Thiếu tướng Phùng Đình Ấm được anh em đồng đội gọi một cách thân mật theo tục Nam Bộ là Ba Cung. Năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, căn bệnh suy thận hành hạ, nhưng ông vẫn rất lạc quan, yêu đời. “Đáng lẽ tôi đã chết từ những năm chiến tranh khốc liệt, sống tới hôm nay, chứng kiến được sự đổi thay của đất nước thế này là lãi lắm rồi”. Ông thường nói vậy.

Đến nhà ông, chúng tôi gặp mấy vị khách người dân tộc S’Tiêng. Ông giới thiệu tên từng vị khách rồi nói:

- Tôi quen bà con từ những năm sáu mươi thế kỷ trước. Ngày đó, tôi nhận lệnh đi mở đường Trường Sơn. Chà, những năm sáu mươi đó, thiệt là…

Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (Ba Cung).

Thời kỳ đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận thấy cần phải mở một con đường nối từ Đắc Lắc đến Nam Bộ theo hướng Phước Long. Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo thành lập đoàn B90, độc lập với đoàn 559, để mở đường Trường Sơn nối từ Đắc Lắc tới miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Sau một thời gian chuẩn bị, đồng chí Trần Văn Trà, Phó tổng Tham mưu trưởng dự kiến khung ban đầu của đoàn B90 có 50 người, được chọn từ cán bộ miền Nam tập kết. Bác Hồ trực tiếp duyệt phương án và nói: “Cần chọn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất hoạt động được ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chứ không cần đông người”. Sau khi bàn bạc, Quân ủy Trung ương đồng ý chọn 25 người, giao cho đồng chí Trần Quang Sang, nguyên là Phó phòng Dân vận Quân khu 7 làm trưởng đoàn, đồng chí Phùng Đình Ấm và đồng chí Phạm Lạc làm phó đoàn. Ngày thành lập là 25-5-1959. Sau đó đoàn tập kết ở sân bay Gia Lâm, huấn luyện, học tập công tác phát động quần chúng theo chỉ thị của Bác Hồ: “Dựa vào dân để mở đường”.

Sau một tháng huấn luyện, ngày 20-6-1959, đoàn lên đường. Xe ô tô bịt nóc chở cả đoàn vào làng Ho, Quảng Bình rồi từ đó đi bộ vào Nam. Khi bước sang phía Nam ranh giới vĩ tuyến 17, mọi người phải đi chân trần, theo mệnh lệnh “đi không dấu, nấu không khói”. Lúc này chưa có đường mòn, họ phải theo vệt chì đỏ đã vạch trên tấm bản đồ còn rất mới mà đạp rừng, lội suối, leo dốc để đi. Gặp đá tai mèo, bàn chân tứa máu, vẫn phải cắn răng mà bước, không thể để mình tụt lại sau đội hình. Thôi thì hết nắng đốt, đến mưa dầm và những trận đói, những cơn sốt hành hạ mọi người, đôi lúc tưởng không thể đi tiếp nhưng rồi như có sức mạnh nào đó thôi thúc, vực họ dậy đi. Tấm bản đồ đã sờn rách, nhiều chỗ đã mờ chữ, nhưng không sao, họ đọc đã thuộc làu từng tên đất, tên làng trên đó. Những chiến sĩ giao liên Trường Sơn, phần nhiều là người dân tộc thiểu số, thường động viên: “Có đi có đến, không đi không đến”, “Đi chậm đến sau mặt trời, đi nhanh đến trước mặt trời”.

Sau bốn tháng đi bộ ròng, đoàn dừng chân ở N’Dru Đak Rồ, một làng nhỏ của đồng bào M’Nông. Họ được đội vũ trang công tác nam Đắc Lắc đón, đưa về nương rẫy tự túc của đội nghỉ ngơi, đây cũng là nơi đứng chân của tiểu đoàn Nơ Trang Lơng của tỉnh Đắc Lắc. Đội vũ trang công tác được nhập vào đoàn B90, lấy phiên hiệu là B4, đồng chí Vũ Anh Ba, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, trực tiếp làm Bí thư. Đoàn hoạt động theo phương châm “Dựa vào dân, vừa xây dựng cơ sở vừa mở đường, đường tới đâu, xây dựng bàn đạp vững chắc tới đó”. Đoàn lấy một số đồng chí ở lại bảo vệ hành lang, giữ vững liên lạc với tỉnh Đắc lắc, còn lại chia thành hai đội, đội thứ nhất do đồng chí Đông và đồng chí Nhường mở về hướng đông tỉnh Quảng Đức, đội thứ hai vượt qua sông Mã Đà bắt liên lạc với lực lượng ta ở Mã Đà- Tà Lài. Đội thứ hai do đồng chí A Ma Thu phụ trách, đồng chí Phùng Đình Ấm, làm bí thư chi bộ mở về hướng Quảng Đức, qua nam Đắc Min, vượt qua quốc lộ 14, qua vùng ba biên giới bắt liên lạc với lực lượng ta ở Bà Rá-Phước Long. Theo nguyên tắc bí mật, mỗi người đặt một tên riêng, Phùng Đình Ấm lấy tên là Ba Cung. 

Đội lên đường, lại theo vệt chì đỏ trên bản đồ, xuyên rừng mà tới. Khi tới địa điểm định sẵn, họ mắc võng trong rừng và buôn đầu tiên họ móc ráp là buôn Bu Di rắh, khoảng 13 nóc nhà.  Ba Cung lần vào buôn và gặp người đầu tiên là già làng tên là Ama Hin, dáng quắc thước, giọng chắc như dao chém. Khi biết Ba Cung là người từ “cái rừng Bác Hồ ở” đến, ông bí mật mời vào nhà, đem rượu cần, nướng gà tiếp. Ba Cung đưa tấm ảnh Bác Hồ cho ông xem. Ông nói: “ Mình cũng có ảnh Bác Hồ” rồi đứng dậy lấy ống tên treo trên cột nhà xuống, rút hết tên ra và lấy ra tấm ảnh Bác Hồ, xúc động bày tỏ: “Trước khi đi tập kết, bộ đội Ba tặng mình đó, hẹn hai năm trở lại nhưng sáu năm bây giờ mới gặp”. Một thời gian sau, già làng Ama Hin tham gia vận động quần chúng ở các buôn bên cạnh, được kết nạp vào Đảng. Đó là người đảng viên đầu tiên của buôn Bu Di rắh.

Từ cơ sở buôn Bu Di rắh, đội của  Ba Cung đến buôn Bu ng’lao, nơi có thám báo thường xuyên qua lại nên không thể vào được. Một hôm, khi đến cái rẫy hoang, khoai sắn đã thu hoạch hết, chỉ còn lại những ngọn rau tàu bay là có thể dùng làm cái ăn được. Đi được một đoạn, Ba Cung phát hiện một cái chòi, bên ngoài cửa cắm một thân cây xương rồng. Những năm hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc M’Nông, chú Ba Cung biết đó là ám hiệu chỉ người bị bệnh truyền nhiễm hoặc bị ma lai, không ai được đến gần. Ba Cung đến và thấy một ông già gầy đến độ da bọc xương, đang nằm co ro, ngón chân sưng vù, rỉ máu. Vậy là ông già mắc bệnh hủi rồi. Bị bệnh hủi nên phải ra đấy ở chăng? Ba Cung nghĩ và đến gần. Ông già giới thiệu tên là Phơm, người buôn Bu ng’lao, và cho biết, gia đình ông có hai anh em mắc bệnh hủi, lấy hai chị em một nhà cũng bị bệnh hủi. Ông bị đưa ra xó rừng này, hằng ngày có một người bà con xa, đưa cơm tới. Người kia sợ lây bệnh nên đặt mo cơm ở gốc cây đằng xa kia, ông phải ra lấy về ăn. Ba Cung giới thiệu mình là người cách mạng.

Ông già đã cầm tay Ba Cung giọng nghẹn ngào: “Tụi bay ra Bắc là quân nó tới truy bắt người kháng chiến, có nhiều người dân vô tội cũng bị chém chết”. Ngay đêm ấy, Ba Cung cho cả tổ chuyển vào mắc võng ở mé rẫy, còn ông ở trong chòi với ông già. Từ đó, Ba Cung chăm sóc ông già, đi lấy nước về cho ông tắm. Một lần anh mang quần áo ông ra giặt, thấy vết máu, anh sững lại, nếu giặt lây bệnh hủi thì sao, nhưng nếu không giặt ông sẽ cho rằng bộ đội không thực lòng, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh người cách mạng. Vậy là Ba Cung giặt. Thấy anh bộ đội chăm sóc mình, ông già không cầm nổi nước mắt. Thế rồi, Ba Cung xin ông già Phơm nhận mình làm con nuôi.

Thiếu tướng Ba Cung trao nhà tình nghĩa tặng đồng bào ở buôn Bu ng’lao.

Sự việc ấy dân làng Bu ng’lao đều biết và già làng đã đích thân tới mời Ba Cung và hai đồng chí cùng đi về buôn chơi. Trong đêm đốt lửa, ăn cơm nếp mới, uống rượu cần, già làng đã kể lại sự việc anh bộ đội Bác Hồ Ba Cung đã chăm sóc ông già Phơm bị hủi cho dân làng nghe và bảo mọi người phải giúp đỡ bộ đội. Và, như để thử thách lần cuối cùng, hôm sau, già làng cho đâm trâu, đưa cho Ba Cung một bát huyết trâu. Với người M’Nông, đây như một chén rượu thề. Trước mặt dân làng, Ba Cung kính cẩn uống hết bát huyết trâu còn nóng hổi. Dân làng hoan hô như sấm. Từ đó, mọi người coi ông là người con của buôn làng Bu ng’lao.

Như có phép lạ, sức khỏe của ông già Phơm khá dần, ông vào rừng đặt bẫy thú, làm rẫy được. Rồi ông nhận nhiệm vụ đi nắm tình hình địch, vận động quần chúng ở những buôn gần đó.

Từ đó, cơ sở cách mạng mở rộng ra các buôn khác. Cho tới giữa tháng 10-1960, Ba Cung nhận được bức điện của phía nam hẹn gặp nhau vào đêm 4-11, người của phía nam tên là Hai Hùng. Bức điện ấy đã khiến mọi người reo lên vì từ đây đường đã thông suốt. Cùng lúc đó có đoàn cán bộ của Trung ương chi viện cho Nam Bộ đến và chờ ngày khai thông liên lạc để đi tiếp. Hoàng hôn xuống, Ba Cung bảo mọi người dừng ở bìa rừng, còn ông dẫn đội ra gần mặt đường đón. Một lúc, có một chiếc xe nhà binh địch đi qua và dừng lại. Lộ rồi chăng? Ba Cung tự hỏi nhưng rồi thấy mấy tên lính lui cui sửa chữa rồi lên xe vọt đi. Vậy là an tâm đôi chút. Họ vẫn căng mắt theo dõi, phải tới gần nửa đêm, anh Bảy Kính, một chiến sĩ trong đội reo khẽ: “Họ tới rồi”. Từ đằng xa, một người đang dò dẫm bước tới, tiếp theo là bốn người nữa, đến cột mốc số 4, địa điểm hẹn, thì họ dừng lại và ra ám hiệu, mật khẩu. Có tiếng người gọi “Ấm”. Ba Cung đáp đến lạc giọng “Hùng”. Mọi người chạy ra ôm chầm lấy nhau, và nước mắt tứa ra. Họ đã trải qua bao nhiêu tháng năm chờ đợi, chịu nhiều gian khổ mới có giây phút ấy.

Đó cũng là một ngày không bao giờ quên của ông Ba Cung và là sự kiện đáng nhớ của việc nối đường Hồ Chí Minh từ miền Trung tới Nam Bộ.

Khoảng một tuần sau khi nhận được báo cáo của tổ do Ba Cung dẫn đầu, đoàn cán bộ quân đội do đồng chí Hai Trà (người sau này là được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) từ phía ngoài đi vào, mở đầu cho tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Đức.

Nửa thế kỷ trôi qua, thỉnh thoảng ông Ba Cung lại tìm về buôn Bu ng’lao thăm bà con buôn làng, xây dựng nhà tình nghĩa, góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở. Buôn Bu ng’lao đã đổi mới nhiều, đồng bào đã biết trồng điều, trồng lúa nước, toàn buôn đã có điện, có trường học, bệnh xá… và không còn người mắc bệnh hủi. Trong những đêm lễ hội, già làng và những bậc cao niên vẫn kể cho lớp con cháu nghe chuyện anh bộ đội Ba Cung đã kết nghĩa với một người bị hủi của buôn làng. Câu chuyện ấy được nhiều cháu học sinh chép vào sách.

NGUYỄN ANH ĐƯỜNG - PHƯƠNG LOAN