhiệm vụ…”, rồi hình ảnh đồng đội ngã xuống trước cửa mở cứ hiện lên đã tiếp thêm can đảm để ông cầm súng chiến đấu ở mảnh đất Khe Sanh nóng bỏng.  

Năm 1970, Đoàn Sinh Hưởng được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân, năm 1972 ra trường được bổ sung vào Binh chủng Tăng thiết giáp với chức vụ Trung đội trưởng. Ông phải đi thực tập 3 tháng, rồi về đơn vị tự học, học đồng đội. Sau đó, ông được đề bạt làm Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, tham gia trận mở màn

Buôn Ma Thuột. Lúc này, nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta đã tiến một bước mới.

- Đây là trận đánh Quân đội ta hình thành rõ nét chiến thuật thọc sâu của Binh chủng Tăng thiết giáp và sau này được các học viện, nhà trường quân đội nghiên cứu kỹ!-ông nói.

Trước trận này, ông Nguyễn Năng, Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Đại đội 9 của ông một tổ thọc sâu gồm 12 chiếc xe tăng, 12 xe thiết giáp đánh vào sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy. Khi xung trận, đại đội chia thành 4 thê đội, mỗi thê đội 4 xe, số còn lại làm dự bị. Thê đội 1 do Trung đội trưởng Nguyễn Tư Chính dẫn đầu có nhiệm vụ đánh và giữ cửa mở, còn thê đội 2 do ông chỉ huy thọc thẳng vào sư đoàn bộ 23 rồi từ trong đánh ra. Nhưng xe của Chính vào đến cửa mở bị lầy, không lên được, ông điều thê đội cuối cùng lên ứng cứu, còn mình tìm hướng khác để vượt qua. Xe tăng 980 do ông chỉ huy xông lên, cùng với bộ binh quét sạch một đại đội địch ra bịt cửa mở, nhanh chóng lao vào khu truyền tin, rồi đánh vào khu Mai Hắc Đế, vòng lên đánh kho vận tải, kho xăng… Đến trưa 11-3, Đại đội 9 chiếm sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy...

Những trận đánh do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy có hiệu suất chiến đấu rất cao, bộ đội ít thương vong. Điển hình nhất là trận Cầu Bông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ sự hiệp đồng chiến đấu tốt trong xe cộng với một phần may mắn mà ngày ấy, ông và đồng đội thoát chết trong gang tấc…

leftcenterrightdel

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên trái) trong một chuyến thăm, tặng quà tri ân gia đình chính sách, người có công cùng Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”. Ảnh: Thu Thủy

4 giờ sáng 29-4-1975, đại đội của ông đến gần Đồng Dù. Chính ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) Lã Ngọc Châu gặp ông, hỏi: “Cậu ở đơn vị nào?”. “Báo cáo thủ trưởng, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng”. “Các cậu có mấy xe?”. “Chúng tôi còn 4 xe M48”. “Sao còn ít vậy?”. “Báo cáo, xe chúng tôi thu được của địch, hành quân từ Cheo Reo, Phú Bổn vào đây không có phụ tùng thay thế nên hỏng nhiều”. Rồi Chính ủy Lã Ngọc Châu hỏi một câu mà ông còn nhớ mãi: “Thế có sợ chết không?”. Không chút ngập ngừng, ông trả lời ngay: “Báo cáo, chết thì ai cũng sợ, nhưng thủ trưởng giao nhiệm vụ, tôi sẵn sàng hoàn thành!”. “Vậy cậu dẫn anh em đi theo hướng đông, gặp Cầu Bông thì chốt lại để giữ cho Quân đoàn 3 tiến. Nếu để cầu sập thì quân ta không thể tiến lên được. Cậu rõ chưa?”. Ông đáp “rõ” rồi nổ máy cho xe đi luôn.

Trên đường tới Cầu Bông, đại đội gặp một thiết đoàn của địch, bèn dàn trận quần nhau với chúng gần một tiếng đồng hồ. Đang đánh nhau, thấy một chiếc M41 của địch hướng pháo về phía mình, lập tức ông lệnh cho pháo thủ quay hướng về phía đó. Khi hai khẩu pháo cách nhau khoảng 1.000m đấu vào nhau, ông hô bắn và pháo thủ Phan Lạc Vinh bóp cò. Ông nghe “rầm” một tiếng rồi ngất đi trong giây lát. Tỉnh lại, thấy khói bốc mù mịt, xe địch bị bắn cháy, 4 tên trong xe không kịp thoát, còn xe ông bị đạn xuyên trúng đèn ở trên. Ông và đồng đội đã bình tĩnh, nhanh hơn đối phương trong tích tắc. Trận này, đại đội của ông đã bắn cháy 12 xe, bắt sống 12 xe khác, lại không bị mất xe nào, duy nhất Trương Quang Đạo bị thương. Đây là trận chiến đấu có hiệu suất rất cao của Binh chủng Tăng thiết giáp mà sau này khi học ở Học viện Xe tăng Malinovsky (Liên Xô), các giáo viên thường chất vấn ông: Tại sao chỉ có 4 xe mà đánh thắng 24 xe? Ông trả lời, đó là ông và đồng đội luôn có niềm tin chiến thắng.    

- Giờ đây, số hiệu chiếc xe tăng 980 do ông làm trưởng xe đã được gắn trên chiếc xe tăng được phục dựng ở Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Như vậy, nó đã vĩnh viễn đi vào lịch sử. Ông có nhớ các thành viên của xe?

- Không những nhớ mà thỉnh thoảng chúng tôi còn gặp nhau. Sau chiến tranh, Nông Văn Vĩnh, pháo thủ số 2, về quê Cao Bằng; Phan Lạc Vinh, pháo thủ số 1, chuyển ngành về Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ; Mai Đình Mỹ ra quân, về Nam Định. Với đặc thù của mình, binh chủng xe tăng buộc phải có tính hiệp đồng cao: Hiệp đồng trong xe, hiệp đồng với xe khác, hiệp đồng với các lực lượng khác.

Tình đồng đội trong suốt quãng đời người lính, kỳ lạ thay, đã tạo nên sự rung động trong tâm hồn của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, để rồi với vẻ ngoài phong trần từng trải và thô ráp ấy lại phát tiết những vần thơ trong sáng nhưng sâu lắng về những tháng ngày không thể nào quên. Ông viết về đồng đội: Siết chặt tay đồng đội/ Rừng rực cả đời tôi/ Lửa tình cán-binh ấy/ Chiến thắng mãi không thôi. Ông xót xa về sự chờ đợi trong vô vọng của cô thanh niên xung phong với người lính lái xe Trường Sơn năm xưa bằng những lời thơ da diết và bi tráng, đã được nhạc sĩ Hoàng Thành phổ nhạc: Đã bao lần em lại ngồi nhớ anh/ Bím tóc ngày xưa xanh không còn nữa/ Cây bưởi sau nhà chẳng muốn ra hoa/ Mà em đợi anh nước mắt nhạt nhòa (“Hương lòng em”).

Về với đời thường năm 2010, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng vẫn không quên đồng đội. Ông làm Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội theo tinh thần của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, nhằm tri ân đồng đội và hỗ trợ những tài năng trẻ phát huy truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước.

“Điều suy nghĩ giản dị trong tôi luôn là: Không có anh em đồng đội thì không có mình”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng

HỒNG SƠN